06:05, 30/05/2011

Hút một điếu thuốc lá giảm thọ 5 phút rưỡi

Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân nhập viện và tử vong hàng đầu trong tổng số những trường hợp nhập viện. Tỷ lệ tử vong có liên quan đến thuốc lá gấp 23 lần HIV/AIDS, gấp 6 lần tai nạn giao thông. Hút một điếu thuốc lá giảm thọ 5 phút rưỡi, hút 20 điếu/ngày giảm thọ mỗi năm 1 tháng.

Tuy biết tác hại của thuốc lá nhưng nhiều người vẫn vô tư hút.
Biết hại vẫn hút

Đó là thông tin do bác sĩ Bùi Xuân Minh - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh nêu tại lễ phát động Tuần lễ quốc gia Không khói thuốc lá (25 - 31-5-2011) và Ngày thế giới phòng chống tác hại thuốc lá (31-5-2011) vừa tổ chức tại Nha Trang. Theo bác sĩ Bùi Xuân Minh, nếu không ngăn chặn kịp thời tình trạng hút thuốc lá (HTL) thì khoảng 30 năm sau (sau năm 2025) thế giới sẽ bùng nổ “đại dịch bệnh” do thuốc lá gây ra và cứ 3 giây có một người chết do thuốc lá, một năm có khoảng 10 triệu người chết do thuốc lá, trong đó có 7 triệu người ở các nước đang phát triển.

Hiện nay, hầu hết những người đang HTL đều biết tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe nhưng họ vẫn hút. Cụ ông Đ.V.N, 80 tuổi ở đường Ngô Gia Tự (Nha Trang) là một ví dụ. Tính đến nay, cụ N đã có thâm niên hơn… 50 năm HTL. Trước đây, mỗi ngày cụ hút hết 1 gói thuốc lá (20 điếu), thậm chí có lúc lên đến 2 gói. Việc hút thuốc của cụ khiến con cháu cảm thấy rất bất tiện. Không chỉ bẩn nhà vì tàn thuốc vương vãi khắp trên bàn, dưới sàn, khói thuốc mà cụ phả ra khiến con gái cụ cũng thấy khó chịu vì cháu bé 2 tuổi con chị thường xuyên hít phải, ho sặc sụa. Bản thân cụ N cũng bị viêm họng mãn tính và ho. Thế nhưng, tuy biết rõ tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, nhưng cụ N vẫn không bỏ được thuốc. Không những thế cụ còn tuyên bố: “Hút thuốc nếu có giảm thọ vài năm tôi cũng chấp nhận”. Chỉ đến khi bị một trận bệnh thập tử nhất sinh, cụ mới nghe theo đề nghị của bác sĩ, giảm số lượng thuốc hút mỗi ngày từ 1 gói xuống 3 điếu. Cụ nói: “Tôi rất thèm thuốc, vì thế tôi không bỏ hẳn được, chỉ có thể giảm số lượng mà thôi”. Tất nhiên, cụ N chỉ là một trong số hàng triệu người đã và đang HTL mỗi ngày. Và ai cũng có lý do riêng của mình để… hút thuốc.

Hậu quả nặng nề

Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân nhập viện và tử vong hàng đầu trong tổng số những trường hợp nhập viện. Tỷ lệ tử vong có liên quan đến thuốc lá gấp 23 lần HIV/AIDS, gấp 6 lần tai nạn giao thông. Hút một điếu thuốc lá giảm thọ 5 phút rưỡi, hút 20 điếu/ngày giảm thọ mỗi năm 1 tháng. HTLcó thể làm giảm thọ 20 - 25 năm mỗi người. Nếu không ngăn chặn kịp thời tình trạng HTL thì vào khoảng 30 năm tới (sau năm 2025) sẽ bùng nổ “đại dịch bệnh” do thuốc lá gây ra và cứ 3 giây có một người chết do thuốc lá, một năm khoảng 10 triệu người chết do thuốc lá trong đó 7 triệu người ở các nước đang phát triển.

Khói thuốc vô cùng độc hại, vậy mà hàng ngày, hàng giờ, hàng phút qua đi, rất nhiều người trên thế giới và Việt Nam vẫn phải hít khói thuốc của người khác.

Khói thuốc còn đem lại những tổn thất kinh tế đối với cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội nói chung. Tổn thất kinh tế này bao gồm những chi phí y tế chữa trị các bệnh do HTL bị động gây ra; tổn thất năng suất lao động do ốm và tử vong.

Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác hại của thuốc lá

Ngày thế giới không thuốc lá 31-5 năm nay (năm thứ sáu Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá có hiệu lực), Tổ chức Y tế thế giới phát động các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá với mục đích khuyến khích các quốc gia thành viên hành động, từ việc xây dựng những quy chế nghiêm khắc đến việc tăng cường nhận thức cho cộng đồng về tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá là một hoạt động liên ngành, nếu chỉ riêng ngành Y tế thì sẽ không thực hiện được mục tiêu của chính sách quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá, mà phải có sự phối hợp liên ngành, của cộng đồng thì chính sách quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá mới có hiệu quả.

NGỌC KHÁNH