12:04, 23/04/2011

Chủ động để giảm thiểu thiệt hại

Với đặc thù của một địa phương nhiều diện tích rừng có nguy cơ cháy cao và tập quán đốt nương làm rẫy của người dân khiến cho công tác phòng, chống cháy rừng vào mùa khô trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) luôn là vấn đề cấp bách.

Với đặc thù của một địa phương nhiều diện tích rừng có nguy cơ cháy cao và tập quán đốt nương làm rẫy của người dân khiến cho công tác phòng, chống cháy rừng (PCCR) vào mùa khô trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) luôn là vấn đề cấp bách. Chủ động triển khai các biện pháp PCCR là việc làm cần thiết để giảm thiểu những thiệt hại trên địa bàn.

Hiện tại, huyện Khánh Sơn có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp hơn 22.179ha. Trong đó, diện tích rừng có nguy cơ cháy cao bao gồm: hơn 1.848ha rừng thông (trong đó 295ha đang trong thời kỳ chăm sóc). Ngoài ra, còn có 1.396ha rừng trồng thuộc các dự án 132, 147 trên địa bàn các xã, thị trấn đang trong thời kỳ chăm sóc. Dưới các tán rừng có thảm thực bì khô rất dễ bén lửa, nếu không có các biện pháp PCCR tích cực thì khả năng bùng phát cháy rừng rất cao. Ông Tô Quốc Hùng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, Phó Ban Thường trực Ban chỉ huy (BCH) Các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng (BVR) và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng huyện cho biết: “Trong điều kiện địa hình phân bố phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nguồn nước xa, nếu để xảy ra cháy rừng thì hậu quả sẽ khôn lường. Trước thực tế đó, cứ vào thời gian đầu mùa khô hàng năm, chúng tôi lại tham mưu cho UBND huyện lên phương án PCCC rừng; kiện toàn BCH Các vấn đề cấp bách trong BVR và PCCC rừng cấp huyện. Đồng thời chỉ đạo Kiểm lâm trên địa bàn tham mưu với lãnh đạo các xã, thị trấn kiện toàn BCH cấp xã; phối hợp với địa phương, chủ rừng xác định diện tích rừng, rẫy có nguy cơ cháy cao trên địa bàn”.

Việc đốt lửa để dọn rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Sơn có nguy cơ cao dẫn đến cháy rừng trong mùa khô.
Đến thời điểm này, kế hoạch thực hiện các giải pháp PCCR năm 2011 trên địa bàn huyện đã được triển khai. BCH đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện công tác PCCR đối với Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện (đơn vị chủ rừng của Nhà nước) và 8 xã, thị trấn. Các diện tích rừng, rẫy trọng điểm có nguy cơ cháy cao đều được kiểm tra nhằm hướng dẫn chủ rừng thực hiện việc vệ sinh rừng; chăm sóc rừng trồng; mang vật liệu dễ cháy ra khỏi phạm vi rừng; thi công khẩn trương và hoàn thành các công trình PCCR như: hệ thống đường ranh cản lửa, hệ thống biển báo, biển cấm, chòi canh lửa… BCH cũng đã hướng dẫn UBND các địa phương phối hợp với đơn vị chủ rừng Nhà nước quản lý, chỉ đạo sát sao lực lượng canh coi cửa rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát những người đi lại, sinh hoạt trong rừng, rẫy trọng điểm nhằm nêu cao ý thức BVR; cảnh giới cao việc sử dụng lửa trong mùa khô hanh; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến đông đảo người dân, từ đó tổ chức cho nhân dân ký cam kết bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư. Với những biện pháp đồng bộ, công tác PCCR năm 2011 ở Khánh Sơn đã được thực hiện theo đúng kế hoạch dự kiến. So với những năm trước, cùng kỳ năm nay, việc đốt rẫy của người dân diễn ra sớm hơn nhưng đã được kiểm soát một cách chặt chẽ nên chưa xảy ra trường hợp nào đốt rẫy sai quy định.

Thực tế hiện nay, công tác PCCR ở Khánh Sơn vẫn đang gặp phải những khó khăn, trở ngại cần giải quyết. Đó là phong tục tập quán của người dân thường sử dụng lửa để đốt rẫy vào mùa khô hanh, tiềm ẩn nguy cơ lớn dễ dẫn đến cháy rừng. Công cụ, phương tiện PCCR còn rất thô sơ nên đã hạn chế rất nhiều đến việc chữa cháy. Trong điều kiện địa hình đồi núi hiểm trở, xa nguồn nước, nếu lỡ xảy ra cháy rừng thì việc huy động lực lượng tham gia dập lửa gặp nhiều khó khăn. Lớp thực bì dưới tán rừng ở nhiều diện tích rừng của đơn vị chủ rừng Nhà nước đã vươn lên rất cao nhưng vẫn không được dọn dẹp do kinh phí để thực hiện công việc này chỉ được cấp trong 3 năm đầu, còn sau đó không được cấp tiếp. Vì thế, khi gặp điều kiện khô hanh, nguy cơ cháy rừng ở những diện tích này có thể lên mức báo động cấp 4, cấp 5. Rút kinh nghiệm từ những lần tổ chức PCCR những năm trước, trong công tác PCCR năm nay, huyện Khánh Sơn đã huy động hầu hết các tầng lớp nhân dân vào cuộc. Với những biện pháp PCCR hợp lý, đều khắp, cụ thể và cấp bách đã góp phần nâng cao trách nhiệm, ý thức BVR của người dân, chủ rừng và chính quyền địa phương.

GIANG ĐÌNH