02:05, 30/05/2011

Cần chung tay tháo gỡ

Tại hội nghị triển khai Chỉ thị 15 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc tăng cường công tác chỉ đạo thu hồi nợ thuế,....

Tại hội nghị triển khai Chỉ thị 15 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc tăng cường công tác chỉ đạo thu hồi nợ thuế, ông Nguyễn Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh nhấn mạnh: “Hiện nay, việc quản lý đôn đốc thu nợ, cưỡng chế nợ thuế trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách. Vì vậy, để sớm thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo chống thất thu ngân sách Nhà nước, ngoài sự cố gắng của toàn thể công chức ngành Thuế, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp liên quan”.

Nhận thấy những khó khăn mà doanh nghiệp (DN) gặp phải trong thời kỳ suy giảm kinh tế; giá cả hàng hóa, nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao…, thời gian qua, không chỉ ngành Thuế cảm thông, chia sẻ với khó khăn nói trên của DN, mà Bộ Tài chính cũng ban hành nhiều chính sách giảm, giãn, hoãn các loại thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN, lệ phí trước bạ… nhằm gỡ khó cho DN. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh không những không giảm mà còn tăng đột biến. Tính đến ngày 31-3-2011, tổng nợ thuế toàn tỉnh hơn 167,7 tỷ đồng (tăng 28% so với cuối năm 2010). Trong đó, nợ có khả năng thu hơn 119,7 tỷ đồng (tăng 71% so với cuối năm 2010), nợ thuế chây ỳ quá 90 ngày chiếm hơn 59,7 tỷ đồng. Điều đáng nói, số nợ thuế lớn tập trung vào khối DN ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh, DN Nhà nước địa phương… Cụ thể, DN ngoài quốc doanh nợ hơn 102 tỷ đồng (tăng 43% so với cuối năm 2010), hộ kinh doanh nợ hơn 21,9 tỷ đồng (tăng 16%), DN Nhà nước địa phương nợ hơn 12,2 tỷ đồng (tăng 5%)… Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, bình quân mỗi tháng có hơn 100 DN nộp chậm tiền thuế, trong đó 70 DN nợ thuế quá 90 ngày, với số nợ hơn 10 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, tình hình nợ thuế 3 tháng đầu năm 2011 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và tăng cao. Điều đáng lo ngại là không ít DN để nợ thuế kéo dài, nhiều DN có số nợ thuế rất lớn. Tuy ngành Thuế đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở, song các DN này vẫn cố tình chây ỳ, không chịu thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Theo Cục Thuế tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nợ thuế tăng cao. Trong đó, quan trọng nhất là do kê khai nộp thuế thực hiện theo cơ chế tự khai, tự nộp (nghĩa là việc nộp thuế hoàn toàn dựa vào sự tự giác của DN) chứ không có cán bộ thuế chuyên quản nên công tác quản lý nợ thuế gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, hầu hết DN ngoài quốc doanh có quy mô hoạt động nhỏ, không đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, dẫn đến việc kinh doanh thua lỗ và tự giải thể. Do không nắm được địa chỉ cư trú của các DN này nên cơ quan Thuế không truy thu được nợ. Ngoài ra, đa số hộ kinh doanh đều thuê địa điểm, không có hộ khẩu tại địa phương nên công tác quản lý nợ gặp nhiều khó khăn. Trường hợp này chủ yếu rơi vào những đối tượng kinh doanh vãng lai, thực hiện kê khai thuế tại địa phương, nhưng khi công trình thi công xong lại không thanh toán nợ. Mặt khác, một số DN thực hiện các công trình xây dựng bằng nguồn ngân sách, tuy công trình đã nghiệm thu nhưng chưa được thanh toán nên DN để nợ đọng tiền thuế… 

Thời gian qua, ngành Thuế Khánh Hòa đã tiến hành cưỡng chế thu nợ nhưng không đạt kết quả. Khi cơ quan Thuế làm thủ tục cưỡng chế nợ thuế qua ngân hàng thì trong tài khoản của các DN không còn tiền. Do toàn bộ tài sản của DN đều đã thế chấp để vay vốn nên cơ quan Thuế không thực hiện được biện pháp kê biên tài sản. Mặt khác, khi cơ quan Thuế lựa chọn biện pháp cưỡng chế phù hợp thì các đối tượng bị cưỡng chế luôn tìm cách né tránh, không chịu hợp tác. Cục Thuế tỉnh đã nhiều lần công khai thông tin những DN nợ thuế trên các phương tiện truyền thông, nhưng các DN vẫn không hề có phản ứng, dẫn đến nợ thuế kéo dài.

Thực hiện Chỉ thị 15 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác chỉ đạo thu hồi nợ thuế, Cục Thuế tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng như: yêu cầu các Chi cục Thuế báo cáo cụ thể từng trường hợp nợ, thời gian nợ, số thuế nợ và đề xuất biện pháp đôn đốc thu nợ, cưỡng chế nợ thuế cho UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trên cơ sở đó, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành hỗ trợ cơ quan Thuế trong việc tăng cường công tác thu nợ. Điển hình như: chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn, ban quản lý chợ quan tâm công tác thu hồi nợ và cưỡng chế nợ thuế; thành lập tổ, đội đôn đốc thu nợ tại các xã, phường, thị trấn, ban quản lý chợ; chọn một số DN trọng điểm để tổ chức cưỡng chế nợ thuế; đồng thời chuyển một số DN có số nợ hơn 200 triệu đồng, những DN, hộ kinh doanh cố tình chây ỳ, không chịu hợp tác với cơ quan Thuế sang cơ quan Công an để hỗ trợ thu nợï. Bên cạnh đó, ngành Thuế còn phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính xử lý dứt điểm các DN bị truy thu qua kiểm toán, thanh tra; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức công tác hậu kiểm, thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những DN cố tình chây ỳ nợ thuế; đồng thời phối hợp với ngân hàng thực hiện nghiêm các quyết định cưỡng chế qua tài khoản… Đi đôi với những biện pháp “cứng rắn” trên, ngành Thuế còn tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục DN, hộ kinh doanh sớm chấp hành nghĩa vụ nộp thuế; đồng thời đẩy mạnh công tác tổ chức đối thoại với DN nợ thuế trên địa bàn… 

Có thể thấy, tình trạng nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh đang ở mức báo động. Để công tác thu hồi nợ thuế đạt hiệu quả, đảm bảo chống thất thu ngân sách Nhà nước, ngoài sự nỗ lực của toàn ngành Thuế rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp.

KIM THAO