Ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) cho biết: Sau khi tiến hành kiểm tra tình trạng ô nhiễm đầm Thủy Triều với các ngành chức năng, kết quả ban đầu cho thấy, các loại thủy sản nuôi trồng trong đầm bị chết không phải do bệnh mà do ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) cho biết: Sau khi tiến hành kiểm tra tình trạng ô nhiễm đầm Thủy Triều với các ngành chức năng, kết quả ban đầu cho thấy, các loại thủy sản nuôi trồng trong đầm bị chết không phải do bệnh mà do ô nhiễm môi trường. UBND huyện Cam Lâm đã cho lấy 2 mẫu nước thải của Nhà máy Đường Khánh Hòa đem đi phân tích tại Viện Công nghệ sinh học và môi trường (thuộc Trường Đại học Nha Trang). Kết quả phân tích cho thấy, nước thải của nhà máy này có 3/5 chỉ tiêu môi trường bị vi phạm, bao gồm: Độ ô nhiễm hóa chất hóa học COD, loại A giới hạn là 50mg/lít, nhưng kết quả xét nghiệm 2 mẫu này là 210mg/lít và 125mg/lít, gấp 2 - 4 lần quy định cho phép. Ô nhiễm sinh học BOD, loại A giới hạn là 30mg/lít, nhưng thực tế 2 mẫu xét nghiệm là 144mg/lít và 88mg/lít, gấp 2 - 3 lần quy định cho phép. Coliforms có 1 mẫu không đạt. Một kết quả phân tích khác của Viện Pasteur Nha Trang đối với mẫu nước thải tại cống thoát nước của Nhà máy Đường Khánh Hòa do ông Lê Văn Đồng (thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) gửi đến cho thấy: Mẫu nước không đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 24:2009/TBNMT) với hàm lượng COD 488mg/lít, vượt hơn gấp 9 lần so với quy định cho phép (loại A chỉ 50mlg/lít), BOD là 85mg/lít, vượt gần 3 lần so với quy định cho phép là 30mg/lít.
Sau khi phân tích mẫu nước thải của nhà máy này do người dân gửi đến, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cũng nhận xét: Nước thải đang bị ô nhiễm nặng chất dinh dưỡng hữu cơ, các thông số phân tích đều vượt ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thủy sản và không thuận lợi cho sức khỏe của đối tượng nuôi.
Trước đó, ngày 23-4, người nuôi trồng thủy sản ở xã Cam Thành Bắc đã phát hiện Nhà máy Đường Khánh Hòa lén xả nước thải ra môi trường làm các loại thủy sản nuôi trồng như: cá mú, tôm, rong sụn… chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng cho nhiều hộ (thống kê ban đầu có gần 60 hộ dân bị thiệt hại với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng).
ĐOÀN HƯƠNG GIANG