03:05, 04/05/2011

Rừng phòng hộ dần biến mất

Khởi phát từ tập quán du canh, du cư, khu vực rừng trên Tỉnh lộ 9 đoạn đèo lên Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã dần biến thành “vườn nhà” của hàng trăm hộ dân trước sự “hiền lành” đáng ngạc nhiên của các ngành chức năng.

Bài 1: Khi rừng phòng hộ thành “vườn” chuối

Khởi phát từ tập quán du canh, du cư, khu vực rừng trên Tỉnh lộ (TL) 9 đoạn đèo lên Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã dần biến thành “vườn nhà” của hàng trăm hộ dân trước sự “hiền lành” đáng ngạc nhiên của các ngành chức năng. Diện tích rừng ở khu vực đỉnh đèo Khánh Sơn thuộc địa phận huyện Cam Lâm ngày càng thu hẹp đã để lại những thiệt hại rất to lớn cả về môi sinh lẫn kinh tế…

. Những cánh rừng biến mất

Hơn 5 năm trước, tôi có dịp đặt chân đến mảnh đất Khánh Sơn nhân kỷ niệm 20 năm ngày tái lập huyện (1985 - 2005). Trên những cung đường vòng vèo, quanh co giữa đèo Khánh Sơn, càng lên cao, cảm giác mệt mỏi trên chặng đường dài như được thổi bay trước những làn gió mát lạnh. Từ đỉnh đèo, phóng tầm mắt xuống thung lũng là cả một khu rừng trải mình trong sương mù dày đặc, tạo nên thần thái của một vùng đất trù phú, yên bình giữa không khí trong lành.

Sạt lở Tỉnh lộ 9 đoạn đèo Khánh Sơn ngày càng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hơn, thì ngay từ thời điểm năm 2005, đây đó đã xuất hiện những khoảng trống, dấu hiệu của hoạt động phá rừng làm nương rẫy. Tôi chợt nhớ về thời điểm 2001 - 2002, khi các ngành chức năng của thị xã Cam Ranh (nay là TP. Cam Ranh) đã rất mạnh tay trong việc bảo vệ khu vực rừng đầu nguồn này. Những cây trồng như chuối, mỳ và một số loại cây ăn quả mà người dân phá rừng để trồng lên kiên quyết bị chặt bỏ. Các ngành chức năng TP. Cam Ranh còn cử người canh gác 24/24, xử phạt nặng những đối tượng tái phạm. Thế nhưng, tình trạng phá rừng làm nương rẫy chỉ tạm lắng xuống một thời gian, đến khi các ngành chức năng “rút quân” thì cũng là lúc mọi chuyện lại “đâu vào đấy”.

Nếu như những năm 2005 trở về trước, đối tượng biến đất rừng thành nương rẫy chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số (DTTS) xã Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn), thì cũng từ đó về sau, “những ông chủ đất” bắt đầu thay đổi về đối tượng và cùng với đó là quy mô sản xuất. Đó là lúc một số hộ người Kinh từ các xã Cam Phước Tây, Cam Phước Đông… ồ ạt lên mua lại diện tích đã được khai phá từ bà con DTTS với giá rẻ mạt, rồi nhanh chóng mở rộng diện tích, biến rừng đầu nguồn thành đất trống đồi trọc, biến đồi trọc thành… vườn nhà.

Chúng tôi có mặt tại khu vực này đầu tháng 4-2011, thời điểm những người “chủ đất” đang tranh thủ thời tiết khô ráo để dọn dẹp nương rẫy, đốt hết lá khô và cũng không quên lấn thêm ít nhiều về phía cây rừng, cả khu vực đều là những mảng khói đen ngòm ngổn ngang. Chỉ tính riêng 2 tiểu khu 313 và 314, nơi có TL 9 xuyên qua, hàng trăm héc-ta rừng hoặc đất rừng đã biến thành nương mỳ, vườn chuối của trên 100 hộ dân (chủ yếu là người Kinh lên canh tác).

Nếu như năm 2005, diện tích đất rừng bị xâm hại ở mức khoảng 50ha, thì 5 năm sau, con số này đã vượt qua 150ha (theo thống kê chưa đầy đủ). Những cánh rừng dần biến mất, từ đỉnh đèo Khánh Sơn lấn dần xuống phía chân đèo, từ chỗ “khuất mắt” lấn ra phía TL9 theo tiêu chí “gần đường thuận tiện lưu thông hàng hóa, nông sản”. Giờ đây, trên TL9 vượt đèo Khánh Sơn, nhất là đoạn từ Km20 đến đỉnh đèo đã trở thành rừng chuối xen lẫn với một số ít loại cây ăn quả.

