10:05, 11/05/2011

Để bệnh nhân nghèo “ấm bụng”, cần lắm những tấm lòng

Thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9-2010, bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã giúp nhiều bệnh nhân nghèo, bệnh nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số...

Thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9-2010, bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã giúp nhiều bệnh nhân (BN) nghèo, BN là người đồng bào dân tộc thiểu số, những người già neo đơn điều trị tại bệnh viện (BV) thêm “ấm bụng”. Tuy nhiên hiện nay, bếp ăn duy trì khó khăn vì nhận được nguồn hỗ trợ ít ỏi từ xã hội.

. Suất ăn cho người nghèo

Tuy được miễn viện phí, thuốc men nhưng nhiều BN nghèo không có tiền ăn trong thời gian điều trị. Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ 10.000 đồng/người/ngày cho BN nghèo ăn tại bếp ăn các BV, TTYT và Hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lâm đã thành lập bếp ăn tình thương tại BV nhằm san sẻ một phần khó khăn đối với BN nghèo địa phương.

Trong điều kiện cơ sở vật chất tạm bợ, chật hẹp, TTYT huyện đã tận dụng khu hành lang của BV che chắn lại để xây dựng bếp ăn tình thương giúp đỡ BN nghèo. Hàng ngày, bếp ăn nấu 20 - 30 suất ăn. Với 20.000 đồng/người/ngày, mỗi BN nghèo được nhận 1 gói mỳ ăn sáng, suất ăn trưa và ăn chiều. Trước đây, mỗi suất cơm phát cho BN nghèo gồm có: cơm, món mặn, món xào và canh. Hiện nay, tuy vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và no bụng nhưng vì nguồn tài trợ của mạnh thường quân ngày càng ít cùng với giá cả tăng cao nên suất ăn cũng vì thế “teo tóp” đi, hiện nay chỉ còn cơm, canh và món mặn.

Những suất ăn thêm ấm bụng, ấm lòng BN nghèo.
Có tiếp xúc với những người bệnh được nhận suất ăn từ bếp ăn tình thương mới thấu hiểu được niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của bà con nghèo. Ông Huỳnh Thúc Đệ (75 tuổi, ở thôn Xuân Lập, Cam Tân) chuyển viện từ Trạm Y tế xã Cam Tân với chứng bệnh sốt rét và huyết áp. Nhà vốn neo người, vợ ông lại già yếu và hay bệnh tật nên khi nhập viện điều trị, ông phải tự lo cho mình. Vì vậy, khi được phát phiếu nhận cơm từ thiện tại bếp ăn tình thương của BV, ông rất xúc động. Ông mong những BN nghèo khác cũng sẽ được đón nhận những bữa cơm từ thiện như mình. Ông Lê Ngọc Nô (thôn Lập Định, Cam Hòa) lại bất ngờ vì tưởng cơm từ thiện chắc không ngon, nhưng hóa ra cũng “vừa miệng”. Để có những bữa ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và ngon miệng, đủ chất dinh dưỡng, bà Đinh Thị Diễm Hồng - người trực tiếp nấu ăn cho biết, bà liên tục thay đổi món ăn hàng ngày, hôm trước nấu thịt kho, canh cải thì hôm sau sẽ là cá chiên, canh chua hoặc canh ngọt…

. Thiếu kinh phí duy trì hoạt động

Khi mới thành lập, bếp ăn tình thương gặp một số khó khăn (ví dụ như chế độ dinh dưỡng phải theo bệnh lý), nhưng dần dần, BV cũng khắc phục được. Điều kiện khó khăn, nhưng từ khi thành lập đến nay, bếp ăn đã cấp hàng ngàn ngày ăn cho BN nghèo tại địa phương.


Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quyên góp tiền và hiện vật như: gạo, mỳ tôm, dầu ăn, bột ngọt và nước mắm cho bếp ăn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn kinh phí duy trì bếp ăn lâu dài. Nguồn tài trợ chính hàng tháng cho bếp ăn tình thương tại BV Cam Lâm là Hội Bảo trợ BN nghèo tỉnh, Công ty TNHH Tâm Hương và Nhà hàng Sinh Đôi tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo bác sĩ Nguyễn Công Xanh - Giám đốc TTYT Cam Lâm, để tiếp tục duy trì và có thể mở rộng hơn quy mô bếp ăn, ngoài tiếp tục vận động quyên góp tại BV, TTYT Cam Lâm cũng vận động cán bộ công nhân viên chức của đơn vị tình nguyện đóng góp quỹ để hỗ trợ kinh phí cho bếp ăn. Ngoài ra, TTYT huyện cũng có ý tưởng liên hệ với các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện Cam Lâm để đặt thùng tiền quyên góp, ủng hộ cho bếp ăn.

Để ngày càng có nhiều BN nghèo được nhận những suất cơm ấm lòng, an tâm điều trị bệnh mà sớm trở về cuộc sống hàng ngày, việc duy trì bếp ăn tình thương tại BV Cam Lâm cần thêm những tấm lòng của các nhà hảo tâm.

HOA LINH