04:05, 19/05/2011

Bác Hồ trong trái tim văn nghệ sĩ Khánh Hòa

Như bao nhà văn, nhà thơ khác trên mọi miền đất nước, các nhà văn, nhà thơ Khánh Hòa từ lâu vẫn luôn lưu giữ những hình ảnh thân thương về Bác Hồ trong trái tim mình. Bằng niềm kính yêu chân thành đối với vị cha già của dân tộc, ...

Như bao nhà văn, nhà thơ khác trên mọi miền đất nước, các nhà văn, nhà thơ Khánh Hòa từ lâu vẫn luôn lưu giữ những hình ảnh thân thương về Bác Hồ trong trái tim mình. Bằng niềm kính yêu chân thành đối với vị cha già của dân tộc, những trang viết đầy xúc cảm về Bác Hồ ngày càng dày lên trong sáng tác của các nhà văn, nhà thơ xứ Trầm Hương.

Khi thực hiện bài viết này, người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là nhà thơ Giang Nam. Trong căn nhà nhỏ trên đường Yersin (TP. Nha Trang), nhà thơ say sưa kể cho chúng tôi nghe những suy nghĩ, tình cảm của mình đối với Bác. “Viết về Bác Hồ là một đề tài quan trọng trong suốt đời thơ của tôi. Từ những năm miền Nam còn chìm trong lửa đạn, tôi đã viết về Bác với tình cảm thân thương, chân thành của một người con miền Nam hướng về người cha già của dân tộc. Hình ảnh Bác Hồ hiện lên trong cảm xúc thơ của tôi đó là một vị lãnh tụ gần gũi với nhân dân, thương dân, lo cho lợi ích của nhân dân. Bác hội tụ sức mạnh lớn của cả dân tộc và quên mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân”.

Bác Hồ luôn ở trong trái tim nhà thơ Giang Nam và các nhà thơ, nhà văn khác trên mảnh đất Khánh Hòa 
Lần tìm lại những sáng tác của nhà thơ Giang Nam về Bác Hồ, chúng tôi biết được nhà thơ đã có 15 bài thơ viết riêng về Bác. Từ cuối những năm 60 của thế kỷ XX, nhà thơ Giang Nam đã có sáng tác về Bác Hồ; đến bây giờ, cảm xúc về Bác vẫn luôn đầy ắp trong tâm hồn nhà thơ. Đọc những bài thơ như: Con viết bài thơ tặng Bác, Đọc thơ Bác, Đất nước còn mang hình bóng Bác… của nhà thơ Giang Nam, chúng ta như thấy được tình cảm của các nhà văn, nhà thơ nói riêng, người dân miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ nói chung đối với Bác Hồ. Tuy chưa một lần được gặp Bác, nhưng qua những gì được kể, được biết về Bác đã để lại những ấn tượng khó phai mờ trong lòng nhà thơ Giang Nam. Chính điều đó đã tạo nên nguồn xúc cảm khôn nguôi về Bác Hồ trong ông. Trong những sáng tác gần đây về Bác Hồ, nhà thơ Giang Nam chú tâm đến sự thể hiện nét giản dị của Bác trong sinh hoạt thường ngày như bài Rừng trưa; cũng có thể đó là cảm xúc “trông cảnh cũ nhớ người xưa” như bài Mùa xuân ấy, Thăm trường xưa Bác dạy, Con về quê Bác, Cam Ranh ngày ấy…

Từ thời trai trẻ, nhà văn Nguyễn Gia Nùng đã may mắn được tiếp xúc với rất nhiều tư liệu quý về Bác Hồ. Thông qua công việc của một biên tập viên ở Nhà xuất bản Lao Động, nhà văn đã được trực tiếp biên tập tập sách viết về Bác Hồ vào năm 1965, sau đó là biên tập tập sách “Người tốt, việc tốt” do chính Bác Hồ chỉ đạo. Từ sự tiếp xúc rất sớm với khối lượng tư liệu lớn về Bác Hồ cùng với sự nghiên cứu về nhân cách, con người Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo thành mạch nguồn cảm xúc của nhà văn khi viết về Bác Hồ. Hơn 40 năm, nhà văn Nguyễn Gia Nùng đã có hơn 200 bài viết về Bác. Trong những tác phẩm đó, nhà văn quan tâm nhiều nhất đến khía cạnh “văn hóa Hồ Chí Minh”.

Bởi theo ông: “Bác Hồ trong bất cứ hoạt động nào đều toát lên nét văn hóa của riêng mình. Đó chính là sự khác biệt giữa Bác với những vị lãnh tụ khác trên thế giới và thế giới tôn vinh Bác không chỉ là một “Anh hùng giải phóng dân tộc” mà còn là một “Danh nhân văn hóa kiệt xuất”. Trong tập sách Đặc sắc văn hóa Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Trẻ, năm 2009), với 46 bài viết, nhà văn Nguyễn Gia Nùng đã khắc họa được phần nào giá trị văn hóa của Bác. Từ mối quan hệ, cách ứng xử của Bác với những người bạn cũ; với Đảng, với Quốc hội, với Nhà nước, với nhân dân, với cán bộ, chiến sĩ, với những thói hư tật xấu, với công tác bảo vệ môi trường… đều thể hiện tính chất, tinh thần văn hóa sâu sắc của Người. Tìm hiểu và viết về Bác từ góc độ văn hóa chính là sự đóng góp của nhà văn Nguyễn Gia Nùng để làm sáng lên những phẩm chất cao quý của Bác Hồ.

Viết về Bác Hồ là một nhu cầu tự thân không chỉ đối với nhà thơ Giang Nam, nhà văn Nguyễn Gia Nùng mà còn là nguồn cảm hứng chung của nhiều nhà thơ khác ở Khánh Hòa. Bằng những trải nghiệm và tình cảm chân thành dành cho Bác, lớp lớp các nhà văn, nhà thơ Khánh Hòa đang từng ngày không ngừng tìm kiếm để cho ra những tác phẩm mới về Bác. Còn nhớ, trong cuộc thi các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đã có nhiều bài thơ thể hiện được tình cảm, cảm xúc đối với Bác trong cuộc sống hôm nay. Từ bài thơ Về A-Xay nghe hát của tác giả trẻ Mai Trâm thể hiện tình cảm của người dân Raglai nhớ ơn Bác Hồ, đến tác phẩm Thưa mẹ con viết bài thơ Hà Nội của nhà thơ Trần Vạn Giã là những kỷ niệm khôn nguôi về Bác dọc theo chiều dài lịch sử đất nước…, chúng ta càng thấy được những giá trị tình cảm mà các nhà văn, nhà thơ hướng về Bác Hồ.

Trong những ngày tháng 5 này, cảm xúc về Bác Hồ lại rạo rực trong trái tim của mỗi nhà văn, nhà thơ Khánh Hòa.

NHÂN TÂM