03:03, 17/03/2011

Vẫn còn nhiều vi phạm

Những năm qua, các cấp, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn quan tâm đến việc nâng cao ý thức chấp hành các nội quy an toàn lao động cho người sử dụng lao động và người lao động.

Những năm qua, các cấp, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn quan tâm đến việc nâng cao ý thức chấp hành các nội quy an toàn lao động (ATLĐ) cho người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt công tác ATLĐ, bảo hộ lao động (BHLĐ) vẫn còn những đơn vị còn xem nhẹ công tác này. Do đó, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) hàng năm vẫn xảy ra.

. Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động

Những năm qua, các cấp, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác BHLĐ, nhằm bảo đảm an toàn cho NLĐ khi tham gia lao động, sản xuất. Thế nhưng, tại các doanh nghiệp tư nhân, các cơ sở có vốn đầu tư thấp gặp khó khăn về tài chính, việc đầu tư cho công tác BHLĐ còn rất hạn chế. Môi trường lao động chưa đảm bảo, nguy cơ tiềm ẩn về TNLĐ và bệnh nghề nghiệp còn rất cao. Số vụ TNLĐ đáng tiếc vẫn còn tiếp diễn, để lại nhiều hậu quả thương tâm cho gia đình các nạn nhân. Các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu tập trung vào các ngành nghề như: xây dựng, xây lắp điện, khai thác khoáng sản.

Theo đánh giá của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân xảy ra TNLĐ là do công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động chưa phát huy hết hiệu quả, đặc biệt là số cuộc thanh tra, kiểm tra còn quá ít. Bên cạnh đó, số NLĐ tự do chưa được huấn luyện một cách có hệ thống về công tác an toàn - vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ còn rất lớn. Công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn - vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ còn hạn chế, chưa đầy đủ, nhất là các làng nghề, hộ cá thể và các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, hộ cá thể có vốn đầu tư ít, khó khăn về tài chính nên điều kiện đầu tư cho công tác BHLĐ quá thấp. Môi trường làm việc của NLĐ chưa đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Còn về phía NLĐ, đa số chưa được đào tạo nghề, khi vào làm việc, phía doanh nghiệp chỉ hướng dẫn các thao tác công việc mà “phớt lờ” công tác tổ chức tập huấn, học tập nội quy lao động và trang bị BHLĐ. Vì vậy, sự hiểu biết về ATLĐ, các mối nguy hiểm cần đề phòng trong lao động và môi trường xung quanh chưa cao. Bên cạnh đó, một số lao động tuy đã được đào tạo cơ bản, được huấn luyện về ATLĐ, BHLĐ, nhưng do chủ quan, không nêu cao ý thức chấp hành nội quy nên đã gây ra những TNLĐ đáng tiếc cho bản thân và những người xung quanh.

Trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ lao động và nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động là biện pháp hạn chế những sự cố đáng tiếc.
Ông Đỗ Hữu Thái - Thanh tra viên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn điều tra TNLĐ cho biết: “Qua kết quả kiểm tra các vụ TNLĐ đều cho thấy, việc thực hiện pháp luật lao động và công tác quản lý BHLĐ ở các doanh nghiệp còn nhiều vi phạm. Nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều kiện lao động còn khắc nghiệt và tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm. Phần lớn các doanh nghiệp không thường xuyên kiểm tra các yếu tố về môi trường lao động, tỷ lệ khám sức khỏe cho NLĐ còn thấp, công tác huấn luyện ATLĐ cho NLĐ chưa được thực hiện nghiêm túc”.

. Cần nâng cao nhận thức từ hai phía

Theo ông Đào Quốc Trưởng - Chuyên viên Liên đoàn Lao động tỉnh, thành viên Đoàn điều tra TNLĐ, thực tế các vụ TNLĐ đều có thể phòng tránh được, tuy nhiên điều cốt yếu là nâng cao nhận thức từ cả hai phía NLĐ và người sử dụng lao động trong việc sử dụng thiết bị công nghệ, tham gia lao động sản xuất. Đối với doanh nghiệp, cần xác định rõ việc đảm bảo ATLĐ cho NLĐ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần được đầu tư xứng đáng về thời gian, tâm huyết, tài chính và nhân lực. Người sử dụng lao động cần phải quản lý chặt chẽ các quy trình thực hiện ATLĐ. Bên cạnh đó, khi vận hành các thiết bị máy móc phải tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn, kỹ thuật; phải được kiểm tra, kiểm định thường xuyên để tránh xảy ra TNLĐ. Kiểm tra, quản lý nghiêm ngặt số lượng, tình trạng của các loại máy móc thiết bị, vật tư vận hành trong quá trình làm việc. Ngoài ra, cần phối hợp với các bộ phận liên quan nghiên cứu đề xuất các biện pháp cải tạo điều kiện môi trường lao động, nhằm loại bỏ bớt các yếu tố nguy hiểm độc hại phát sinh.

Các doanh nghiệp khi tiếp nhận NLĐ vào làm việc cần tổ chức huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. Trong quá trình lao động, sản xuất, NLĐ luôn luôn nêu cao tinh thần tự giác chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Đặc biệt, đối với những lao động làm việc trong lĩnh vực nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại hoặc tiếp cận với các loại máy, thiết bị, vật tư luôn phải tập trung cao độ và chấp hành nghiêm ngặt những quy định về ATLĐ. Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác và phòng ngừa TNLĐ của người sử dụng lao động và NLĐ... Có như vậy, tình hình TNLĐ mới được hạn chế.

PHÚ VINH