06:05, 24/05/2011

Cần chú trọng hơn

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 500 cơ sở sản xuất tại các làng có nghề.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 500 cơ sở sản xuất (CSSX) tại các làng có nghề. Tuy nhiên, các làng có nghề trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các CSSX nhỏ, có quy mô hộ gia đình, mang tính chất tự phát, chưa có định hướng và đầu tư đồng bộ đã ảnh hưởng đến sự phát triển của làng nghề và tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Dọc theo Quốc lộ 26, đoạn qua xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa), hàng chục lò gạch thủ công đang hoạt động hàng chục năm nay, góp phần tạo việc làm cho lao động nghèo tại địa phương. Tuy nhiên, mỗi khi lò gạch hoạt động cũng là lúc khói, bụi mịt mù thải ra môi trường, gây ô nhiễm nặng nề. Một số người dân xã Ninh Xuân cho biết, tuy nhiều nhà máy sản xuất gạch ngói đã được xây dựng ở Ninh Xuân, ứng dụng công nghệ hiện đại và quy mô lớn nhưng vẫn còn nhiều gia đình vài ba tháng lại nổi lửa đốt một mẻ gạch mới. Một thực tế là, do khai thác thường xuyên nên mỏ đất phục vụ nguyên liệu cho các lò gạch đang dần cạn kiệt. Chưa kể, các lò gạch nằm sát nhà dân nên vừa ảnh hưởng môi trường, vừa tác động xấu đến sức khỏe. Theo một số người dân nơi đây, tuy biết lò gạch xây cạnh nhà sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng vì mưu sinh họ cũng đành chấp nhận.

Mỗi khi hoạt động, các lò gạch thủ công ở thị xã Ninh Hòa lại nhả khói.
Không chỉ các làng sản xuất gạch ngói ở thị xã Ninh Hòa, ở các CSSX tại các làng có nghề khác trên địa bàn tỉnh, việc bảo vệ môi trường (BVMT) vẫn chưa được chú trọng. Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có làng nghề hoặc làng nghề truyền thống nào được công nhận theo quy định tại Thông tư 116/2006/TT-BNN. Trên địa bàn hiện có gần 500 CSSX tại các làng có nghề, trong đó có 96 cơ sở làm tinh bột sắn (tập trung tại huyện Cam Lâm), 89 CSSX gạch ngói (tập trung tại thị xã Ninh Hòa), 50 cơ sở làm bún (tập trung tại huyện Diên Khánh) và 131 cơ sở làm nước mắm, 30 cơ sở làm chiếu cói, 100 cơ sở làm hàng thủ công mỹ nghệ từ hải sản (tập trung tại TP. Nha Trang). Tuy nhiên, chỉ có 37 cơ sở có hồ sơ về môi trường. Con số này đã phần nào phản ánh việc thực hiện các quy định về BVMT tại các làng có nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Để tháo gỡ thực trạng môi trường làng nghề, hiện UBND tỉnh đang tập trung đầu tư di dời các CSSX gạch ngói xen dân cư tại 2 xã Ninh Xuân và Ninh Phụng vào Khu Công nghiệp vừa và nhỏ Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa). Ngoài ra, UBND huyện Cam Lâm đã phối hợp với Viện Công nghệ và Khoa học Quản lý môi trường - tài nguyên TP. Hồ Chí Minh thực hiện đề án BVMT khu vực sản xuất mỳ tươi…

Phát biểu tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại khu kinh tế, làng nghề trên địa bàn vừa qua, ông Trương Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Chi cục trưởng Chi cục BVBT miền Trung - Tây Nguyên (Tổng cục Môi trường) cho rằng trong việc di dời các làng nghề, một mặt vẫn di dời nhưng mặt khác nên chuyển đổi ngành nghề, loại bỏ những nghề thô sơ, lạc hậu, kém hiệu quả. Trong khi đó, ông Lê Kế Sơn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đối với làng nghề trên địa bàn tỉnh, hiện chưa có làng nghề nào được công nhận danh hiệu làng nghề, điều này sẽ hạn chế kỹ năng và chất lượng sản phẩm của làng nghề; công tác BVMT sẽ không mang tính cộng đồng, UBND tỉnh nên đầu tư trọng điểm và hỗ trợ công nghệ, công nhận danh hiệu, bảo vệ phát triển làng nghề một cách bền vững.

Theo ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian qua, ý thức BVMT của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Nhờ đó, công tác BVMT đang được thực hiện ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn cần có sự đánh giá lại công tác BVMT để có lộ trình thực hiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; các văn bản pháp luật về BVMT đối với làng nghề hiện vẫn còn nhiều bất cập; thực tế vi phạm về công tác BVMT đa số là các cơ sở nhỏ lẻ, xen lẫn trong khu dân cư, gặp khó khăn trong việc quản lý…

Các CSSX tại các làng có nghề trên địa bàn tỉnh góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân ở các khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các làng có nghề trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các CSSX nhỏ, có quy mô hộ gia đình, mang tính chất tự phát, chưa có định hướng và đầu tư đồng bộ đã ảnh hưởng đến hoạt động của làng nghề cũng như tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Để các làng có nghề phát triển một cách bền vững, cần chú trọng công tác BVMT tại các làng có nghề.

BÍCH LA