10:04, 08/04/2011

Những nghị quyết quan tâm đến vấn đề an sinh, xã hội

Trong ngày làm việc thứ nhất kỳ họp chuyên đề lần thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa IV đã thông qua một số nghị quyết liên quan đến vấn đề an sinh, xã hội.

Trong ngày làm việc thứ nhất kỳ họp chuyên đề lần thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa IV đã thông qua một số nghị quyết (NQ) liên quan đến vấn đề an sinh, xã hội. Điều này đã từng bước đáp ứng được nguyện vọng của đa số người dân trong tỉnh, góp phần thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những đối tượng chính sách, hộ nghèo và những đối tượng còn khó khăn, thiệt thòi.

° Tiếp tục chăm lo cho người có công

Những dưỡng lão viên tại Trung tâm Điều dưỡng và chăm sóc người có công tỉnh Khánh Hòa có thêm sự quan tâm về tài chính của tỉnh (Trong ảnh: Ban Từ thiện xã hội Phật giáo Khánh Hòa thăm, tặng quà cho các dưỡng lão viên tại Trung tâm).
Nhằm góp phần ổn định xã hội, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm lo cho người có công (NCC) với cách mạng; trên cơ sở Tờ trình 1252/TTr-UBND ngày 21-3-2011 của UBND tỉnh và kết quả thẩm tra Tờ trình này của Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH), HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua NQ về chế độ hỗ trợ tiền ăn, tiền quần áo và thuốc y tế cho NCC đang nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng và chăm sóc NCC tỉnh.

Có thể thấy, những năm qua, tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này một cách đầy đủ, đúng quy định. Tuy nhiên, với thực tế tình hình giá cả tăng đột biến liên tục từ năm 2007 đến nay dẫn đến các loại chi phí như: tiền điện, nước và nhiều dịch vụ khác đều tăng. Trong đó, năm 2010, tiền điện tăng 17,8% so với năm 2007; tiền nước máy tăng 95,8%; các mặt hàng xăng dầu, trang thiết bị và dịch vụ khác tăng từ 20 - 50%. Vì vậy, mức hỗ trợ các chế độ sinh hoạt đang áp dụng cho NCC với cách mạng được nuôi dưỡng tại Trung tâm không đảm bảo chất lượng phục vụ và chăm sóc sức khỏe các dưỡng lão viên. Vì vậy, việc điều chỉnh mức hỗ trợ cho NCC với cách mạng đang nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm là vô cùng cần thiết. Từ Tờ trình của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã thống nhất ban hành chế độ hỗ trợ tiền ăn với mức 30.000 đồng/người/ngày, hỗ trợ tiền quần áo 300.000 đồng/người/năm và hỗ trợ tiền thuốc y tế 150.000 đồng/người/năm cho các dưỡng lão viên tại Trung tâm. Trên cơ sở căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng hàng năm, UBND tỉnh sẽ quyết định mức chi phù hợp ở từng thời điểm. Đây sẽ là cơ sở giúp các dưỡng lão viên ổn định về vật chất, nâng cao đời sống tinh thần trong giai đoạn giá cả biến động tăng như hiện nay.

° Chú trọng công tác y tế cho người nghèo

Người cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế theo chính sách ưu đãi (Trong ảnh: Hội Ái mộ Yersin khám bệnh cho người nghèo ở huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa).
Với việc thông qua NQ về chế độ hỗ trợ tiền mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo và NQ về chế độ hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh (KCB) cho trẻ em bị bệnh tim giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng được nguyện vọng của những hộ có hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

Trên thực tế, những người thuộc hộ cận nghèo theo chuẩn của tỉnh giai đoạn 2009 - 2010 đã được tỉnh hỗ trợ mức đóng mua thẻ BHYT theo NQ 01/2009/NQ-HĐND ngày 30-3-2009 của HĐND tỉnh (khu vực miền núi, hải đảo được hỗ trợ 100%; khu vực thành thị và nông thôn đồng bằng được hỗ trợ 75%). Tuy nhiên, hiện nay, NQ 01/2009/NQ-HĐND không còn phù hợp khi Chính phủ ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015. Theo chuẩn mới của quốc gia, toàn tỉnh có 86.000 người cận nghèo thuộc đối tượng hỗ trợ mua thẻ BHYT; trong đó, khu vực miền núi, hải đảo có 23.000 người. Số đối tượng này chưa được hỗ trợ mua thẻ BHYT do tỉnh chưa có quy định cụ thể mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đối tượng này theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011 - 2015.

