07:04, 23/04/2011

Tấm lòng tình nguyện của một sinh viên Pháp

Tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa, vào mỗi buổi tối, ngoài các hoạt động năng khiếu, sinh hoạt tập thể với các bộ môn như: võ, cầu lông, vẽ, múa, hát…,

Tại Nhà Thiếu nhi (TN) tỉnh Khánh Hòa, vào mỗi buổi tối, ngoài các hoạt động năng khiếu, sinh hoạt tập thể với các bộ môn như: võ, cầu lông, vẽ, múa, hát…, lớp học ngoại ngữ cũng thu hút khá đông TN tham gia. Thời gian gần đây, lớp học ngoại ngữ càng đông và vui hơn khi có sự xuất hiện của một “ông Tây” đến tham gia sinh hoạt, giao lưu cùng các bạn nhỏ. Đó là William Maquelle - sinh viên người Pháp đang làm công tác tình nguyện tại Việt Nam.

Chúng tôi đến lớp học tiếng Anh của Nhà TN tỉnh vào một buổi tối đầu tuần. Trong lớp học, các em TN đang hào hứng đặt những câu hỏi tiếng Anh cho một giáo viên người nước ngoài. Đó là William Maquelle - sinh viên Khoa Kinh tế, ngành Quản trị kinh doanh Trường Đại học La Rochelle, vùng Normandie (Pháp), hiện đang làm tình nguyện viên dạy tiếng Anh cho học sinh Việt Nam tại Nhà TN tỉnh. Trước đây, Nhà TN tỉnh từng tiếp nhận nhiều sinh viên Việt Nam vào thực tập chuyên môn ở các lớp năng khiếu, nhưng đây là lần đầu tiên Nhà TN tiếp nhận sinh viên tình nguyện là người nước ngoài đến giảng dạy, sinh hoạt, giao lưu với TN trong các buổi học Gặp chúng tôi, William bập bõm chào vài câu tiếng Việt, giọng vẫn còn ngọng ngịu: “Xin chào !”. Trò chuyện với chúng tôi, William cho biết: “Mỗi năm, Trường Đại học La Rochelle có khoảng 300 sinh viên đi làm tình nguyện ở các nước trên thế giới. Trong đó, một số sinh viên làm công tác tình nguyện ở trại trẻ mồ côi; một số khác gặt lúa giúp nông dân ở các miền quê, xây nhà… hoặc làm công tác bảo vệ quyền lợi cho trẻ em và phụ nữ… Cách đây 5 năm, tôi cùng ông, bà đi du lịch tại các thành phố lớn của Việt Nam như: Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang… Bà nội tôi là người Việt Nam, vì thế, khi còn nhỏ, tôi đã nghe bà kể về những phong tục, tập quán, nét văn hóa của người Việt Nam. Tôi rất yêu mến nền văn hóa, con người Việt Nam nên đã chọn đến đây để làm công tác tình nguyện”.

Một tiết dạy học hát tiếng Pháp của anh William tại Nhà Thiếu nhi tỉnh.
Sau khi đến Nha Trang - Khánh Hòa, William đã trình bày nguyện vọng được sinh hoạt, dạy tiếng Anh, tiếng Pháp tại Nhà TN tỉnh và được Sở Ngoại vụ chấp nhận. William tâm sự: “Ấn tượng đầu tiên khi tôi tiếp xúc với trẻ em Việt Nam là sự hồn nhiên, thân thiện và rất dễ thương. Tiết học tiếng Anh đầu tiên, các em còn bỡ ngỡ vì có một “ông Tây” đến dạy học. Đến tiết học thứ 3, các em đã trở lên thân quen, hiểu bài và tỏ ra rất thông minh, nhanh trí”. Trong các buổi học, William luôn khuyến khích học sinh đặt nhiều câu hỏi bằng tiếng Anh, sau đó, thầy trò sẽ cùng thảo luận. Cách tự đặt câu hỏi như vậy giúp các em trở nên tự tin, chủ động và động não suy nghĩ hơn.

Bên cạnh việc dạy đàm thoại, giao tiếp bằng tiếng Anh, William còn tập cho các em những bài hát hay, vui nhộn của TN Pháp như: Dans le jardin mon père (Khu vườn của bố), Alouette (Chim sơn ca), Il était un petit navire (Chiếc thuyền nhỏ), Un kilomètre à pied (1km đi bộ)… Những bài hát được tập xen kẽ vào giờ học của các lớp nhằm làm cho buổi học thêm phần sinh động, vui nhộn. Nhờ vậy, các em có thêm hứng thú học tập, tiếp thu bài giảng tốt hơn. Trần Vũ Khôi Nguyên - học sinh lớp chuyên Anh 3 cho biết: “Em rất thích những giờ học tại Nhà TN, nhất là khi có thầy William đến lớp. Mỗi khi em đặt câu hỏi tiếng Anh, thầy William đều trả lời rất nhiệt tình. Khi thầy dạy hát tiếng Pháp, cả lớp vui nhộn hẳn lên”. Khi được hỏi cảm nhận về TN Việt Nam, William nhận xét: “TN Việt Nam rất có năng khiếu học ngoại ngữ, tiếp thu bài giảng nhanh, phát âm tiếng Pháp tốt và đặc biệt là hát rất hay. Trong các buổi học đàm thoại tiếng Anh, nhiều học sinh tham gia đặt câu hỏi khiến không khí học tập trở lên sôi động hơn”. Được biết, cuối tháng 4, William sẽ trở về nước để hoàn thành luận án thạc sĩ. Khi được chúng tôi hỏi về những cảm xúc trong thời gian làm tình nguyện tại Việt Nam, William cho biết: “Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với tôi là những giờ lên lớp tại Nhà TN tỉnh. Những câu hỏi ngây ngô, nụ cười tươi, cái vẫy tay, câu nói “chào thầy William!” khiến tôi rất cảm động. Năm tới, tôi hy vọng sẽ được tiếp tục trở lại làm công tác tình nguyện tại Nhà TN tỉnh”.

Từ sự kiện tỉnh Khánh Hòa kết nghĩa với tỉnh Morbihan (Pháp), hoạt động hợp tác, đón sinh viên tình nguyện từ nước Pháp đến Việt Nam lần này đã ngày càng khẳng định tình hữu nghị, mối quan hệ gắn bó, thân thiết giữa hai nước Việt - Pháp.

THU TRANG