08:03, 24/03/2011

Cước vận tải khách có tăng?

Bến xe phía Nam TP. Nha Trang hiện có hàng chục DN kinh doanh vận tải đang hoạt động tại bến như: Cúc Tùng, Liên Hương, Phương Trang, Quang Hạnh, Mai Linh, Minh Dũng… Ngay sau khi giá xăng dầu tăng, hầu hết các DN đều đã có kế hoạch tăng giá cước vận tải.

Bến xe phía Nam TP. Nha Trang hiện có hàng chục DN kinh doanh vận tải đang hoạt động tại bến như: Cúc Tùng, Liên Hương, Phương Trang, Quang Hạnh, Mai Linh, Minh Dũng… Ngay sau khi giá xăng dầu tăng, hầu hết các DN đều đã có kế hoạch tăng giá cước vận tải. Tuy nhiên, sau gần một tháng xăng tăng giá, theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các DN đều khẳng định vẫn chưa tăng giá vé. Nhiều DN cho rằng, hiện khách hàng đi lại tại bến rất ít, vì vậy tuy đã có kế hoạch tăng giá vé nhưng vẫn bán theo giá cũ. Ông Nguyễn Hữu Vũ - nhân viên điều hành xe Công ty (CT) TNHH Thương mại dịch vụ Quang Hạnh cho biết: “Việc xăng dầu tăng giá đã ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của CT. Tuy nhiên, hiện CT vẫn bán vé theo giá cũ, thời điểm này chưa có ý định tăng giá vé. Chúng tôi dự kiến hơn một tháng nữa mới tính đến chuyện tăng giá vé”. Theo ông Vũ, kể từ ngày 20-3, CT đã có thông báo giá vé các tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang - Đà Nẵng sẽ tăng 20.000 đồng/vé, tuyến Nha Trang - Cần Thơ tăng 40.000 đồng/vé nhưng đến thời điểm này vẫn bán theo giá cũ. Cụ thể, tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh 160.000 đồng/vé; Nha Trang - Đà Nẵng 200.000 đồng/vé; Nha Trang - Cần Thơ 230.000 đồng/vé. Theo tính toán của ông Vũ, hiện chi phí cho mỗi đầu xe cả đi và về hết khoảng 7 triệu đồng gồm: Tiền lệnh xuất bến; nhiên liệu; lệ phí cầu đường, bến bãi, ăn uống, công tài xế… chưa tính khấu hao tài sản, lương cán bộ công nhân viên. Vì vậy, nếu không tăng giá cước mà vẫn duy trì đều đặn khoảng 30 khách/xe/lượt, CT sẽ chỉ hòa vốn hoặc có lãi ít, còn nếu không đảm bảo được lượng khách thì có nâng lên 300.000 đồng/vé tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh vẫn bị thua lỗ. Do đó, trong tình hình khó khăn như hiện nay, chiến lược của CT là nâng cao chất lượng phục vụ nhằm thu hút lượng khách ổn định, nhất là nguồn khách quen từ các khách sạn; đồng thời bố trí đầu xe chạy các tuyến hợp lý.

Theo chị Nguyễn Thị Hào - nhân viên bán vé xe Phương Trang, hiện Tổng CT đã đưa ra giá vé là 180.000 đồng/lượt tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên để thu hút khách hàng, hãng xe Phương Trang tại Nha Trang vẫn giữ nguyên giá cũ (160.000 đồng/vé), chưa có kế hoạch tăng giá. Chị Hào cho biết: “Xăng dầu tăng giá gần cả tháng nay nhưng CT không tăng giá vé, vậy mà nhiều hành khách vẫn đòi giảm giá vé xuống. Vì vậy, CT có bị ảnh hưởng cũng phải chịu chứ không thể tăng giá khi lượng khách ở thời điểm này rất vắng”.

Giá xăng tăng nhưng nhiều đơn vị kinh doanh vận tải tại Bên xe phía Nam TP. Nha Trang vẫn chưa tăng giá cước (ảnh lớn). Xăng tăng giá, hầu hết các hãng taxi đều tăng giá cước (anh nhỏ)
Theo quy định, DN tự ấn định giá cước nên cùng một tuyến cố định nhưng có nhiều giá cước khác nhau ở các đơn vị. Cụ thể như tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh, giá vé ghế ngồi của xe Minh Dũng là 130.000 đồng/lượt, giường nằm 150.000 đồng; trong khi vé giường nằm của xe Phương Trang là 160.000 đồng… Bên cạnh các DN chưa tăng giá vé, hiện nay một số DN đã tăng giá vé ngay từ đầu tháng 3 như: xe giường nằm của Trà Lan Viên tăng từ 160.000 đồng lên 180.000 đồng tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh, tương tự xe Phương Nam cũng tăng 20.000 đồng/vé/lượt.

Song song với giá cước xe liên tỉnh, sau khi xăng dầu tăng giá, hầu hết các hãng taxi đều đã tăng giá cước từ 10 - 15%. Ông Đào Thanh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách vận tải CT Cổ phần Tập đoàn Mai Linh Nam Trung bộ và Tây Nguyên cho biết: “Sau khi giá xăng tăng, ngay từ đầu tháng 3, CT đã tăng giá cước taxi lên 10% đối với các loại xe. Trong kinh doanh vận tải, nhiên liệu chiếm 30% trong tỷ lệ doanh thu của CT, vì vậy giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của CT nếu không tăng giá cước”. Theo anh Tuấn, đối với thói quen đi lại của người dân, xe taxi hiện vẫn là phương tiện cao cấp. Vì vậy, trước tình hình xăng dầu tăng giá sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác cùng tăng giá, người dân sẽ tính toán hơn trong cách chi tiêu. Do đó, việc chọn loại hình phương tiện đi lại cũng được người dân cân nhắc kỹ, phần nào ảnh hưởng đến lượng khách đi xe của CT. Hiện hãng taxi Mai Linh giá mở cửa 10.000 đồng/0,7km; km tiếp theo là 13.200 đồng/km; từ km thứ 31 là 10.000 đồng/km. Còn xe taxi Quốc tế giá mở cửa dưới 800m/10.000 đồng cho xe 4 chỗ và 7 chỗ ngồi; 800m - 30km là 13.000 đồng/km xe 4 chỗ và 14.000 đồng/km xe 7 chỗ; trên 30km là 10.000 đồng xe 4 chỗ và 10.500 đồng xe 7 chỗ. Theo một tài xế taxi Quốc tế, từ ngày 20-3 hãng bắt đầu tăng giá cước thêm 2.000 đồng/km. Tuy nhiên, không hiểu do giá cước tăng hay do mùa này vắng khách mà xe của anh rất ế khách, chỉ thu được hơn 100.000 đồng. Anh này cho biết: “Với doanh thu như hiện nay, dù có tăng giá cước chúng tôi cũng bị lỗ tiền xăng”. Hầu hết các DN taxi đều cho rằng, mức tăng giá từ 10 - 15% là bắt buộc phải điều chỉnh vì các DN không thể chịu được sức ép tăng giá xăng dầu, nếu không sẽ lỗ.

Có thể nói, việc xăng dầu tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân mà tất cả các DN vận tải đều gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy việc tăng giá cước là điều tất yếu. Hiện một số DN chưa tăng giá cước nhưng đều đã có kế hoạch tăng giá trong thời gian tới.

CẨM VÂN