Sau khi có kết quả thẩm tra của Ban VH-XH HĐND tỉnh về Tờ trình 1289/TTr-UBND ngày 22-3-2011 của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua NQ về chế độ hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, khu vực miền núi, hải đảo được hỗ trợ 100% mức đóng; khu vực thành thị và nông thôn đồng bằng được hỗ trợ 85% mức đóng. Theo ông Phan Văn Dũng - Phó Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh: Đây là chính sách an sinh, xã hội của tỉnh dành cho các đối tượng cận nghèo nhằm giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, khi triển khai thực hiện, UBND tỉnh cần chỉ đạo việc phối hợp giữa cơ quan chuyên môn và các cấp để làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến chính sách của tỉnh đến những đối tượng được hưởng thụ biết để cùng tham gia…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trẻ em mắc bệnh tim. Hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 80 trẻ em bị bệnh tim cần được hỗ trợ kinh phí để phẫu thuật. Trong khi đó, NQ 09/2007/NQ-HĐND ngày 2-2-2007 về chế độ hỗ trợ KCB cho trẻ em bị bệnh tim trên địa bàn tỉnh đã hết thời hạn áp dụng. Để tiếp tục thực hiện chính sách an sinh, xã hội của địa phương đối với trẻ em bị bệnh tim có hoàn cảnh khó khăn được chữa bệnh thì việc hỗ trợ kinh phí KCB cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh giai đoạn 2011 - 2015 là rất cần thiết. Việc HĐND tỉnh thống nhất thông qua NQ về chế độ hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh cho trẻ em bị bệnh tim giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần đảm bảo an sinh, xã hội của tỉnh đối với trẻ em từ đủ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi có hoàn cảnh khó khăn được KCB. Bên cạnh việc đề nghị thông qua NQ, Ban VH-XH cũng kiến nghị với UBND tỉnh xem xét tình hình thực tế, điều kiện từng đối tượng khi sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn không được BHYT thanh toán (ngoài danh mục Bộ Y tế quy định), gia đình khó khăn không thể chi trả thì UBND tỉnh xem xét và có sự hỗ trợ cho phù hợp; quy định chế độ hỗ trợ đối với đối tượng thụ hưởng khám sàng lọc…

° Tạo sự công bằng trong giáo dục mầm non

 Ngày 1-8-2011, sẽ có 102 trường mầm non trên địa bàn tỉnh có được sự bao cấp toàn bộ của Nhà nước.
Hiện nay, theo Luật Giáo dục, ở Khánh Hòa, ngành học Mầm non (MN) chỉ có 3 loại hình: công lập, dân lập và tư thục (không có loại hình trường bán công). Tuy nhiên, các trường MN dân lập thực chất đều là trường bán công, vì cơ sở vật chất thuộc sở hữu Nhà nước, kinh phí trả lương cho cán bộ, giáo viên và chi trả cho các hoạt động của nhà trường điều thuộc ngân sách xã, phường, thị trấn (trong đó có một phần nhỏ từ nguồn thu học phí của học sinh). Trong tình hình hiện nay, việc chuyển đổi loại hình các trường MN dân lập, bán công là cần thiết để đảm bảo sự thống nhất quản lý nhà nước và giáo dục MN trên địa bàn tỉnh theo luật định. Trên cơ sở Tờ trình của UBND tỉnh và báo cáo thẩm tra của Ban VH-XH HĐND tỉnh, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua NQ về chuyển đổi 102 trường MN bán công, dân lập thành trường MN công lập từ ngày 1-8-2011 (chuyển đổi về các mặt: tổ chức và hoạt động; nhân sự; trẻ đang học tại các trường này; tài sản, tài chính).

Theo ý kiến của Ban VH-XH HĐND tỉnh, việc chuyển đổi này nhằm đảm bảo tính công bằng trong việc đầu tư cho giáo dục MN và từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch trong việc tăng cường các điều kiện chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng như thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên MN vốn cùng làm công việc giống nhau nhưng quyền lợi về vật chất và tinh thần đang có khác nhau.

Tính đến thời điểm hiện nay, ở Khánh Hòa, tỷ lệ trẻ em học ở các trường công lập chỉ đạt 27,5%. NQ về chuyển đổi 102 trường MN bán công, dân lập thành trường MN công lập được thông qua và triển khai thực hiện sẽ góp phần đưa tỷ lệ trẻ em học các trường công lập là 74,8%, gần tiếp cận mục tiêu Quyết định 239/QĐ-TTg ngày 9-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ đề ra là đến năm 2015 đảm bảo 79,6% trẻ được học tại trường MN công lập.

Như vậy, với việc thông qua những NQ liên quan đến các vấn đề an sinh, xã hội nói trên sẽ góp phần từng bước tạo sự công bằng cho các đối tượng còn nhiều khó khăn, thiệt thòi trong xã hội.

HOÀNG TRIỀU