08:05, 18/05/2011

Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó

Khánh Hòa hiện có hơn 6.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã góp phần cơ bản trong việc tạo việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp, ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương.

Khánh Hòa hiện có hơn 6.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Các DNNVV đã góp phần cơ bản trong việc tạo việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp, ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay các DNNVV đang đối diện với nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn.

Năm 2011 được đánh giá là năm khó khăn của các DN, nhất là các DNNVV ở nước ta. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 6.000 DN, trong đó có khoảng 95% DNNVV. Hiện nay, phần lớn các DNNVV đều có những khó khăn cơ bản như: ít vốn, công nghệ lạc hậu, trình độ lao động sản xuất thấp, thiếu thị trường, mối liên kết với các DN lớn chưa cao... Do vậy, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, DNNVV ngày càng yếu thế hơn. Trong những khó khăn của DNNVV, vấn đề “khát vốn” được coi là trầm trọng hơn cả. Theo các chuyên gia, có đến 75% DN muốn tìm vốn bằng hình thức vay ngân hàng (NH) nhưng không phải DN nào cũng tiếp cận được. Hiện chỉ có khoảng 30% DNNVV tiếp cận được nguồn vốn NH, nhưng lãi suất rất cao nên nhiều DN phải hoạt động cầm chừng.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong ngành khai thác đá hiện gặp không ít khó khăn.
Theo ông Trần Văn Hùng - Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Việt Đức, khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay chính là việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Với lãi suất rất cao từ 22 - 27% mỗi năm, không phải DN nào cũng có thể tiếp cận nguồn vốn vay từ NH nếu hiệu quả sản xuất không cao. Một số DN đành “co cụm” lại, hoạt động cầm chừng trong nguồn vốn tự có của đơn vị mình. Còn theo ông Trần Ngọc Cường - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Châu Long, trong điều kiện hiện nay, tuy rất khó để tiếp cận nguồn vốn từ NH nhưng với những DN đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng… vẫn được bảo lãnh vay vốn tại các NH thương mại. Tuy nhiên, với lãi suất NH rất cao như hiện nay, DN phải tạo ra lãi suất trên 30% mỗi năm mới có thể trang trải lãi suất NH, chi phí sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động.

Để hỗ trợ các DN khắc phục khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg gia hạn nộp thuế thu nhập DN; qua đó giúp DN phần nào giảm bớt khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh. Không những thế, theo Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thì các DNNVV còn được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực… Tại Khánh Hòa, Hiệp hội DNNVV tỉnh đã được thành lập để hỗ trợ các DN. Ngoài ra, các đơn vị chức năng như Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm giúp đỡ các DNNVV vượt khó, nhất là việc xúc tiến, giúp đỡ DN tiếp cận với các nguồn vốn. Ông Lại Văn Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: “Từ nguồn kinh phí khuyến công, những năm qua, Trung tâm đã hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho trên 1.050 lao động; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh, nghiệp vụ cho hơn 1.000 cán bộ quản lý của các DN; hỗ trợ kinh phí hơn 2 tỷ đồng cho DN để giới thiệu các mô hình trình diễn sản xuất, tham gia hội chợ, triển lãm… Qua đó, góp phần giúp đỡ DNNVV trên địa bàn tháo gỡ một phần khó khăn”. Theo bà Vũ Thị Nương - Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng Việt Nha Trang, sự hỗ trợ kịp thời, tích cực của các ngành chức năng trong việc tháo gỡ khó khăn của DN là việc làm tích cực, góp phần giúp các DNNVV mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm cho người dân khu vực nông thôn.

Hiện nay, các DNNVV rất cần sự hỗ trợ, nhất là vấn đề vốn nhằm giúp họ đầu tư và phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, cần có sự điều chỉnh hạ thấp lãi suất để các DN có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay, qua đó giúp các DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Cùng với đó, bản thân các DN cần có sự nỗ lực hơn nữa, bằng cách hạn chế những đầu tư không có kết quả cao, làm đến đâu phải chắc đến đó, các mô hình liên kết giữa các đơn vị cần được mở rộng và phát huy nhằm hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn.

BÍCH LA