06:04, 14/04/2011

Nỗi lo đường xuống cấp vì… xe chở mía

Vào vụ thu hoạch mía, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh, tình trạng xe chở mía quá tải trọng đang trở thành những “hung thần” tàn phá các công trình giao thông đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Vào vụ thu hoạch mía, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh, tình trạng xe chở mía quá tải trọng đang trở thành những “hung thần” tàn phá các công trình giao thông đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng. Hàng ngày, có những tuyến đường vừa được đầu tư nâng cấp phải “cõng” trên mình hàng trăm lượt xe chở mía quá tải nên nguy cơ đường xuống cấp là khó tránh khỏi.

Cách đây hơn 2 năm, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân rất bức xúc về tình trạng đường xuống cấp nghiêm trọng tại tuyến Tỉnh lộ 6, đoạn đi qua xã Ninh Thượng và Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), gây khó khăn cho việc đi lại mà “thủ phạm” chính là những chiếc xe tải chở mía. Trước thực trạng đó, đến cuối năm 2009, tuyến đường này được Nhà nước đầu tư làm mới giai đoạn 1 dài 6,7km, với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng (do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Xây dựng Vinashin Nha Trang thi công). Sau hơn 1 năm thi công, tuyến đường đã hoàn thành, các phương tiện lưu thông qua lại thuận lợi, người dân theo đó cũng an tâm làm ăn. Thế nhưng hàng ngày, tuyến đường này vẫn đang phải “cõng” hàng trăm lượt xe chở mía quá tải trọng băng qua, nỗi lo đường xuống cấp nhanh và nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) là không tránh khỏi. Theo ông Trần Vinh - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, tuyến đường này có thiết kế cho phép xe tải trọng khoảng 10 tấn lưu hành; thế nhưng hiện đang phải gồng mình hứng chịu hàng trăm lượt xe chở mía qua lại đều quá tải trọng (xe từ 16 tấn trở lên). Ông Trần Văn Điều - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Vinashin Nha Trang cho biết: “Hiện nay, mỗi ngày, chúng tôi đếm được gần cả trăm xe chở mía qua lại. Hầu hết các xe đều chở quá tải trọng, thậm chí có nhiều xe mía được chất đầy trên đầu cabin. Tuy đến tháng 6-2011 sẽ bàn giao công trình, nhưng có một số đoạn phải sửa đi sửa lại nhiều lần, làm phá hủy kết cấu của công trình. Nguyên nhân chính là do không chịu nổi sức nặng của những chiếc xe chở mía quá tải trọng băng qua, thi công xong lại bị sụt lún hoặc bong tróc. Trước đây, khi chúng tôi đang thi công, đường xấu, các xe chở có giới hạn; nhưng từ khi đường được làm mới, đi lại thuận tiện thì các tài xế không ngại chở quá tải”.

Xe chở mía quá tải trọng - một trong những “thủ phạm” làm xuống cấp các con đường.
Tình trạng này kéo dài, không chỉ đơn vị thi công lo ngại nguy cơ đường xuống cấp mà ngay cả những người dân sống hai bên đường cũng rất bất bình. Ông Nhân - một người dân sống gần đường chia sẻ: “Từ khi con đường được đầu tư nâng cấp mở rộng và trải nhựa phẳng phiu, việc đi lại thuận lợi nên người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, với tình trạng xe chở mía quá tải, quá khổ hoành hành ngày đêm như hiện nay, không mấy chốc, tuyến đường này sẽ bị “băm” nát. Hàng chục tỷ đồng của Nhà nước lại “đổ xuống sông, xuống biển”, người dân tiếp tục “bài ca” đường xuống cấp”.

Chỉ trong vòng 30 phút có mặt tại Tỉnh lộ 6, chúng tôi giật mình về mức độ vi phạm. Hàng chục xe chở mía băng qua đều được chất chồng mía hết cỡ, khi tránh nhau với các phương tiện giao thông khác khá khó khăn. Điều này không chỉ làm hỏng đường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT. Khi được hỏi về việc tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng trên tuyến đường này, ông Trần Văn Điều cho biết: “Thỉnh thoảng, Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông có tuần tra kiểm soát, nhưng xử phạt xong rồi đâu lại vào đấy. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nếu cứ kéo dài tình trạng này sẽ không có con đường nào chịu nổi”.

Tình trạng xe chở quá tải trọng, nhất là xe chở mía gây hư hỏng đường sá đang trở nên khá phổ biến trên các tuyến Tỉnh lộ 5 đi qua xã Ninh Tân - Ninh Hòa và Tỉnh lộ 2 huyện Diên Khánh đi Khánh Vĩnh… Mỗi năm, các ngành chức năng phải dành hàng chục tỷ đồng để bảo trì đường bộ, nhưng gia cố một thời gian rồi đâu lại vào đấy, tiền mất mà đường vẫn xuống cấp. Điều đáng nói, lực lượng chức năng xử lý các trường hợp vi phạm phần nào còn… “nương tay”.

Theo Luật Giao thông đường bộ, các loại xe quá tải trọng chỉ được phép lưu hành khi được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép nhưng phải thực hiện các biện pháp bắt buộc để bảo vệ cầu, đường, đảm bảo an toàn giao thông. Thế nhưng trên thực tế, quy định này dường như không mấy hiệu lực, vì rất ít phương tiện vận tải tuân thủ.

KHÁNH HÀ