08:04, 05/04/2011

Nghĩa vụ và quyền lợi của cử tri

Quyền bầu cử là một quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và Pháp luật quy định. Điều 54 Hiến pháp nước Việt Nam quy định: “Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, ...

Quyền bầu cử (BC) là một quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và Pháp luật quy định. Điều 54 Hiến pháp nước Việt Nam quy định: “Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền BC và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND theo quy định của pháp luật.”

BC là một thể chế dân chủ đã có từ lâu. Tại Điều 6 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam: “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và HĐND là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Vì thế, thông qua BC nhân dân trực tiếp bỏ phiếu tín nhiệm bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, bầu ra những đại biểu xứng đáng đại diện cho quyền làm chủ của mình vào Quốc hội và HĐND các cấp. Do đó, BC vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của nhân dân.

Về quyền của cử tri khi BC, pháp luật quy định: trong thời gian lập danh sách cử tri, công dân có quyền BC đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐB HĐND đều được ghi tên vào danh sách cử tri và mỗi cử tri chỉ có quyền ghi tên ở một nơi mình cư trú hoặc nơi tạm trú. Việc lập danh sách cử tri phải được niêm yết công khai tại trụ sở xã, phường, thị trấn và điểm bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi việc niêm yết để nhân dân kiểm tra danh sách cử tri. Trường hợp xảy ra sai sót trong danh sách cử tri thì mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị bằng miệng hoặc văn bản với cơ quan lập danh sách cử tri. Người khiếu nại, tố cáo về sai sót trong việc niêm yết danh sách cử tri có quyền được nhận kết quả giải quyết. Trường hợp không đồng ý về cách giải quyết của cơ quan lập danh sách cử tri thì có quyền khiếu nại lên Tòa án nhân dân. Quyết định giải quyết của Tòa án nhân dân là quyết định cuối cùng.

Công dân còn có quyền khiếu nại, tố cáo về người ứng cử; khiếu nại, kiến nghị những sai sót trong việc lập danh sách người ứng cử với các tổ chức BC. Đối với khiếu nại về ứng cử ĐBQH, khi Ban BC, Ủy ban BC đã giải quyết mà cử tri không thỏa mãn thì có quyền khiếu nại lên Hội đồng BC, cơ quan quyết định giải quyết cuối cùng. Đối với việc khiếu nại, tố cáo kiến nghị của công dân về người ứng cử, việc lập danh sách người ứng cử đại biểu HĐND, nếu cử tri không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban BC thì có quyền khiếu nại lên Ủy ban BC, cơ quan quyết định cuối cùng.

Quyền của cử tri theo quy định của pháp luật về BC cũng quy định rõ trong việc bỏ phiếu BC. Nếu đến ngày BC, cử tri không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của chính quyền địa phương để được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi mới đến. Việc BC ĐBQH và ĐB HĐND tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Mỗi cử tri bỏ một phiếu bầu, nếu không tự viết được thì có quyền nhờ người khác viết hộ; nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu được, có quyền nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Đối với cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu, tổ BC phải mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri thực hiện quyền bỏ phiếu BC của mình. Khi kiểm phiếu, tổ BC phải mời 2 cử tri không phải là người ứng cử chứng kiến.

Đồng thời, tại Điều 23 Luật BC ĐBQH và Điều 25 Luật BC ĐB HĐND pháp luật về BC cũng quy định: “Người đang bị tước quyền BC theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang phải chấp hành hình phạt tù; người đang bị tạm giam và người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. Người thuộc các trường hợp nói trên, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền BC, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự, thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri. Ngược lại, người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền BC, phải chấp hành hình phạt tù, bị bắt tạm giam hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì UNBD xã, phường, thị trấn xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

Cùng với “quyền”, pháp luật cũng quy định rõ “nghĩa vụ” của công dân. Quyền của công dân được bảo đảm bằng pháp luật khi công dân làm tròn nghĩa vụ của mình theo đúng pháp luật. Trong BC ĐBQH và ĐB HĐND, cử tri phải có trách nhiệm tham gia giới thiệu người ra ứng cử. Cử tri nơi người ứng cử công tác và cư trú có trách nhiệm tham gia ý kiến nhận xét. Nghĩa vụ của cử tri được thể hiện rõ qua 3 lần tổ chức hội nghị hiệp thương với 5 bước tiến hành, qua các lần tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú của người ứng cử, qua các cuộc tiếp xúc tuyên truyền, vận động BC của người ứng cử.

Khi bỏ phiếu bầu, trừ những trường hợp đã nêu ở trên, cử tri phải tự mình đi bầu, không được bầu bằng cách gửi thư hoặc nhờ người khác bầu thay. Mọi người phải tuân thủ nội quy của phòng bỏ phiếu và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về BC. Việc cử tri cân nhắc lựa chọn người đủ đức, đủ tài bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước cũng chính là làm tròn trách nhiệm của cử tri.

Cuộc BC ĐBQH khóa XIII và ĐB HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016 lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để nhân dân cả nước phát huy quyền làm chủ. Vì vậy, mỗi cử tri cần phải sáng suốt lựa chọn, giới thiệu và bầu ra những người tiêu biểu, đủ đức đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình trong Quốc hội và HĐND các cấp. Tham gia ứng cử và BC ĐBQH và ĐB HĐND là quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

P.V