12:05, 20/05/2011

Góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học ở biển

So với các vùng khác ven bờ biển Việt Nam, vịnh Nha Trang được xếp vào loại đa dạng bậc nhất về thành phần giống loài san hô tạo rạn.

So với các vùng khác ven bờ biển Việt Nam, vịnh Nha Trang được xếp vào loại đa dạng bậc nhất về thành phần giống loài san hô tạo rạn. Ở đây có hơn 350 loài thuộc 64 giống san hô tạo rạn, 24 loài thuộc 5 giống san hô mềm, 3 loài san hô sừng (Gorgonaea) và 2 loài thủy tức san hô (Millepora) đã được ghi nhận. Các rạn san hô (RSH) này đã tạo nên sự đa dạng sinh học trong vịnh Nha Trang.

RSH là quần cư (habitat) phân bố phổ biến xung quanh hầu hết các đảo trong vịnh. Cấu trúc rạn thuộc vào dạng rạn riềm không điển hình và hình thái phụ thuộc vào địa hình đáy biển với độ sâu phân bố tối đa khoảng 15m. Theo tính toán của Viện Hải dương học Nha Trang, diện tích phân bố RSH trong vịnh Nha Trang ước tính khoảng gần 731ha; trong đó, vùng rạn Grand Bank có diện tích lớn nhất với khoảng 535,9ha (chiếm 73,3% tổng diện tích). Độ phủ san hô cứng dao động từ 6,9 đến 58,1%, trong đó có các loài như: Acropora, Porites, Millepora, Montipora, Fungia và Alcyonaria.

 Các rạn san hô là nơi sinh sống và bảo vệ cho rất nhiều loài cá trong vịnh Nha Trang.
Cùng với RSH, hệ sinh thái thảm cỏ biển cũng đóng vai trò quan trọng trong vịnh với sự phân bố ở nhiều vùng ven bờ và ven đảo. Thành phần cỏ biển trong vịnh khá đa dạng với 10 loài đã được ghi nhận. Rong biển trên các RSH với 252 loài, phát triển khá mạnh vào mùa Hè, tạo nên nhiều thảm rong rộng lớn và có ý nghĩa nhất định về mặt sinh thái, là nơi trú ngụ cho rất nhiều loài cá. Theo Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn - Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cá sống trong các RSH có thành phần rất đa dạng với hơn 222 loài thuộc 102 giống và 38 họ. Trong đó, các họ cá Thia và cá Bàng chài, cá Bướm (mỗi họ có 22 loài) là những họ cá có số lượng loài nhiều nhất. Các họ cá có giá trị thực phẩm như: cá Mú, cá Hồng, cá Kẽm, cá Hè, cá Bò da cũng khá đa dạng. Mật độ cá rạn dao động từ 405 đến 910 cá thể, trung bình 653 cá thể/500m2, trong đó chủ yếu là cá có kích thước bé 1 - 10cm.

Động vật thân mềm bao gồm 106 loài thuộc 52 giống và 33 họ cũng đã được tìm thấy. Các họ chiếm số lượng loài nhiều nhất là họ ốc Cối, ốc Gai và ốc Sứ. Một số loài được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam cũng phân bố ở đây. Thành phần nhóm sinh vật đáy khác như: giáp xác, da gai và giun nhiều tơ cũng khá đa dạng. Theo ghi nhận của Viện Hải dương học, có 69 loài thuộc 39 giống giáp xác đã được ghi nhận trên các rạn trong vịnh Nha Trang, trong đó có 6 loài tôm hùm có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, cũng đã phát hiện được 27 loài thuộc 20 giống da gai, chủ yếu là những loài có kích thước lớn và 46 loài thuộc 29 giống và 14 họ giun nhiều tơ.

Có thể thấy, RSH đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm sự đa dạng sinh học cho vịnh Nha Trang. Nhiều năm qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ RSH đã được các ngành chức năng quan tâm. Từ năm 2001 đến nay, hơn 80.000 con sao biển gai, vốn được xem là “kẻ hủy diệt” của RSH đã được bắt và đưa ra khỏi vịnh Nha Trang. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đến người dân sống trên các đảo trong vịnh về khai thác và nuôi trồng bền vững cũng góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ các nguồn lợi trong vịnh. Ngay cả khách du lịch cũng đã có ý thức hơn trước, không còn tình trạng bẻ, vặt san hô khi lặn biển. Vịnh Nha Trang lưu trữ phong phú, đa dạng các giống loài mà trách nhiệm bảo vệ thuộc mỗi người trong chúng ta. Công tác bảo vệ tốt, vịnh Nha Trang sẽ luôn là niềm tự hào về đa dạng sinh học.

HUY TOÀN