Cứ vào chập tối, trẻ em ngồi học bài phải đốt nhang muỗi, người lớn ăn cơm, xem ti vi… phải dùng vợt muỗi nhưng vẫn bị muỗi đốt.
Cứ vào chập tối, trẻ em ngồi học bài phải đốt nhang muỗi, người lớn ăn cơm, xem ti vi… phải dùng vợt muỗi nhưng vẫn bị muỗi đốt. Đó là tình trạng chung của nhiều hộ dân sống quanh khu vực bờ sông Cái (Nha Trang) hơn 2 tháng nay. Muỗi nhiều đã ảnh hưởng đến việc ăn ở, sinh hoạt của người dân nơi đây.
Chúng tôi tìm đến các phường Xương Huân, Vạn Thạnh, Vĩnh Thọ, Vĩnh Phước, khu vực Cồn Giữa… - những nơi có số lượng muỗi nhiều để tìm hiểu tình hình. Thật khó tưởng tượng, khi trời vừa nhá nhem tối, muỗi đã bay khắp nơi. Chỉ cần ngồi yên vài phút là bất cứ ai cũng có thể bị muỗi đốt vào mặt, chân, tay. Qua quan sát, chúng tôi thấy, xung quanh những vùng tối như góc tủ, bếp ăn, nhà vệ sinh, chum, vại, bình hoa… của các hộ dân là nơi trú ngụ chính của muỗi.
Theo người dân ở khu vực này, muỗi xuất hiện nhiều trong hơn 2 tháng qua. Trời vừa tối là muỗi bay thành từng đàn, đen sì từ phía bờ sông ùa vào nhà nên ai cũng phải “cửa đóng, then cài”. Bà Huỳnh Thị Kim (48 tuổi) - một người dân sống gần khu vực bờ sông Cái cho biết: “Do muỗi nhiều nên nhàø nào trong xóm cũng dùng nhiều biện pháp diệt muỗi như: đốt nhang, xịt thuốc, dùng vợt điện… nhưng vẫn bị muỗi cắn. Trước đây, chị em thường rủ nhau ra bờ sông hóng gió, nhưng giờ ai nấy đều tranh thủ ăn cơm sớm, rồi vào mùng nằm”. Cũng trong tâm trạng đó, bà Hồ Thị Trang (57 tuổi, phường Vĩnh Thọ) tỏ ra ngao ngán: “Buổi tối, bọn trẻ ngồi học bài phải để nhang muỗi phía dưới. Từ khi xảy ra dịch muỗi đến nay, gia đình tôi đã dùng 2 bình xịt muỗi, hư 2 cây vợt diệt muỗi… nhưng vẫn không ăn thua”.
Nước bẩn và rác thải tồn đọng là một trong nhưng nguyên nhân khiến muỗi sinh sản nhanh |
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tình trạng muỗi xuất hiện nhiều ở các khu vực nói trên đã hơn 1 năm nay, từ khi tiến hành giải tỏa, thực hiện dự án xây dựng kè và đường dọc theo bờ sông Cái (TP. Nha Trang). Nguyên nhân chủ yếu do dòng chảy của con sông này bị lấp khi thực hiện công trình, cống nước thải không thông thoáng, dẫn đến tình trạng nước bị ứ đọng. Tại các vùng nước trũng, đủ loại rác thải gồm rác sinh hoạt, túi ni lông, vỏ chai… do người dân đổ xuống khiến mặt nước đặc quánh, đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Đó là môi trường thuận lợi để muỗi sinh sản và phát triển. Chỉ cần quan sát bằng mắt thường, chúng tôi đã thấy lăng quăng nổi trên các vũng nước đọng. Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân muỗi xuất hiện nhiều có thể do trứng muỗi đẻ vào cuối mùa mưa trước và tồn đọng trong đất, nay gặp thời tiết thuận lợi nên “nở rộ”.
Được biết, thời gian qua, một số phường đã tổ chức phun thuốc diệt muỗi nhưng sau vài ngày muỗi xuất hiện nhiều trở lại. Anh Chi (phường Vạn Thạnh) cho biết: “Cách đây hơn nửa tháng, Đội Y tế dự phòng có xuống đây xịt thuốc nhưng không giải quyết được gì, bây giờ vẫn đầy lăng quăng và muỗi”. Còn ở một số nơi khác như phường Vĩnh Thọ, trong khi người dân kêu ca muỗi nhiều và mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc thì bà Phạm Thị Tuyết, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Thọ lại cho rằng: Tuy muỗi xuất hiện nhiều hơn so với thời điểm trước Tết Nguyên đán nhưng chưa đến mức thành dịch để có phương án xử lý?!
Thiết nghĩ, phun thuốc trừ muỗi chỉ là giải pháp tạm thời, chỉ diệt được phần ngọn. Muốn dập tắt “dịch muỗi”, các ngành chức năng cần phối hợp với người dân tiến hành tổng vệ sinh trên diện rộng, khơi thông cống rãnh, làm sạch môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy hoặc thả cá ở các khu vực chứa nước, không để muỗi có điều kiện sinh sôi, nảy nở. Còn nhớ, cách đây không lâu, ông Trần Văn Lía - một nông dân ở Ninh Hòa đã sáng chế một máy bắt muỗi rất hiệu quả, giá thành lại không cao. Nên chăng, chính quyền địa phương cần tìm hiểu và hướng dẫn người dân sử dụng máy này để chủ động bắt muỗi, vừa hiệu quả, vừa kinh tế hơn so với việc diệt muỗi bằng cách phun thuốc.
KIM THAO