Theo mục tiêu của Đề án “Phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2010 - 2015”, đến năm 2013, toàn tỉnh có 95% số trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi được học 2 buổi/ngày, ...
Theo mục tiêu của Đề án “Phổ cập giáo dục Mầm non (PCGDMN) cho trẻ em 5 tuổi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2010 - 2015”, đến năm 2013, toàn tỉnh có 95% số trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi được học 2 buổi/ngày, góp phần đưa số huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi từ 2,2% năm 2010 lên 45% năm 2012 và 100% vào năm 2013. Để đạt mục tiêu trên, ngành GDMN đang đứng trước những khó khăn.
. Hệ thống trường công ít
Nói đến phổ cập là nói đến việc bắt buộc các bậc cha mẹ hay người giám hộ có trẻ 5 tuổi phải đưa con em tới trường; Nhà nước phải bảo đảm về cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp, đồ dùng học tập cũng như đội ngũ giáo viên (GV). Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, hiện nay, hệ thống mạng lưới trường MN ở Khánh Hòa chưa có đủ trường lớp để đáp ứng yêu cầu đưa trẻ đến trường của người dân. Số trường MN ngoài công lập chiếm tỷ lệ khá cao. Tính đến đầu năm học 2010 - 2011, toàn tỉnh có 175 trường MN. Trong đó, 63 trường công lập (chiếm 36%), 112 trường ngoài công lập (64%); trong số trường ngoài công lập có 11 trường bán công (chiếm 6,3%), 93 trường dân lập (53,1%) và 8 trường tư thục (4,6%). Số trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (MG) là 44.455 cháu. Trong đó, hệ công lập 12.204 cháu (chiếm 27,5%), bán công - dân lập 21.017 cháu (47,3%), tư thục 11.234 cháu (25,2%).
Chính vì hệ thống trường công ít nên nhiều năm qua, tình trạng “chạy trường” cho con của không ít phụ huynh luôn diễn ra quyết liệt. Còn nhớ có năm, nhiều phụ huynh đã phải chen lấn, xếp hàng nộp đơn xin cho con vào Trường MN 3-2 (TP. Nha Trang) từ 3 giờ sáng!
. Cơ sở vật chất nghèo nàn
Bà Trần Thị Lẫy - Trưởng phòng GDMN (Sở Giáo dục - Đào tạo) cho biết, toàn tỉnh hiện có 121/175 trường MN (69,15%) tổ chức bán trú, số trẻ được ăn tại trường khoảng 65%; có 748 phòng học MG 5 tuổi, trong đó chỉ có 239 phòng học kiên cố (chiếm 31,95%). Để thực hiện việc PCGDMN cho trẻ 5 tuổi cần phải xây thêm 379 phòng học kiên cố. Thời gian qua, do thiếu phòng học nên nhiều trẻ chưa được đến trường; một số trẻ đã ra lớp nhưng vì không có điều kiện tổ chức bán trú nên chỉ học 2 buổi/ngày, không được ăn trưa tại trường. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là trẻ em ở vùng khó khăn. Không chỉ thiếu trường, thiếu lớp, hiện nay, hệ thống trường MN còn nghèo nàn về CSVC. Đồ chơi cho các cháu, đồ dùng dạy học cho GV thiếu nghiêm trọng. Tuy 100% trường thực hiện chương trình GDMN mới nhưng chỉ có 168/526 điểm trường có đồ chơi ngoài trời (chiếm 31,93%); 27/748 lớp MG 5 tuổi có phần mềm trò chơi cho trẻ làm quen (3,6%); 292/748 lớp MG 5 tuổi có đủ đồ dùng, trang thiết bị theo chương trình MN mới (39,03%)… Ở một số địa phương, nhiều trường MN bán công, dân lập đã xuống cấp trầm trọng, phải học nhờ, học tạm ở các nhà cộng đồng, các trụ sở, nhà văn hóa của các thôn, xóm… Hầu hết các trường đều thiếu thốn và lạc hậu so với yêu cầu của chương trình GDMN mới hiện nay. Được biết, đến nay, số trường chuẩn quốc gia của GDMN là 16 trường, chỉ chiếm 8,1% tổng số trường MN trong toàn tỉnh.
Giờ sinh hoạt lớp của cô và trò Trường Mầm non Hoa Phượng (Diên Khánh). |
. Làm gì để đạt mục tiêu?
Với mục tiêu bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi trong tỉnh đều được đến lớp MG để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ 1 năm học nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm thế cho trẻ vào lớp 1, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2010 - 2015”. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2013, có 95% số trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi được học 2 buổi/ngày; đưa số huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi từ 2,2% năm 2010 lên 45% năm 2012 và 100% vào năm 2013. Để thực hiện mục tiêu này, từ nay đến năm 2014, toàn tỉnh sẽ xây mới 379 phòng học, sửa chữa nâng cấp 106 phòng học, đáp ứng đủ phòng học cho các lớp MN 5 tuổi. Ngoài ra, trang bị đủ thiết bị tối thiểu cho các lớp MN 5 tuổi; phấn đấu đến năm 2013, có ít nhất 50% trường MN được tiếp cận tin học, ngoại ngữ; 70% các trường có bộ đồ chơi ngoài trời… Đến năm 2013, có thêm ít nhất 20 trường MN đạt chuẩn quốc gia.
Kinh phí thực hiện mục tiêu PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2010 - 2015 là 230,855 tỷ đồng. Thế nhưng, chia như thế nào để bảo đảm sự công bằng, để mọi trẻ em đều được hưởng sự đầu tư của Nhà nước là điều không đơn giản. Để PCGDMN bền vững, có chất lượng đúng với mục tiêu đề ra, các cấp chính quyền phải bảo đảm đủ trường lớp và GV để thỏa mãn nhu cầu tới lớp của trẻ em; cần phải ưu tiên dành quỹ đất cho việc xây dựng trường, lớp MN đạt chuẩn quốc gia. Đối với các cơ sở dân lập, Nhà nước hỗ trợ để đảm bảo thực hiện trả lương cho GV theo thang bảng lương GVMN và thực hiện nâng lương theo định kỳ như GV công lập; chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng GV dạy các trường MN tư thục. Nếu có thể, nên chuyển đổi các cơ sở GDMN dân lập, bán công sang loại hình công lập cho phù hợp với thực tiễn và tạo cơ sở pháp lý cho các trường MN hoạt động tốt hơn, đáp ứng yêu cầu PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi.
THU HIỀN