Kinh tế lạm phát, giá cả tăng vùn vụt, thay vì lo lắng, người dân thành phố đã nghĩ ra nhiều cách để tiết kiệm. Một trong số đó là cách sống theo kiểu của người dân quê…
Kinh tế lạm phát, giá cả tăng vùn vụt, thay vì lo lắng, người dân thành phố đã nghĩ ra nhiều cách để tiết kiệm. Một trong số đó là cách sống theo kiểu của người dân quê…
. Trồng rau giữa phố
Trước đây, trồng rau, làm vườn là công việc của nhà nông. Từ khi giá các mặt hàng thực phẩm tăng, sống chung với “bão giá”, nhiều người dân TP. Nha Trang bỗng trở thành… “nông dân”. Hàng ngày, ngoài thời gian làm việc, họ dành thời gian rỗi, tận dụng các diện tích đất trống xung quanh nhà để trồng rau, coi rau vừa là niềm vui, vừa để bớt gánh nặng chi phí nội trợ hàng ngày.
Bà Nguyễn Thị Loan (đường Lê Hồng Phong, Nha Trang) mỗi sáng, tối đều cần mẫn bắt sâu, tưới nước, nhổ cỏ, xới gốc cho khu vườn rau nhỏ trước nhà. Gọi là vườn nhưng chỉ có khoảng hơn chục thùng xốp nhỏ, trồng nhiều loại rau như: rau muống, mồng tơi, rau cải, rau dền... mỗi thứ vài chậu. Ngoài ra còn có thêm các loại rau gia vị như húng quế, hành, ngò, ớt xanh. Bồn trồng cây bông giấy ngày nào giờ đã được bà thay thế để trồng giàn mướp hương. Bà Loan cho biết, đầu tư mỗi chậu xốp như vậy khoảng 20 nghìn đồng. Đất thịt, hoặc pha cát, phân bò bà xin và chở về từ xã Vĩnh Thái. Nước sẵn có, chỉ phải mua thêm phân, hạt giống. Từ ngày có vườn rau, sáng chiều chăm sóc, cả nhà bà không phải bỏ tiền ra mua rau giá cao ở chợ nữa.
Cũng giống như gia đình bà Loan, nhiều gia đình ở Nha Trang đã tận dụng sân thượng, giếng trời, hiên nhà, góc sân và tất cả những nơi có chỗ trống để kê chậu trồng rau. Một số gia đình còn tận dụng cả phần lề của các con hẻm để trồng rau. Chị Trần Thị Thanh, ở hẻm đường Mai Xuân Thưởng, chia sẻ: “Thật ra trồng rau ở thành phố, ngoài phục vụ bữa ăn cho cả nhà, còn là thú vui, được chăm sóc rau xanh là một liệu pháp để thư giãn tinh thần. Với gần 10 chậu rau, nhà tôi có thể đáp ứng rau ăn cho 3 người, tiết kiệm được khoảng 15 nghìn tiền rau mỗi ngày nếu mua ở chợ. Thời buổi khó khăn, đây là khoản tiền dành cho việc khác, nhưng quan trọng hơn, hàng ngày thấy báo, ti vi thường xuyên đăng các thông tin về rau nhiễm bẩn, dư lượng thuốc trừ sâu, phân tăng trưởng nhiều, ăn vào cũng thấy lo. Tôi tự trồng chọn loại rau ngon, đảm bảo sạch, rau lại rất tươi, không dập”.
Hái rau tự trồng để tiết kiệm tiền rau mua ở chợ. |
. Ăn “cơm nhà” ở cơ quan, đi chợ lúc 4 giờ sáng
“Hành trình” tiết kiệm của chị Nguyễn Kim Thi, một giáo viên ở hẻm đường 2-4, Nha Trang bắt đầu từ 4 giờ sáng. Thay vì ăn sáng ở quán - vợ chồng chị và 2 đứa con phải mất cả trăm nghìn đồng/1 bữa sáng - thì bây giờ chị phải lục đục dậy từ 4 giờ sáng để nấu cơm, đi chợ rau đầu mối ở chợ Đầm. Khoảng 4 - 6 giờ sáng ở chợ Đầm, các tư thương bán sỉ các loại rau củ với giá rẻ hơn so với các sạp rau bán trong chợ. Nếu chị đi muộn hơn, khoảng 6, 7 giờ sáng có thể mua rau của người ở quê xuống bán theo mớ với giá rất rẻ. Tuy nhiên, đi chợ đầu mối, các loại rau củ phải mua từ 1kg trở lên người ta mới bán, nên chị chọn các loại quả còn hơi xanh, về bỏ tủ lạnh ăn dần cả tuần. Sau đó, chị mua thêm một ít thịt, cá về nấu bữa ăn sáng cho cả nhà, chỉ cần từ 20 - 30 nghìn đồng, cả nhà chị có một bữa sáng bằng cơm tấm, hoặc cháo nóng thật ngon. Chị cho biết, tránh đi chợ vào những giờ cao điểm cũng là một cách tiết kiệm. Chợ Đầm vào những lúc gần tối, có hôm cá vào muộn, còn rất tươi, giá bán rẻ hơn bình thường, nhưng không phải chiều tối nào cũng có, phải chịu khó ghé chợ mới gặp được. “Với đồng lương viên chức ít ỏi của 2 vợ chồng mình khoảng 5 triệu đồng/tháng, phải chi cho tiền thuê nhà, tiền điện, nước, tiền học cho con, tiền ăn, điện thoại và mua đồ dùng lặt vặt trong gia đình, nghĩ đến là tôi chóng mặt, không đủ chi. Mình phải nghĩ cách tiết kiệm mọi thứ có thể để không phải thiếu trước hụt sau” - chị Thi chia sẻ thêm.
Trong khi đó, chị Hồ Thị Hà, nhân viên một công ty ở đường Lý Thánh Tôn, nhà ở tận Diên Khánh, phải tiết kiệm bằng cách ăn “cơm nhà” ở cơ quan. Trước đây, cứ đến giờ cơm trưa, chị gọi ngay một hộp cơm đến công ty ăn mà không phải bận tâm gì. Thế nhưng, bây giờ công ty thắt chặt chi tiêu, giá cả bên ngoài lại tăng chóng mặt, vì thế sáng nào chị cũng dậy sớm nấu cơm, rau nhiều hơn thịt, bỏ vào hộp mang theo để ăn trưa, còn tiền mua cơm quán để dành đổ xăng. Ngay cả uống nước chị cũng tính toán, trước đây uống sinh tố khoảng 10 nghìn đồng/ly ở gần cơ quan, nay chị chạy qua đường Tô Vĩnh Diện mua nước đậu nành 3 nghìn đồng/ly, hay nước mía 5 nghìn đồng/ly để uống. Chị cười vui: “Cứ chỗ nào giá rẻ là y như rằng có mặt tôi…”.
Bây giờ, người dân thành phố có mức thu nhập thấp cũng bắt đầu tiết kiệm như lối sống ở quê. Đó cũng là một cách sống tích cực của người dân nghèo ở thành phố giữa thời lạm phát.
MINH THIẾT