Trong căn phòng một khách sạn nhìn ra bãi biển Nha Trang, bà Thu Lê, một trí thức Việt kiều Pháp đã kể cho chúng tôi nghe hồi ức đẹp về những năm tháng được cùng những Việt kiều tại Pháp giúp đỡ nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình...
Trong căn phòng một khách sạn nhìn ra bãi biển Nha Trang, bà Thu Lê, một trí thức Việt kiều Pháp đã kể cho chúng tôi nghe hồi ức đẹp về những năm tháng được cùng những Việt kiều tại Pháp giúp đỡ nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (khi ấy, bà Nguyễn Thị Bình làm Trưởng phái đoàn đàm phán của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, sau này là Trưởng phái đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị bốn bên đàm phán Hiệp định Paris).
. Một tình yêu luôn hướng về Tổ quốc
Bà Thu Lê sang Pháp từ năm 1948. Tuy sống ở nước ngoài nhưng bà vẫn luôn hướng về quê hương còn chìm trong khói lửa chiến tranh với ý nguyện phải làm gì đó cho Tổ quốc. Bà đã cùng một số trí thức Việt kiều ở Pháp thành lập Tổng hội Sinh viên. Từ số thành viên ban đầu đếm trên đầu ngón tay, tổ chức này dần lớn mạnh thành Hội Việt kiều có khuynh hướng chính trị rõ ràng, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của miền Bắc Việt Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong thời gian đó, bà Thu Lê cùng những trí thức khác say mê viết báo để tuyên truyền. Những tờ báo viết tay, chỉ vài trang, in bằng thạch cao với nội dung hướng về quê hương phổ biến trong cộng đồng người Việt. “Những bài báo bày tỏ nỗi băn khoăn làm gì cho quê hương, những dòng cảm xúc về quê nhà, hay đôi khi chỉ là nhớ về một món ăn đậm đà vị quê để khơi gợi nỗi nhớ quê hương trong lòng những người Việt xa xứ” - bà Lê chia sẻ.
Là thành viên của Hội nên bà Thu Lê biết rất sớm thông tin phái đoàn đàm phán của Việt Nam và bà Nguyễn Thị Bình qua Pháp. Bà Thu Lê nhớ lại: “Thú thật, lúc đó, tôi chưa biết bà Nguyễn Thị Bình ra sao, chỉ biết đó là một phụ nữ nổi tiếng. Tôi cùng nhiều Việt kiều ra tận sân bay đón, hoan hô phái đoàn nhưng tôi vẫn chưa biết bà Bình là ai”. Sau này, khi đã gần gũi, thân quen, những người trong phái đoàn chia sẻ rằng, lần đầu tiên bước xuống phi trường Pháp nghe tiếng hoan hô Việt Nam, phái đoàn thấy phấn khởi vô cùng. Hội Việt kiều khi ấy đã ủng hộ hết lòng, hậu thuẫn mạnh mẽ cho phái đoàn của ta ở Pháp.
Bà Thu Lê tại trụ sở Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Khánh Hòa. |
… Đến trở thành phiên dịch cho nguyên Phó Chủ tịch nước
Từ lòng khâm phục người phụ nữ đáng quý và đáng kính ấy, bà Thu Lê đã đánh liều viết một lá thư cho bà Nguyễn Thị Bình với tất cả sự chân thành: “Thưa chị, chị sang đây với tư cách đại diện trong nước, còn chúng em là những người Việt Nam ở tại Pháp. Bây giờ chúng em xin sẵn sàng phục vụ phái đoàn. Các chị cần dùng bất cứ thứ gì mà không tiện nói với Hội thì có thể nói hết với phụ nữ chúng em. Những gì có thể phục vụ được, chúng em xin sẵn lòng, coi như chúng em phục vụ đất nước chứ không phải phục vụ các chị”. Lúc viết lá thư khá thân mật ấy, bà Thu Lê chỉ nghĩ đơn giản xuất phát từ tấm chân tình chứ không hề nghĩ đến khoảng cách địa vị xã hội giữa một bên là cô sinh viên, một bên là Trưởng phái đoàn đàm phán về Hiệp định Paris. Sau này, bà mới biết bà Nguyễn Thị Bình đã chuyển lá thư ấy về nước như một minh chứng: Phái đoàn qua Pháp đã được hậu thuẫn rất mạnh mẽ của kiều bào.
Sau khi hình ảnh người phụ nữ Nam bộ mặc áo bà ba, khăn rằn giản dị đến được với hàng triệu người xem trên thế giới, bà Nguyễn Thị Bình tiếp tục chinh phục được nhiều người bởi phong cách ngoại giao lịch lãm, duyên dáng. Trong điều kiện trong nước còn khó khăn, những người Việt Nam ở Pháp khi ấy luôn chân tình và chu đáo từ những vật dụng nhỏ nhất để gìn giữ hình ảnh người phụ nữ Việt Nam duyên dáng, thanh lịch trên bàn đàm phán.
Vì được tin cậy nên bà Thu Lê cùng một số người khác đã nhiều lần được chọn phiên dịch cho bà Nguyễn Thị Bình và phái đoàn trong nhiều buổi làm việc không chính thức hoặc những buổi tiếp đãi ngoài lề, gặp gỡ xã giao với các tổ chức. “Đoàn đám phán có những phiên dịch chính thức trong nước sang để phục vụ những phiên đàm phán chính thức. Tuy nhiên, tại các buổi gặp gỡ giữa bà Bình và phái đoàn với các tổ chức, cá nhân nước ngoài mang tính ngoại giao, thiết lập các mối quan hệ, tranh thủ sự ủng hộ của họ trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, đấu tranh chính trị nhằm “thêm bạn, bớt thù”, chúng tôi lại được gánh đỡ phần việc cho những người phiên dịch chính thức”. Làm phiên dịch rất cực, tuy bữa tiệc chiêu đãi thịnh soạn nhưng những phiên dịch như bà Thu Lê thường xuyên ra về mà bụng rỗng không; vì trong suốt buổi tiệc, họ làm việc căng thẳng và tập trung cao độ, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ là cầu nối giúp phái đoàn với các cá nhân, tổ chức nước ngoài hiểu biết về nhau nhiều hơn. Chỉ đến khi về nhà mới thấm mệt, ăn chút cháo trắng là xoài người ra nghỉ lấy sức để hôm sau lại có thể phấn khởi, sẵn sàng phục vụ phái đoàn hết lòng…
Hà Nội, Việt Nam, mấy chục năm sau ngày ký kết Hiệp định Paris (năm 1973), hai người phụ nữ năm xưa gặp lại nhau khi cả hai đều đã ở tuổi ngoài “thất thập cổ lai hy” trong căn nhà của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tại Hà Nội. Thân mật và vồn vã, nguyên Chủ tịch nước nắm chặt tay bà Thu Lê hồ hởi: “Biết chị làm món gì cho em không? Món bánh xèo mà em yêu thích đấy!”. Rồi họ cùng thưởng thức món bánh xèo do chính tay bà Bình chế biến đãi khách, nói chuyện nay, nhắc chuyện xưa.
Với bà Thu Lê, hình ảnh người phụ nữ cách mạng giản dị, thanh liêm mãi vẹn nguyên trong trái tim mình.
T.LINH