Học sinh nào cắp sách đến trường cũng quen thuộc với tiết chào cờ vào Thứ hai hàng tuần; nhưng ở một chừng mực nào đó, không phải học sinh nào cũng có những ấn tượng đẹp về tiết chào cờ.
Học sinh (HS) nào cắp sách đến trường cũng quen thuộc với tiết chào cờ vào Thứ hai hàng tuần; nhưng ở một chừng mực nào đó, không phải HS nào cũng có những ấn tượng đẹp về tiết chào cờ. Thầy và trò Trường Trung học Phổ thông (THPT) Hà Huy Tập (Nha Trang) đã có những thay đổi sáng tạo, đem lại không khí tươi mới, với phương châm “Chào cờ cũng là tiết học!”.
Chào cờ kết hợp ngoại khóa
Một sáng Thứ hai, chúng tôi có dịp đến Trường THPT Hà Huy Tập và được chứng kiến tiết chào cờ đầu tuần do chính các HS của trường dàn dựng. Sau màn hát Quốc ca và làm lễ chào cờ truyền thống là đến “trường ca”. Các HS cùng nhau cất vang tiếng hát rất đỗi tự hào; tiếp nối là phần chính của tiết chào cờ với những tiết mục theo chủ đề. Hôm chúng tôi đến là chương trình của lớp 11B7 với chủ đề “Môi trường và cuộc sống”. Các thành viên của lớp, bằng lối kể chuyện duyên dáng, dí dỏm, những tiết mục thời trang, sân khấu sáng tạo, lôi cuốn đã dẫn dắt các bạn tìm hiểu về ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng của nó. Thông qua những câu hỏi đáp, những tình huống hoạt cảnh vui nhộn và ý nghĩa, các kiến thức về môi trường đã được truyền tải đến HS một cách sâu sắc và ý nhị.
Với lối dẫn chuyện cuốn hút, vai trò của 2 MC được phát huy tối đa khi giảng giải về các khái niệm như: mưa axit, tác hại của các loại hóa chất độc hại được sử dụng trong khai thác khoáng sản, công nghiệp, nông nghiệp… Cuối cùng, tiết mục thời trang từ các vật liệu tái chế như: chai lọ, đồ nhựa… do các em HS lớp 11B7 “thiết kế” đã khép lại một buổi chào cờ đầy ý nghĩa trong tiếng cười rộn vang của HS và thầy cô toàn trường.
Hiệu quả sâu rộng
Thầy Nguyễn Xuân Thu - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập cho biết, trước kia, tiết chào cờ đầu tuần thường là dịp để nhà trường tổng kết điểm thi đua các lớp tuần trước đó, nhận xét những mặt mạnh yếu, phê bình, khiển trách… làm cho không khí nặng nề, cứng nhắc. Các em HS thường không tập trung chú ý mà nói chuyện hay làm việc riêng, khiến tiết chào cờ không mang nhiều ý nghĩa, lãng phí thời gian. Sau nhiều trăn trở, cuối cùng, chúng tôi quyết định, mỗi tháng, Ban Giám hiệu chỉ tổ chức phê bình, đánh giá trước trường một lần, còn tất cả dành cho việc chào cờ do HS tổ chức”. Từ năm 2004, nhà trường quyết định đổi mới tiết chào cờ, theo hướng trở thành một tiết ngoại khóa để HS làm chủ, với mong muốn các em tự tìm hiểu, tổ chức và thể hiện.
Mỗi năm học, mỗi lớp sẽ phụ trách một buổi chào cờ. Ngay từ đầu năm, các lớp sẽ chọn cho mình một chủ đề để thay phiên nhau thực hiện. Giáo viên chủ nhiệm cùng với Đoàn trường sẽ tư vấn giúp các em chuẩn bị nội dung cho phù hợp, rồi nộp kịch bản về cho Ban Giám hiệu nhà trường duyệt. Các chương trình xoay quanh những kiến thức và kỹ năng xã hội mà sách giáo khoa không đề cập. Trong năm có những ngày lễ, kỷ niệm nên đến phiên lớp nào trùng vào những dịp đó sẽ tổ chức những chương trình liên quan. Chẳng hạn, sắp đến ngày 26-3 sẽ làm chương trình tìm hiểu về Đoàn, 30-4 thì tìm hiểu về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Tiết chào cờ đã được lồng ghép trở thành một tiết ngoại khóa bổ ích. Cuối mỗi học kỳ, nhà trường sẽ tổng kết đánh giá, khen thưởng những chương trình hay nhất để động viên, khích lệ các em.
Trải qua 6 năm học, theo dõi bao nhiêu tiết chào cờ sinh động của HS, thầy cô trong trường đều nhận thấy rằng, đó là giờ sinh hoạt chung toàn trường rất quý giá để HS và thầy cô trong trường thêm gần gũi và hiểu nhau hơn. Em Lê Nguyễn Thúy Vy - HS lớp 11B7 cảm nhận: “Những tiết chào cờ vui vẻ như thế này không những giúp chúng em có thêm hiểu biết về xã hội, mà còn làm tinh thần thêm phấn chấn để có thể bắt đầu một tuần học tập mới nhiều nhiệt huyết, tiếp thu kiến thức tốt hơn. Không khí trong lớp em cũng chan hòa hơn, các bạn rất đoàn kết, hăng hái góp ý xây dựng để chương trình thật hay, thật đẹp”.
“Trước kia, HS chẳng mấy khi quan tâm đến tiết chào cờ, thậm chí đầu tuần đã phải nghe phê bình, thì nay các em lại trở nên thích thú với giờ học này” - thầy Xuân Thu tâm sự. Những tiết chào cờ đầu tuần là một sân chơi bổ ích, học mà chơi - chơi mà học, giúp các em biết cách làm việc theo nhóm, tập cho các em trình bày trước đám đông mà không bị áp lực tâm lý. Thầy Xuân Thu bày tỏ: “Tôi tin từ những tiết chào cờ thiêng liêng mà đầy ắp niềm vui sẽ giúp các em uốn nắn được những hành vi, lối sống, để các em sẽ có đủ tự tin, bản lĩnh đứng vững trên đôi chân của mình khi vào đời”.
HUY TOÀN