. Và những thiệt hại nhãn tiền

Trước năm 2009, TL9 từ Cam Ranh lên Khánh Sơn là con đường độc đạo. Ngay cả khi con đường nối liền Khánh Sơn với huyện Bác Ái của Ninh Thuận được nâng cấp, thì gần như mọi giao lưu giữa Khánh Sơn với “thế giới bên ngoài” vẫn chủ yếu dựa vào TL9 đoạn từ Cam Ranh lên Khánh Sơn.

Khu vực rừng giáp ranh giữa Cam Lâm và Khánh Sơn đã trở thành “vườn” chuối.
Trong khi đó, trên đoạn đèo lên Khánh Sơn chưa hề có một cây cầu nào bắc qua những con suối. Thay vào đó là hàng chục đập tràn vắt qua đường quanh năm nước chảy. Chính những đập tràn này là minh chứng cho độ “giàu nghèo” của rừng trong khu vực. Bởi khi mưa xuống, mực nước những con suối tăng lên, đồng nghĩa với mực nước qua những đập tràn cũng tăng lên. Vấn đề là nếu như cách đây chừng 5 năm, với cùng một lượng mưa đó thì người dân và phương tiện vẫn có thể qua lại ở các đập tràn, nhưng nay thì không thể. Một cán bộ có thâm niên công tác gần 3 nhiệm kỳ của huyện miền núi Khánh Sơn tâm sự: “Gia đình tôi ở Cam Ranh nên việc đi về trên TL9 như chuyện cơm bữa. Thời tiết ở huyện miền núi này thay đổi từng ngày, sáng nắng chiều mưa. Trước đây, nếu những cơn mưa rào kéo dài độ 2 tiếng đồng hồ, thì mực nước qua những đập tràn vẫn nằm ở mức độ an toàn cho người và phương tiện. Nhưng nay thì chỉ cần một cơn mưa nhỏ, việc đi lại trên con đường này đã trở nên khó khăn vì nước dâng lên rất nhanh với dòng chảy xiết. Điều này chứng tỏ rừng đã không còn để giữ nước, nên mưa bao nhiêu nước chảy theo suối về xuôi hết bấy nhiêu. Bây giờ, suối hết nước trong mùa nắng và hung dữ, cuồn cuộn chảy trong mùa mưa đã trở nên bình thường”.

Cùng với mực nước dâng cao tại các đập tràn, tình hình sạt lở mái taluy dọc theo TL9 đã diễn ra một cách thường xuyên, gây thiệt hại nặng nề hơn. Con đường vốn đã nhỏ, lại trải dài trên những vách núi hiểm trở, nhưng mấy năm trở lại đây, không năm nào không xảy ra tình trạng sạt lở, gây ách tắc giao thông trong một thời gian dài. Một lần theo đoàn cứu trợ cho đồng bào bị thiệt hại do bão lụt lên Khánh Sơn vào cuối năm 2010, tôi có dịp chứng kiến cảnh tan hoang, lún sụt của rất nhiều vị trí trên TL9, nhất là đoạn từ Km20 lên đến đỉnh đèo, một vài khu vực đường đã bị lún sụt mất hơn một nửa. Theo Sở Giao thông vận tải, TL9 khu vực đèo Khánh Sơn những năm qua đã sạt lở nghiêm trọng vào mùa mưa. 4 năm trở lại đây, năm nào cũng có trên dưới 20 điểm sạt lở đất đá từ mái taluy xuống lấp mặt đường hoặc sạt lở phía bên vực, gây đứt đường. Đặc biệt là đoạn từ Km22 đến Km30 sạt lở nghiêm trọng. Đây chính là khu vực giáp ranh giữa 2 huyện Cam Lâm và Khánh Sơn, nơi giờ đây chỉ còn là rừng chuối, bắp, mỳ… Theo xác định của ngành Giao thông, thì một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở TL9 chính là do người dân canh tác, trồng trọt với những loại cây trồng không có khả năng giữ nước, sau những trận mưa nước ngấm vào đất, phá vỡ kết cấu ban đầu của mái taluy, gây sạt lở.

Còn ở hạ nguồn các con suối, công trình hồ chứa nước Tà Rục đang đối diện với nguy cơ thiếu nước mùa khô và thừa nước vào mùa mưa, không thể đáp ứng được công năng điều tiết, cung cấp nước tưới cho gần 2.000ha đất canh tác nông nghiệp, tạo nguồn nước sinh hoạt cho gần 40 ngàn hộ dân trong vùng và cung cấp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp cho TP. Cam Ranh như yêu cầu đặt ra khi đầu tư xây dựng công trình này.

HỒNG ĐĂNG

Bài 2: Hệ quả của những bất cập trong quản lý