Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII vào ngày 22-5 là sự kiện chính trị quan trọng của nước ta. Thông qua việc bầu cử đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước thực hiện quyền làm chủ của mình bằng cách lựa chọn những ĐB đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài,....
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII vào ngày 22-5 là sự kiện chính trị quan trọng của nước ta. Thông qua việc bầu cử ĐBQH, cử tri cả nước thực hiện quyền làm chủ của mình bằng cách lựa chọn những ĐB đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài, để đại diện cho nhân dân tham gia QH - cơ quan ĐB cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta. QH có 3 chức năng chính: chức năng lập pháp; chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Chính vì vậy, vai trò của QH đặc biệt quan trọng. QH mạnh sẽ đóng góp được nhiều cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Để có một QH mạnh cần có nhiều yếu tố, trong đó quan trọng hàng đầu là việc lựa chọn được những ĐB xứng đáng vào QH. Vậy ai là người xứng đáng được lựa chọn bầu vào QH khóa XIII? ĐBQH có thể được xem là những chính trị gia quan trọng trong bộ máy công quyền, có ảnh hưởng lớn đến đường lối chính sách của đất nước. Bởi vậy, việc “trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh” đương nhiên phải là yêu cầu đầu tiên, quan trọng nhất. Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp là tình cảm, là ý thức chính trị trong việc tôn trọng bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, trung thành với sự nghiệp cách mạng XHCN mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc đã lựa chọn. Đó là điều kiện tiên quyết để ĐBQH ý thức đầy đủ về sự quan trọng của từng lời nói, từng việc làm của mình, để thể hiện thái độ trách nhiệm chính trị cao với đất nước, với nhân dân, để có ý thức cao đối với việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Chỉ có như vậy người ĐB mới hết lòng hết sức với các công việc mà nhân dân giao, thực sự đóng góp sức mình cho sự nghiệp đổi mới, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
ĐBQH phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật. Tư cách, phẩm chất đạo đức, tác phong làm việc của người ĐBQH là quan trọng vì họ là những người trực tiếp xây dựng và bảo vệ pháp luật. Không những thế, ĐBQH còn phải là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo. Chỉ những người có đạo đức tốt, biết vì tập thể, được tập thể tín nhiệm cao, bản thân và gia đình gương mẫu thực hiện chính sách, pháp luật mới xứng đáng là đại diện cho nhân dân. Những người có hành vi tham nhũng, lãng phí, không tôn trọng người dân, vô cảm trước cuộc sống của người dân không thể xứng đáng là ĐB của nhân dân.
ĐBQH còn phải là người có bản lĩnh để thực hiện một nhiệm vụ rất quan trọng là giám sát các hoạt động của hệ thống Nhà nước, đấu tranh chống lại mọi hành vi tiêu cực. QH không có chỗ cho những người ngại va chạm, những người sống theo lối “dĩ hòa vi quý”, không dám đấu tranh. QH cũng không có chỗ cho những người lời nói không đi với việc làm, hứa hẹn đủ điều nhưng khi có vị trí công tác, có quyền hành trong bộ máy quản lý lại không cố gắng làm việc vì sự nghiệp chung, xa rời nhân dân, thậm chí có những hành vi tiêu cực. Như Bác Hồ đã từng nói, người cán bộ phải “vừa hồng, vừa chuyên”. ĐBQH càng phải là những người “vừa hồng, vừa chuyên”, những người ưu tú của đất nước. Đó phải là những người có phẩm chất trí tuệ, có hiểu biết rộng, có nền tảng tri thức cần thiết để tiếp cận những vấn đề mới mẻ, những vấn đề lớn, có tầm quan trọng đối với đất nước, dân tộc. ĐBQH cũng phải có năng lực am hiểu đường lối và pháp luật, có khả năng nghiên cứu, đóng góp vào các dự án luật. Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa chung của thế giới. Hơn lúc nào hết, người ĐBQH phải có đủ tầm trí tuệ để tham gia quyết định những công việc lớn của dân tộc, quốc gia ở một tầm vóc mới.
ĐBQH phải là những người liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Ý chí của nhân dân là nền tảng quyền lực của Nhà nước và được thể hiện thông qua các cuộc bầu cử để chọn những ĐB của nhân dân. Trong xã hội ta, nhân dân là người chủ đất nước, mọi quyết định của dân chính là quyết định của người chủ đất nước. ĐBQH là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, cử tri gửi trọn niềm tin ở những người “thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong QH”. Vì vậy, ĐB luôn “liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân,” là đòi hỏi tất yếu, đặc biệt quan trọng. ĐBQH phải xác định mình là người “công bộc” của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm, ủy quyền, mọi suy nghĩ hành động phải dưới danh nghĩa các cử tri của mình và vì họ. Họ phải thực sự “lắng nghe đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân” để thể hiện trong ý kiến, trong lá phiếu của mình ở QH. Sự làm chủ của nhân dân sẽ trở thành hình thức, Nhà nước sẽ đi đến chỗ quan liêu nếu những người ĐB cho dân mà không hiểu dân, xa rời nhân dân, không được nhân dân tín nhiệm.
Ngoài phẩm chất đạo đức, thái độ chính trị, trình độ hiểu biết và năng lực chuyên môn, ĐBQH còn phải có điều kiện tham gia các hoạt động của QH”. Có thể hiểu những điều kiện đó như: sức khỏe, thời gian, khả năng thu xếp được công việc để tham gia các hoạt động quan trọng này.
Có thể nói, những tiêu chuẩn cụ thể của ĐBQH là những đòi hỏi rất cao, rất toàn diện và cần thiết, nó bảo đảm để chúng ta có được một đội ngũ những người đại diện thực sự của dân, do dân, vì dân, có đầy đủ phẩm chất và năng lực để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Chọn ai là ĐB cho mình trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm với chế độ, vừa là ý chí, quyền lợi của mỗi công dân. Dựa trên những tiêu chuẩn này, chúng ta sẽ lựa chọn được những người xứng đáng bầu vào QH.
P.V (Tổng hợp)