Theo báo cáo của Sở Y tế, đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tương đối ổn, không có bệnh nào diễn biến thành dịch.
Theo báo cáo của Sở Y tế, đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tương đối ổn, không có bệnh nào diễn biến thành dịch. Ngoài sốt xuất huyết xảy ra rải rác tại các địa phương với 268 ca (tính từ đầu năm đến nay), không có bệnh nào có số bệnh nhân (BN) vượt quá con số 100. Tuy nhiên, trong số các bệnh truyền nhiễm được báo cáo, đáng chú ý có bệnh sốt mò. Tính đến ngày 8-5, toàn tỉnh ghi nhận 54 ca sốt mò, tập trung chủ yếu ở thị xã Ninh Hòa với 48 ca.
Theo bác sĩ Lê Trung Hải (Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế), sốt mò (còn gọi là sốt ve) là bệnh thường lây từ súc vật sang người qua trung gian là ấu trùng mò. Khi đẻ trứng, trứng mò nở dưới đất bùn thành ấu trùng bò lên ngọn cỏ, bám vào người và động vật để hút máu và truyền bệnh cho người và động vật. Bệnh gây ra bởi ký sinh trùng rickettsia orientalis sống bám trong cơ thể con mò. Từ mùa Hè cho đến mùa mưa là thời điểm ấu trùng mò phát triển nhiều. Những nơi có nhiều bụi cỏ, cây mọc lúp xúp là môi trường thuận lợi cho ấu trùng mò trong đất phát triển.
Bệnh thường thấy ở những người làm ruộng, làm rừng, khai hoang, săn bắt… và người đi du lịch. Ký sinh trùng có thể tồn tại trong cơ thể lành đến 16 tháng sau khi tiếp xúc với mầm bệnh. Sốt mò có diễn biến lâm sàng rất phức tạp bởi các biến chứng nội tạng như suy tim, tổn thương gan, thận, não. Nếu phát hiện sớm, bệnh sẽ được điều trị khỏi nhanh, nhưng ở giai đoạn muộn, BN rất dễ tử vong. Theo các bác sĩ, khi chưa có sự xuất hiện của thuốc kháng sinh, bệnh có tỉ lệ tử vong cao, từ 10-20%.
Khi bị sốt cao nên đi khám để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. |
Nếu được điều trị bằng kháng sinh thích hợp, chỉ vài ngày sốt sẽ giảm, BN hồi phục dần dần và khỏi hẳn. Những trường hợp ở thể nặng thường có biến chứng vào các cơ quan nội tạng và thần kinh như: viêm phế quản, viêm phổi kẽ, có thể dẫn đến suy hô hấp, viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc, rối loạn ý thức, viêm não màng não, một số hôn mê. Tử vong do biến chứng là 1%.
Đáng chú ý, sốt mò dễ bị nhầm với nhiều bệnh gây sốt khác như: Thương hàn (sốt kéo dài, li bì, lơ mơ, bụng chướng, táo bón, có khi tiêu lỏng, đau và ùng ục ở hố chậu phải, mạch chậm), sốt rét (sốt từng cơn, ngoài cơn lại bình thường; xét nghiệm: bạch cầu không tăng, hồng cầu giảm, tìm thấy ký sinh trùng sốt rét trong máu), sốt xuất huyết (sốt kéo dài nhiều ngày, mắt đỏ, da hơi đỏ, ban xuất huyết mọc vào lúc giảm sốt, có hạch toàn thân nhưng nhỏ và ít, bạch cầu không tăng). Thể biến chứng phổi của sốt mò cần phân biệt với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). SARS có triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục trên 38 độ C; mạch nhanh, nhức đầu, đau mỏi cơ, nổi hạch ngoại biên, đôi khi tiêu chảy. X-quang phổi thấy tổn thương tổ chức kẽ. Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng, ôxy giảm. Đặc biệt, SARS lây lan mạnh theo đường không khí (hô hấp), dễ bị suy hô hấp cấp.
Bác sĩ Hải khuyên, để phòng bệnh sốt mò, các gia đình nên phát quang những bụi rậm xung quanh nhà, dọn sạch cỏ dại, mùn rác. Khi lao động, đi chơi không nên đặt túi, ba lô trên bãi cỏ hoặc ngồi nghỉ trên mặt đất. Những trường hợp sốt cao li bì nên đi khám để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
NGỌC KHÁNH