04:05, 17/05/2011

Báo động tình trạng ngộ độc cá nóc

Ngày 9-5, bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa báo cho chúng tôi biết có một trường hợp bị ngộ độc cá nóc rất nặng đang được cấp cứu tại Khoa Hồi sức cấp cứu...

Ngày 9-5, bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa báo cho chúng tôi biết có một trường hợp bị ngộ độc cá nóc rất nặng đang được cấp cứu tại Khoa Hồi sức cấp cứu (BVĐK tỉnh Khánh Hòa). Khi tìm hiểu trường hợp này, chúng tôi được biết, tuy biết cá nóc rất độc nhưng do những quan niệm sai lầm, bệnh nhân (BN) vẫn ăn và hậu quả là bị ngộ độc.

Biết độc vẫn ăn

Khi chúng tôi đến, BN N.V.T, 59 tuổi ở Vạn Thắng (Vạn Ninh) đang trong tình trạng nguy kịch: hôn mê sâu, ngưng thở hoàn toàn, phải thở máy, huyết áp tụt. Các bác sĩ cho biết, tình trạng BN rất nặng, đang được dùng thuốc nâng huyết áp. Bên giường bệnh, chị L.T.H, vợ BN cho biết, gia đình chị làm nghề biển và đã nhiều lần ăn cá nóc nhưng không sao. Chị H. kể, hôm đó chồng chị mang về một con cá nóc, mổ bụng, vứt da, lấy gan và thịt cá nấu canh chua. Nấu xong, anh và một người khác cùng ăn nhưng người này chỉ ăn thịt cá còn anh ăn cả gan cá. Khoảng 1 tiếng sau, anh có cảm giác tê miệng, tê tay chân, khó thở, nôn mửa và co giật nên được gia đình đưa vào BV Vạn Ninh cấp cứu. Sau khi sơ cứu, BV Vạn Ninh chuyển anh vào BVĐK tỉnh. Đến BVĐK tỉnh, anh đã ở trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp phải bóp bóng qua nội khí quản, huyết áp tụt, rối loạn nhịp tim. Riêng người cùng ăn cá nóc với anh bị nhẹ hơn. Anh này có biểu hiện mệt, tê tay chân miệng, ói mửa nhưng không đi viện mà ở nhà tự điều trị.

Điều đáng nói là trong câu chuyện với chúng tôi, chị H. vẫn không hiểu tại sao chồng chị lại bị ngộ độc cá nóc. Chị cứ nhắc đi nhắc lại rằng gia đình chị đã ăn nhiều lần rồi đâu có sao, cá nóc tuy độc nhưng nếu biết cách làm (bỏ ruột, da…) thì không phải loại nào cũng độc. Theo chị, chỉ có cá nóc mú mới độc, còn những loài khác nếu chế biến tốt (nấu chín kỹ) thì đều ăn được. Chỉ đến khi chúng tôi hỏi: “Bây giờ chồng chị bị ngộ độc thế này, chị có dám ăn cá nóc nữa không?”, lúc đó chị mới thẫn thờ: “Biết vậy thôi, đâu dám ăn nữa”.

. Cách chẩn đoán, xử trí và phòng ngộ độc cá nóc

Bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ đang khám cho BN N.V.T tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ (Khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK tỉnh), đây không phải lần đầu tiên Khoa Hồi sức cấp cứu tiếp nhận điều trị BN bị ngộ độc cá nóc. Và đa số các trường hợp đến đây đều bị ngộ độc rất nặng, nhiều trường hợp đã tử vong. Bác sĩ Kỷ cho biết, độc tố trong cá nóc có thành phần chủ yếu là tetrodotoxins, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, tỉ lệ gây tử vong khá cao. Độc tố này tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, tinh hoàn và nhiều nhất ở trứng cá, vì vậy con cái độc hơn con đực. Độc tố này là hợp chất có tính bền nhiệt, không bị phân hủy trong quá trình nấu chín. Điều đáng nói, đến nay chưa có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc cá nóc. Biện pháp chữa trị chủ yếu là súc rửa dạ dày hoặc dùng than hoạt tính để thải loại bớt chất độc, hô hấp nhân tạo, truyền dịch nhằm tăng cường sức chống chịu của cơ thể.

Theo bác sĩ Kỷ, nguyên nhân chính gây tử vong do ngộ độc cá nóc là liệt cơ hô hấp và hạ huyết áp. Đối với BN bị ngộ độc nhẹ, triệu chứng thường là tê lưỡi, miệng, môi, mặt, tê ngón và bàn tay, ngón chân và bàn chân, đau đầu, vã mồ hôi, đau bụng, buồn nôn và nôn, tăng tiết nước bọt. Triệu chứng ngộ độc nặng: loạn ngôn, mệt lả, yếu cơ, liệt cơ tiến triển, suy hô hấp tim, ngừng thở, co giật, mạch chậm, huyết áp hạ và hôn mê.

Cách xử trí các trường hợp bị ngộ độc cá nóc: Ngay khi có dấu hiệu đầu tiên (tê môi, tê tay…), nếu người bệnh vẫn còn tỉnh, hòa 30g than hoạt tính với 250ml nước sạch cho người bệnh uống rồi đưa ngay tới BV. Nếu người bệnh có rối loạn ý thức, hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở: thổi ngạt miệng hay miệng mũi qua canun Mayo hai chiều, đảm bảo hô hấp rồi chuyển ngay tới BV.

Để đề phòng ngộ độc cá nóc, biện pháp tốt nhất là không ăn cá nóc. Khi ăn phải cá nghi là cá nóc (có dấu hiệu tê môi, tê bàn tay), cần gây nôn và uống thuốc giải độc ngay, đồng thời phải đến ngay BV. Đối với người đi biển đánh cá, mỗi gia đình nên có một túi cấp cứu gồm: than hoạt nhũ, canun Mayo hai chiều. Chú ý không được phơi khô cá nóc làm cá thường, không làm chả cá nóc để bán.

Hiện nay Việt Nam chưa có thống kê hoàn chỉnh công bố về các loài cá nóc độc tại vùng biển, vì thế việc ăn cá nóc rất nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng con người. Từ thực tế trên, biện pháp quan trọng trong giữ gìn sức khỏe chính là tuyệt đối không ăn cá nóc.

NGỌC KHÁNH