Cũng như nhiều địa phương khác, những năm qua, công tác khai thác khoáng sản ở Khánh Hòa tương đối phát triển, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác quản lý khai thác, chế biến khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập…
Ảnh minh họa |
Thực trạng và giải pháp
Khánh Hòa có nguồn tài nguyên KS tương đối phong phú. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường, trong 5 năm (2005 - 2010), có thể nói hoạt động khai thác KS ở Khánh Hòa tương đối phát triển. Hiện nay, nguồn KS đang khai thác, chế biến tập trung vào các loại KS như: cát thủy tinh, đá granit sản xuất đá ốp lát, đá xây dựng (đá phun trào, granit), cát xây dựng, sét gạch ngói, nước khoáng, bùn khoáng, đất san lấp. Tỉnh đang tiến hành thăm dò 33 mỏ/khu vực KS, gồm: 5 mỏ nước khoáng nóng, 2 mỏ đá granit sản xuất đá ốp lát (giấy phép do Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp) và 26 mỏ đá sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường (giấy phép do UBND tỉnh cấp). Trong lĩnh vực khai thác KS, trên địa bàn tỉnh có các nhóm KS sau đây được khai thác, chế biến và sử dụng: cát trắng thủy tinh (3 mỏ); cát vàng xuất khẩu (1 mỏ); cát xây dựng bãi bồi lòng sông (22 khu vực đã khai thác nhưng hiện chỉ có 1 khu vực giấy phép còn hiệu lực, còn các khu vực khác đang được thăm dò trữ lượng hoặc hết hạn giấy phép khai thác tập trung chủ yếu ở huyện Diên Khánh); đất, đá sản xuất VLXD thông thường (29 mỏ); đá granit (đá gốc và đá tảng lăn) sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ (15 mỏ); nước khoáng (4 mỏ); bùn khoáng (1 mỏ). Riêng đất sét được khai thác chủ yếu ở Ninh Xuân, Ninh Hưng, Ninh Thân, Ninh Bình, Diên Đồng, Diên Thọ, Diên Lâm... trên cơ sở cải tạo đồng ruộng để làm gạch, ngói, vì vậy mỏ đất sét chưa được cấp giấy phép khai thác. Trong số các mỏ KS hiện đang khai thác ở trên, chỉ có 55 mỏ có giấy phép khai thác KS đang còn hiệu lực hoặc đang làm hồ sơ xin gia hạn.
Nhìn chung, nhờ làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về KS, hầu hết các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KS đều có ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về KS như thuê đất, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường và các nghĩa vụ về tài chính trong hoạt động KS. Tuy nhiên, hoạt động khai thác KS trong tỉnh vẫn còn thiếu quy hoạch cụ thể, chưa chú trọng đến nhiệm vụ quản lý bảo vệ KS chưa được phép khai thác, dẫn đến tình trạng khai thác KS trái phép diễn ra ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là khai thác đất đá san lấp, đá chẻ, đất sét làm gạch ngói…, làm thất thu cho ngân sách, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cảnh quan đô thị và các khu vực dân cư tập trung. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là do công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên KS còn nhiều yếu kém, bất cập. Công tác quy hoạch về khai thác, chế biến KS của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển. Mặt khác, trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước của các địa phương chưa được coi trọng, việc phân cấp công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên KS giữa các cấp, các ngành, các địa phương chưa được quy định rõ ràng, cụ thể. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ, khai thác, chế biến KS trên địa bàn tỉnh. Trong đó nhấn mạnh UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên KS chưa được phép khai thác tại địa phương; thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác các loại KS mà không có giấy phép, đồng thời bắt buộc khôi phục lại môi trường và kiên quyết chấm đứt các hoạt động khai thác trái phép. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tăng cường công tác quản lý. Thực tế cho thấy, Khánh Hòa cũng như nhiều địa phương khác còn bị “vướng” về cơ chế, chính sách tài chính; về phân cấp quản lý Nhà nước về KS. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về KS còn hạn chế; ý thức chấp hành pháp luật về lĩnh vực này của một số tổ chức, cá nhân chưa nghiêm túc, còn chạy theo lợi ích cục bộ, gây lãng phí lớn về tài nguyên.
Cần tầm nhìn chiến lược
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước với hoạt động khai khoáng đặc biệt khi Luật Khai thác hiệu quả tài nguyên KS có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cần phải ban hành bản quy hoạch tổng thể về vùng tài nguyên. Quy hoạch tổng thể này sẽ bao gồm quy hoạch chi tiết của bốn loại KS, đó là: quy hoạch điều tra địa chất về KS; quy hoạch thăm dò KS nói chung; quy hoạch khai thác sử dụng KS trên phạm vi cả nước với các KS còn lại và quy hoạch KS của từng địa phương. Vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết về định hướng chiến lược KS và phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết nói rõ về việc sẽ đổi mới cơ chế và chính sách phát triển công nghiệp khai khoáng. Theo đó, sẽ có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về điều kiện đối với tổ chức tham gia thăm dò, khai thác, chế biến từng loại KS; đồng thời đổi mới chính sách tài chính đối với các hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, chuyển nhượng KS. Cũng theo Nghị quyết, mục tiêu chung là đến năm 2020 sẽ nâng tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng trong GDP từ khoảng 10% lên 15 - 20%; hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu như lọc, hóa dầu, sắt thép, alumin - nhôm, điện, vật liệu xây dựng… Đồng thời tăng dự trữ một số KS chiến lược lâu dài vì lợi ích quốc gia.
Như vậy, với tiềm năng của mình, Khánh Hòa cũng cần có định hướng chiến lược KS và công nghiệp khai khoáng để đảm bảo nguồn tài nguyên quý này. Để lĩnh vực công nghiệp khai khoáng phát triển bền vững, trước hết cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh. Trên cơ sở đó, phải làm cho mọi người hiểu một cách đúng đắn tài nguyên KS là một loại tài nguyên không tái sinh, chỉ có thể khai thác một lần và là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đối với các đơn vị, cá nhân được Nhà nước giao cho quản lý và khai thác chế biến KS cần phải khai thác đúng kỹ thuật, tận thu tài nguyên KS chính và các KS phụ đi kèm, không làm hủy hoại đất đai, nguồn nước và môi trường. Từ đó, cần chú trọng quan tâm đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Về phía Nhà nước cần có cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp khai thác KS trái phép, làm thất thoát tài nguyên KS, đồng thời quản lý chặt chẽ việc bán nguyên liệu thô, bán thành phẩm ra khỏi địa phương trước khi qua chế biến…
HẢI NGUYỆT