Bùng phát từ tháng 10-2010, đến nay, dịch lở mồm long móng trên gia súc vẫn kéo dài dai dẳng, buộc tỉnh phải công bố dịch vào cuối tháng 3-2011.
Bùng phát từ tháng 10-2010, đến nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc (GS) vẫn kéo dài dai dẳng, buộc tỉnh Khánh Hòa phải công bố dịch vào cuối tháng 3-2011. Tình hình dịch hiện vẫn diễn biến phức tạp, có địa phương đã qua 21 ngày nhưng dịch vẫn tái phát. Chính vì vậy, công tác phòng, chống dịch cần phải kiên quyết hơn.
. Dịch kéo dài dai dẳng
Tính đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có hàng trăm con trâu bò và heo mắc bệnh LMLM, trong đó số chết và tiêu hủy hơn 80 con, chủ yếu là bê và heo con. Tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, dai dẳng, chủ yếu xảy ra các ổ dịch nhỏ, quy mô hộ gia đình. Thị xã Ninh Hòa là một trong những địa bàn trọng điểm dịch diễn ra dai dẳng. Đến cuối tháng 3-2011, dịch tạm ổn, không có số ổ dịch phát sinh mới qua 21 ngày, nhưng đến đầu tháng 4 lại phát sinh thêm ổ dịch mới tại xã Ninh Phước, lây lan cho đàn bò của 8 hộ, với 40 con trong tổng đàn 89 con. Theo bà Vương Thị Hồng, Trưởng Trạm Thú y Ninh Hòa, dịch kéo dài có thể có nguyên nhân biến thể vi rút, tính hiệu quả của một số loại văc xin và sự thiếu quan tâm của các hộ chăn nuôi đến việc chủng ngừa cho GS…
Hiện ngành Thú y đang huy động lực lượng, phương tiện dập dịch. Các biện pháp phòng, chống là: Tổ chức ký cam kết phòng, chống dịch đối với các hộ chăn nuôi trâu bò ở thôn có dịch; hướng dẫn chủ chăn nuôi cách ly, điều trị bò bệnh; vận động các hộ không thả rông, vận chuyển GS bệnh ra khỏi địa phương. Ngành Thú y đang đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin LMLM cho trâu bò và đàn heo giống; tăng cường các biện pháp khử trùng, tiêu độc môi trường; triển khai tháng vệ sinh tiêu độc chuồng trại…
Xử lý, điều trị gia súc bị bệnh lở mồm long móng. |
.Cần quyết liệt hơn
Theo các nhà chuyên môn, một con heo mắc bệnh LMLM có thể bài tiết 400 triệu đơn vị lây nhiễm, còn ở loài nhai lại (trâu bò), một cá thể mắc bệnh có thể bài thải 120 ngàn đơn vị lây nhiễm trong 1 ngày. Điều đó cho thấy sức lây lan của GS bệnh LMLM là rất lớn nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Thời gian qua, dịch LMLM phát triển, lây lan còn có nguyên nhân do thời tiết thuận lợi, mưa, lạnh, ẩm làm cho vi rút phát triển, sức đề kháng của GS yếu làm bệnh phát triển mạnh. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, với các ổ dịch xảy ra lẻ tẻ, số lượng GS mắc bệnh ít, dễ nảy sinh tâm lý chủ quan trong người dân cũng như cán bộ thú y và chính quyền cơ sở. Bởi vậy, việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tỏ ra chưa quyết liệt, mặc dù tỉnh đã có những chỉ đạo kịp thời.
Mới đây, tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nhà chuyên môn đã nhận định có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến dịch LMLM lây lan. Về chủ quan, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm, lơ là trong phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác giám sát, phát hiện, khai báo dịch và tiêm phòng. Hệ quả là dịch lây lan rộng, không quản lý chặt ổ dịch để người dân tẩu tán GS bệnh… Về khách quan, có nguyên nhân thời tiết phức tạp, rét kéo dài; nhu cầu giết mổ tăng; tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ; lực lượng mỏng, có cán bộ thú y cơ sở còn giấu dịch để chữa trị kiếm tiền… Bên cạnh đó, các tuýp vi rút cũng có sự biến đổi đáng kể, dẫn đến việc đáp ứng văc xin chưa cao… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo, hiện dịch LMLM có dấu hiệu chững lại và đang đi xuống, song nguy cơ dịch tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới là rất cao nếu không có biện pháp quản lý chặt đàn GS vừa lành bệnh.
Thiết nghĩ, các ngành chức năng, chính quyền địa phương và người chăn nuôi cần phối hợp chặt chẽ hơn trong vấn đề phòng, chống dịch, thống kê cụ thể đàn GS để tổ chức tiêm phòng triệt để, tránh bỏ sót; đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm dịch, vệ sinh thú y, kiểm dịch vận chuyển, giết mổ… Có như vậy, dịch bệnh LMLM mới không tái phát.
Q.V