04:05, 25/05/2011

Hiệu quả từ chiếc máy “3 trong 1”

Trăn trở qua nhiều vụ thu hoạch mía phải tìm kiếm công lao động rất vất vả, chi phí tăng cao đã thôi thúc ông Châu Long (người dân tộc Khơ Me, đang sống tại Buôn Đung, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) nghĩ đến việc sáng chế ra chiếc máy xịt thuốc, bón phân.

Trăn trở qua nhiều vụ thu hoạch mía phải tìm kiếm công lao động rất vất vả, chi phí tăng cao đã thôi thúc ông Châu Long (người dân tộc Khơ Me, đang sống tại Buôn Đung, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) nghĩ đến việc sáng chế ra chiếc máy xịt thuốc, bón phân. Và ông đã thành công sau khi nghiên cứu, rút kinh nghiệm của nhiều người đi trước với chiếc máy xịt thuốc, rải phân “3 trong 1”: vừa xịt thuốc, rải phân và tưới nước.

Theo chân ông Y Ty, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tây, chúng tôi tìm đến nhà ông Châu Long khi ông đang loay hoay lắp ráp chiếc máy mới sáng chế của mình để chuẩn bị ra đồng. Ông bộc bạch: “Mỗi vụ mía đến là tôi cũng như bà con trồng mía ở đây lại vất vả chạy ngược, chạy xuôi kiếm công lao động làm cỏ, xịt thuốc. Khan hiếm công lao động đã đành, chi phí lại bị đội lên. Không những thế, loại thuốc xịt cỏ tiền nảy mầm rất độc hại, người xịt thuốc dễ bị nhiễm khi mang vác bình đi xịt. Những điều ấy khiến tôi phải trăn trở…”.

Trong khu vực, thời gian này cũng xuất hiện nhiều chiếc máy có khả năng phun xịt thuốc nhưng chưa thật sự hoàn hảo. Ông Long nhận thấy cần phải cải tiến nhiều hơn. Sáng chế của người nông dân này bắt đầu từ chiếc máy cày Kubota vừa mới “tậu” sau mùa mía. Ông nhận thấy, bộ phận trục quay khi máy cày không hoạt động (không kéo dàn lưỡi) coi như “ở không”. Vậy tại sao không đặt thêm thiết bị phun vào đây để máy cày khi vận hành có thể kéo được thiết bị phun nước? Nghĩ là làm, ông mua máy phun loại hay sử dụng để rửa xe máy đặt vào vị trí này và kết nối bằng hệ thống puli và cu-roa để kéo máy hoạt động. Công việc tiếp theo là thiết kế hệ thống béc phun phù hợp để khi máy vận hành lượng nước phun quét kín luồng chạy. Ông loay hoay “độ chế”, tìm kiếm loại béc phun 3 lỗ, hàn nối dài bằng van chữ T để tạo ra một béc phun hoàn hảo dài bằng luồng chạy (4 cần, 6 béc). Xong vấn đề béc phun, ông Long lại tìm mua téc nước về kết nối với hệ thống phun. Công việc những tưởng đã hoàn chỉnh nhưng khi đưa máy ra suối lấy nước phun thuốc thì giá đỡ bằng gỗ, chỗ dựa cho giàn béc phun bị gãy khi va quệt với địa hình, thế là ông phải đưa máy về sửa chữa ngay, thay mới bằng loại ống sắt chắc chắn hơn.

 Máy xịt thuốc, bón phân, tưới nước đem lại hiệu quả cao cho người trồng mía.
Từ ngày có chiếc máy, công việc của ông Long và bà con trồng mía ở Ninh Tây đỡ vất vả hơn. Người ta thấy ông Long còn tất bật hơn trước bởi ông không chỉ lo cho việc nhà mà còn đi “làm thuê” cho bà con khác. Ông Long khoe: “Bình quân thời gian phun mất 1ha/1 giờ. Vừa qua, với 8ha mía phun thuốc diệt cỏ, kiểm tra lại cỏ chết sạch, người phun không bị ảnh hưởng bởi luồng phun hướng xuống đất, không với tới người”. So với cách phun thủ công, cách phun máy cao gấp hàng chục lần. Tuy mới ra đời nhưng chiếc máy đã phun thuốc cỏ cho hơn 50ha mía, đồng thời tưới cho chừng ấy diện tích.

Theo ông Long, đầu tư hệ thống tưới phun như vậy mất khoảng 5 triệu đồng, bao gồm: bộ phun (spray) Nhật 5 triệu đồng, cần gắn béc, dây nối… Nếu đầu tư đầy đủ, phải có máy cày Kubota 160 triệu đồng cộng tiền téc nước 500 lít vài triệu đồng. Chiếc máy phun của ông Long ra đời đã kết hợp tính năng “3 trong 1”: vừa phun, vừa tưới, vừa bón phân. Muốn phun thuốc diệt cỏ thì pha chế thuốc theo quy định rồi đưa vào téc. Bón phân cũng vậy, pha chế lượng phân theo chỉ dẫn. Với mía đang ở thời kỳ nảy mầm, nhất là gặp nắng nóng như hiện nay thì kết hợp luôn cả việc tưới. Ông Long cho biết, việc bón phân bằng máy thường sử dụng các loại phân bón lá. Phun thuốc diệt cỏ bằng loại thuốc tiền nảy mầm, thuốc khai hoang - đây là những hóa chất độc hại, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người phun. Việc phun bằng máy đã hạn chế thấp nhất thuốc tác động lên người. Nhược điểm của máy là, đối với diện tích mía cao hơn 40cm, máy chạy giẫm đạp sẽ làm gãy đổ nên chỉ có thể phun các diện tích mía còn nhỏ. Đây cũng là thời kỳ cây mía đòi hỏi việc phun thuốc, rải phân và tưới nước tập trung.

Khánh Hòa có khoảng 18 ngàn héc-ta mía, các công đoạn phun thuốc, rải phân, tưới nước cần nhiều công lao động. Việc sáng chế ra chiếc máy phun xịt thuốc của ông Long mang lại hiệu quả và có ý nghĩa đối với nông dân.

Q.V