Thời gian qua, tình trạng buôn lậu thuốc lá điếu, sản xuất và kinh doanh thuốc lá giả trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến khá phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Thời gian qua, tình trạng buôn lậu thuốc lá (TL) điếu, sản xuất và kinh doanh TL giả trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến khá phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Để lành mạnh hóa thị trường TL, bên cạnh việc tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh chống buôn bán TL lậu, TL giả. Đó là một trong những nội dung của hội nghị triển khai những giải pháp chống buôn lậu TL điếu, sản xuất và kinh doanh TL giả do Ban chỉ đạo 127 Trung ương tổ chức tại TP. Nha Trang vừa qua.
Theo Hiệp hội TL Việt Nam, TL là mặt hàng không được khuyến khích tiêu dùng vì có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Nhà nước cũng đang tìm những giải pháp để giảm cầu TL. Đặc biệt, việc sử dụng TL lậu, TL giả lại càng tiềm ẩn những hậu quả khôn lường. Tại hội nghị bàn về các giải pháp chống buôn lậu TL diễn ra tại TP. Nha Trang vừa qua, ông Nguyễn Thái Sinh - Chủ tịch Hiệp hội TL Việt Nam cho biết: “TL nhập lậu và TL giả thường có kiểu dáng hấp dẫn, không có bất kỳ một sự cảnh báo nào về sức khỏe; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nguyên liệu thường vượt quá ngưỡng cho phép; hóa chất không được phép sử dụng hoặc có thể gây nghiện; không kiểm soát được trong khâu sản xuất TL điếu, chế độ bảo quản, vận chuyển thành phẩm”.
Các ngành chức năng tịch thu và tiêu hủy hàng ngàn bao thuốc lá lậu, thuốc lá giả. |
Theo Ban chỉ đạo 127 Trung ương, công tác chống buôn lậu TL hiện nay gặp phải khó khăn từ nhiều phía. Các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để “qua mắt” ngành chức năng như: chia nhỏ hàng hóa, tập kết rải rác trong nhà dân, sử dụng các thiết bị liên lạc hiện đại để thông báo cho nhau, thậm chí sẵn sàng chống cự bằng mọi giá khi bị lực lượng kiểm tra phát hiện… Trong khi đó, lực lượng chống buôn lậu còn quá mỏng, phương tiện lạc hậu, kinh phí hạn hẹp là nguyên nhân góp phần khiến công tác chống buôn lậu gặp khó khăn. Nghị định 76/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định số 06/2009/NĐ-CP ngày 22-1-2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và TL có hiệu lực hơn nửa năm nay nhưng vẫn chưa đi vào đời sống. So với lợi nhuận giới kinh doanh TL bất hợp pháp thu được, hình thức xử phạt trong Nghị định dường như vẫn chưa đủ sức răn đe. TL nhập lậu (phổ biến là các loại: Jet, Hero…) vẫn “tuồn” qua đường biên giới vào nội địa, len lỏi khắp các ngõ ngách từ thành thị tới nông thôn và được bán tràn lan tại các điểm bán TL… Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, TL nhập lậu chiếm khoảng 21% thị phần nội địa.
Thực hiện các phương án của Ban chỉ đạo 127 Trung ương, hiện nay, Ban chỉ đạo 127 tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp chống buôn lậu, kinh doanh TL lậu, TL giả. Một trong những giải pháp then chốt trong cuộc chiến ngăn chặn TL lậu, TL giả là các lực lượng chống buôn lậu tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để nắm bắt, ứng phó và xử lý nghiêm các vụ vi phạm; trong đó tập trung kiểm tra các địa bàn trọng điểm như: đường mòn, quốc lộ… Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với đơn vị kinh doanh, vận động nhân dân đấu tranh chống buôn bán TL lậu, TL giả thông qua việc phát tờ rơi, ký cam kết, thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
K.D