06:03, 27/03/2011

Giờ Trái đất - lời kêu gọi bảo vệ hành tinh xanh

Giờ Trái đất là sự kiện được Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức vào ngày Thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm với khẩu hiệu “Tắt đèn 60 phút - hành động 365 ngày” nhằm kêu gọi người dân và các doanh nghiệp tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu.

Giờ Trái đất (GTĐ) là sự kiện được Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức vào ngày Thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm với khẩu hiệu “Tắt đèn 60 phút - hành động 365 ngày” nhằm kêu gọi người dân và các doanh nghiệp tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu (BĐKH). Kể từ lần đầu tiên tổ chức ở quy mô một thành phố, đến nay, GTĐ đã trở thành một sự kiện được hưởng ứng khắp toàn cầu.

Ý tưởng về GTĐ bắt đầu vào năm 2007 từ TP. Sydney (Úc) khi 2,2 triệu người dân và hơn 2.000 doanh nghiệp tắt hết đèn trong vòng 1 giờ để thể hiện hành động chống lại BĐKH. Chỉ một năm sau đó, GTĐ đã trở thành một phong trào bền vững trên quy mô toàn cầu với hơn 50 triệu người ở 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Những danh thắng nổi tiếng thế giới như: Cầu cảng Sydney (Úc), Cầu Cổng Vàng ở San Francisco (Mỹ), đấu trường La Mã trung cổ Colosseum ở Rome (Ý)… vào ngày đó cũng tắt tất cả đèn điện, tạo thành những biểu tượng của hy vọng đấu tranh chống lại BĐKH. Tháng 3-2009, hàng trăm triệu người đã tham gia chiến dịch GTĐ lần thứ 3. Có 4.000 thành phố ở 88 quốc gia và vùng lãnh thổ chính thức tắt đèn để thể hiện sự ủng hộ sự kiện này. Với tốc độ lan truyền nhanh chóng đó, vào ngày 27-3, GTĐ 2010 đạt kỷ lục với 128 quốc gia và vùng lãnh thổ được ghi nhận tham gia chiến dịch. Những tòa nhà và những danh thắng biểu trưng từ châu Á - Thái Bình Dương đến châu Âu, từ châu Phi đến châu Mỹ, người dân khắp nơi trên thế giới không phân biệt tầng lớp xã hội đều tắt đèn, cùng nhau ca ngợi một tài sản chung và quý giá nhất của nhân loại - hành tinh trái đất của chúng ta.

Giờ Trái đất kêu gọi tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết.
GTĐ 2011 sẽ đánh dấu một kỷ lục mới khi có 131 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia. GTĐ diễn ra ở Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2009 với 4 thành phố tham gia, và trong 1 tiếng đồng hồ đó đã tiết kiệm được 140 MWh điện. Năm 2010, thống kê của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cho thấy, lượng điện tiêu thụ trong GTĐ giảm 500 MWh, gấp 3 lần so với năm 2009. Năm nay, Khánh Hòa cùng với 28 tỉnh thành khác tham gia GTĐ 2011 với các hoạt động ở 3 địa phương là TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa; trong đó, các hoạt động chủ yếu diễn ra ở Nha Trang. Sự kiện chính là đêm nhạc “Hát cho hành tinh xanh” sẽ diễn ra vào tối 26-3 tại Quảng trường 2-4, được truyền hình trực tiếp trên KTV và VTV.

Trong các lần tổ chức GTĐ trước, ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội xuất hiện tình trạng nhiều người (nhất là giới trẻ) do không hiểu hết ý nghĩa của GTĐ nên đã đổ xô chạy xe máy ra đường để… ngắm thành phố trong cảnh không ánh điện! Điều này khiến cho lượng khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới tăng lên đột biến, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời gây kẹt xe, mất trật tự giao thông. Ngoài ra, một số người còn tụ tập đốt nến, đốt đuốc như đang ở hội trại. GTĐ không kêu gọi tắt toàn bộ đèn mà chỉ tắt các thiết bị đèn, điện không cần thiết. Do đó, nếu không cần thiết thì không nên thắp nến, vì lượng nhiệt và CO2 từ nến làm cho việc tắt đèn trở nên mất ý nghĩa. Thay vào đó, các hộ gia đình có thể sử dụng đèn compact tiết kiệm điện. Một đèn compact 5W chiếu sáng suốt 200 giờ chỉ mới hết 1 kWh điện, tương đương 1.220 đồng.

Năm nay, GTĐ 2011 mang thông điệp “Tắt đèn 60 phút - Hành động 365 ngày vì biến đổi môi trường”. GTĐ chỉ kéo dài trong 1 tiếng đồng hồ từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 26-3, nhưng mang ý nghĩa lớn, đó là nhằm nâng cao nhận thức của con người về mối liên hệ giữa việc sử dụng năng lượng và BĐKH, để từ đó có những hành động mỗi ngày trong năm chống lại BĐKH toàn cầu. Mỗi người đều có thể góp phần thực hiện mục tiêu chung đó, bằng những hành động đơn giản, chẳng hạn như tắt máy điều hòa vào ban đêm và chuyển sang sử dụng quạt, tận dụng ánh sáng thiên nhiên thay vì bật đèn điện, kiểm tra việc tắt các thiết bị điện trước khi ra khỏi nhà… Chỉ cần gỡ phích cắm các vật dụng không dùng đến ra khỏi nguồn điện, số tiền điện hàng tháng của mỗi nhà có thể giảm đi từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng. Số tiền đó đối với mỗi gia đình có thể không nhiều, nhưng nếu được nhân rộng thì cả nước sẽ tiết kiệm được một số tiền không hề nhỏ, và quan trọng hơn là góp phần bảo đảm năng lượng quốc gia.

Chúng ta có thể không có một hành tinh thứ hai để sống, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm cho hành tinh này trở nên tốt đẹp hơn. “Sống xanh”, “Sống sạch” là những thông điệp cổ vũ đến mọi người trên toàn thế giới. Đó cũng là mục tiêu, ý nghĩa thực sự của GTĐ.

HUY TOÀN