03:05, 31/05/2011

Hiệu trưởng trường mầm non cũng có “chuẩn”

Theo Thông tư số 17/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 2-6-2011, hiệu trưởng trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ thuộc hệ thống...

Theo Thông tư số 17/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ ngày 2-6-2011, hiệu trưởng (HT) trường mầm non (MN), trường mẫu giáo, nhà trẻ thuộc hệ thống GD quốc dân phải đạt chuẩn với 19 tiêu chí (TC) phấn đấu. Trong đó, HT phải đạt trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật GD đối với GD MN; không lợi dụng chức quyền vì mục đích vụ lợi…

Theo Thông tư số 17, 4 tiêu chuẩn HT trường MN phải đáp ứng gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; năng lực quản lý trường MN; năng lực tổ chức phối hợp với gia đình trẻ, cộng đồng và xã hội. 4 tiêu chuẩn này được cụ thể hóa bằng 19 TC với thang điểm tối đa 190 điểm (mỗi TC có thang điểm 10). Để được đạt chuẩn, tổng số điểm của 4 tiêu chuẩn trên phải đạt từ 95 điểm trở lên.

Trong số 19 TC phấn đấu, HT trường MN phải đạt trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật GD đối với GD MN; không lợi dụng chức quyền vì mục đích vụ lợi, có lối sống lành mạnh, văn minh; phải thương yêu, tôn trọng và đối xử công bằng với trẻ; biết phối hợp giữa gia đình, nhà trường để chăm sóc trẻ tốt nhất... Ngoài ra, còn có các TC khác như: Hiểu biết nghiệp vụ quản lý; xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường; quản lý trẻ em của nhà trường; quản lý hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và GD trẻ; tổ chức phối hợp với gia đình trẻ; tổ chức kiểm tra, kiểm định chất lượng GD; thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường... Theo Bộ GD-ĐT, chuẩn HT trường MN là căn cứ để HT tự đánh giá và tự xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, học tập, rèn luyện nhằm không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp; năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm; năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường MN và năng lực tổ chức, phối hợp với gia đình của trẻ và xã hội. Bên cạnh đó, chuẩn là căn cứ để cơ quan quản lý GD đánh giá, xếp loại HT; phục vụ công tác sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và đề xuất, thực hiện chế độ, chính sách đối với HT; làm căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GD đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của HT.

Việc xếp loại HT được căn cứ vào tổng số điểm và mức độ đạt được của các TC. Cụ thể: Loại xuất sắc có tổng số điểm từ 171 đến 190 và các TC phải đạt từ 8 điểm trở lên; loại khá có tổng số điểm từ 133 trở lên và các TC phải đạt từ 6 điểm trở lên; loại trung bình có tổng số điểm từ 95 trở lên, các TC của tiêu chuẩn 1 và 3 phải đạt từ 5 điểm trở lên, không có TC 0 điểm; loại kém là khi tổng số điểm dưới 95 hoặc có TC 0 điểm hoặc có TC trong các tiêu chuẩn 1 và 3 dưới 5 điểm. Thành phần đánh giá, xếp loại HT gồm: HT, các phó HT, đại diện tổ chức cơ sở Đảng, Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên; cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ hữu của nhà trường; thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý HT.

Ngay sau khi Thông tư 17 được ban hành, nhiều HT trường MN nhận xét: “Nếu đánh giá theo chuẩn này thì hầu hết HT sẽ đạt từ loại khá trở lên”. Bởi các tiêu chuẩn này mang tính định tính là chủ yếu và không mang tính định lượng, rất khó đánh giá. Nhiều người sẽ không đồng tình về việc đánh giá HT vì tâm lý ngại “chấm điểm ngược” của cấp dưới quyền đối với cấp cao hơn. Ngoài ra, việc đánh giá có thành công hay không còn phụ thuộc mức độ dân chủ trong nhà trường. Nếu ở nơi mất đoàn kết, sẽ có tình trạng tìm cách để “hạ bệ” nhau. Do đó, đánh giá đòi hỏi phải có minh chứng rõ ràng.

Thiết nghĩ, trong tình hình GD hiện nay, việc đánh giá HT nên để các nhóm ngoài nhà trường đánh giá, đó là cấp trên và phụ huynh học sinh.

LÊ NGUYÊN