Chỉ diễn ra trong 3 tiếng đồng hồ nhưng chương trình giao lưu giữa học sinh Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (Nha Trang) với Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê cùng các nhà tâm lý, giáo dục về chuyên đề “Văn hóa ứng xử ...
Chỉ diễn ra trong 3 tiếng đồng hồ nhưng chương trình giao lưu giữa học sinh (HS) Trường Trung học Phổ thông (THPT) Nguyễn Văn Trỗi (Nha Trang) với Giáo sư, Tiến sĩ (GS-TS) Trần Văn Khê cùng các nhà tâm lý, giáo dục về chuyên đề “Văn hóa ứng xử (VHƯX) học đường” đã để lại nhiều điều bổ ích. Sự hăng hái giao lưu, phát biểu của các HS cho thấy, có một “cơn khát” về VHƯX và khám phá bản thân.
Chương trình giao lưu chuyên đề “VHƯX học đường” do Tỉnh đoàn phối hợp với Trung ương Đoàn và Hội quán Các bà mẹ (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức. Ngoài diễn giả đặc biệt là GS-TS Trần Văn Khê - nhà văn hóa lớn của dân tộc, chương trình còn có sự góp mặt của nhà văn, nhà báo Thúy Ái (Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh) và chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Thị Thúy (Thạc sĩ Xã hội học - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia).
. Chưa lớn đã vội… già!
Mở đầu chương trình giao lưu, GS-TS Trần Văn Khê dí dỏm nói: “Hồi trước, chúng tôi trẻ lâu vì thường gọi nhau là bạn, là anh, là cậu, là tớ, xưng tên thân mật. Bây giờ, tôi nghe nhiều bạn gọi nhau bằng “tao, mày, thằng này, con kia”, HS cấp 1 gọi nhau bằng ông, xưng bà… mà thấy tiếc cho giới trẻ chưa lớn đã vội… già!. Những danh xưng tưởng như “vô thưởng, vô phạt” ấy lại ảnh hưởng rất lớn đến tính cách và mối quan hệ của chúng ta”.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Thị Thúy giao lưu với học sinh Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Trỗi. |
. Áo dài sẽ hạn chế bạo lực
Trong buổi giao lưu, chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Thị Thúy đưa ra con số: Từ đầu năm học 2009 - 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.598 vụ HS đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Những năm gần đây, số lượng HS cũng như giáo viên bị kỷ luật, bị buộc thôi học hoặc bị ra khỏi ngành Giáo dục vì VHƯX và tư cách đạo đức “có vấn đề” gia tăng đến mức báo động. GS-TS Trần Văn Khê tiếp lời: “Ngày xưa, không bao giờ có cảnh trò vô lễ với thầy, chứ nói gì đến chuyện đánh thầy và ngược lại, những người thầy luôn có ý thức phải làm gương cho học trò, giữ khoảng cách thầy trò đúng đạo”. GS-TS nói, ông thấy rất xót xa khi ngày nay, tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng. Càng đau xót và đáng sợ hơn khi có những người thầy, người cô chỉ vì những ham muốn cá nhân mà đánh đổi nhân cách của chính mình, làm hại đến cả HS...
Từ vấn đề này, cô Phạm Thị Thúy đã đặt câu hỏi cho các HS: “Nguyên nhân do đâu xảy ra những vụ HS đánh nhau?” Khá bất ngờ khi hàng loạt cánh tay giơ lên. Một HS lớp B6 nói: “Do không kìm chế được bản thân, do hiểu lầm”. Một HS lớp A12 thì cho rằng: “Do hiếu thắng, tự cao tự đại, muốn chứng tỏ bản thân nên không nhìn thấy lỗi của mình”… Theo nhà văn, nhà báo Thúy Ái, sở dĩ VHƯX học đường những năm gần đây xuống cấp là do ảnh hưởng của văn hóa thời trang vào học đường. Thử hỏi liệu nữ sinh có dám đánh nhau khi mặc những chiếc áo dài trắng - “quốc phục” một thời của các trường nữ sinh khi xưa!”. Nhà văn Thúy Ái cho rằng, không phải vô cớ các trường nữ sinh thời xưa như: Trường Nữ sinh Đồng Khánh, Trường Quốc Học Huế lại bắt buộc nữ sinh mặc áo dài trắng đi học tất cả các ngày trong tuần. Đó chính là họ muốn hun đúc vẻ đẹp nữ tính cho các HS nữ. “Bạo lực xảy ra nhiều quá, những người làm giáo dục, đào tạo nhân cách cho các em cũng nên suy nghĩ lại cần phải cho HS thướt tha trong tà áo dài đến trường. Chính sự nhu mì của tà áo dài sẽ làm giảm những tính cách bốc đồng của các em”, nhà văn Thúy Ái chia sẻ.
. Ứng xử để thành công
Nhà văn Thúy Ái tâm sự: Trong suốt cuộc đời làm báo, chị nghiệm ra rằng, những người biết ứng xử thường thành công và hạnh phúc hơn những người khác.
Đôi khi ứng xử đẹp chẳng có gì to tát, chỉ là một lời cảm ơn khi bạn giúp mình, một lời xin lỗi khi mình nói sai… Biết vậy nhưng không phải ai cũng làm được. Để gợi mở cho HS, cô Phạm Thị Thúy đặt câu hỏi: “Thái độ quan trọng nhất trong giao tiếp là gì?” Các bạn làm gì để bản thân mình là hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè? Hàng chục cánh tay giơ lên. Các HS đều đưa ra được những hình ảnh đẹp như: biết cười, biết quan tâm, chia sẻ, lắng nghe… Theo cô Phạm Thị Thúy, giao tiếp là một tấm gương, nếu mình cười với nó, nó sẽ cười. Nếu biết suy nghĩ tích cực, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu và cảm thông chia sẻ thì sẽ tìm ra cách ứng xử đúng. Quan trọng hơn, khi đủ tự tin, bạn mới biết ứng xử cho phù hợp. Cô Phạm Thị Thúy nhấn mạnh ứng xử có văn hóa sẽ là “bí kíp” để các em được mọi người yêu thương, từ đó sẽ gặt hái thành công và hạnh phúc.
Kết thúc chương trình giao lưu, nhiều giáo viên tâm sự, đã lâu lắm rồi, họ mới được dự một chương trình giao lưu đầy lý thú như vậy. Còn với các em HS, chương trình diễn ra 3 tiếng đồng hồ dường như vẫn chưa “đã cơn khát” được bày tỏ, được giao lưu để khám phá bản thân, và rồi thốt lên rằng: “Nếu như các tiết học giáo dục công dân trong trường cũng sinh động như thế này thì chúng em sẽ học tốt hơn, biết tích lũy vốn sống, ứng xử cho mình”.
THU HIỀN