10:03, 31/03/2011

Mô hình truyền thông hiệu quả

Cứ mỗi năm, đến mùa chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn...

Cứ mỗi năm, đến mùa chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản (SKSS), kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao lại có điều kiện tiếp cận với kiến thức KHHGĐ và chăm sóc SKSS. Nhờ thế, số người thực hiện sinh đẻ có kế hoạch ngày một nhiều, góp phần đáng kể vào công tác giảm sinh chung trên toàn tỉnh Khánh Hòa.

Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS, KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn (gọi tắt là chiến dịch tuyên truyền) từ lâu đã trở thành một mô hình truyền thông hiệu quả. Với nhiều hoạt động phong phú truyền thông bề nổi, tư vấn tại nhà, cung cấp dịch vụ KHHGĐ, SKSS tại chỗ… chiến dịch tuyên truyền đã thu hút rất nhiều người dân tự nguyện tham gia.

Tư vấn tại nhà là một hoạt động không thể thiếu trong chiến dịch tuyên truyền.

Theo thống kê của Chi cục Dân số (DS) - KHHGĐ tỉnh, qua 2 đợt thực hiện chiến dịch tuyên truyền năm 2010 cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động trước, trong chiến dịch đã được các địa phương hưởng ứng và coi trọng. Toàn tỉnh đã thực hiện 115 lượt mít tinh, truyền thông lưu động ở tuyến huyện và xã; 786 lượt nói chuyện chuyên đề cho gần 22 nghìn lượt người; làm mới 308 pa-nô, khẩu hiệu; cấp phát trên 47 nghìn tờ rơi và tài liệu các loại đến tay người dân. Nhờ thế, toàn chiến dịch đã thu hút gần 36 nghìn người áp dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại, trong đó có khoảng 6 nghìn người áp dụng các BPTT lâm sàng. Bên cạnh đó, chiến dịch đã thực hiện tư vấn nhóm, tư vấn trực tiếp tại hộ và tại điểm cung cấp dịch vụ cho trên 30 nghìn lượt đối tượng; khám phụ khoa cho hơn 30 nghìn người (bình quân 429 người/xã); điều trị phụ khoa cho hơn 18 nghìn người (chiếm 60,8% số phụ nữ khám); thực hiện soi tươi hơn 10 nghìn người; làm phiến đồ âm đạo hơn 5,6 nghìn người… Các chỉ tiêu này đã góp phần đáng kể vào việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm.

Duy trì và phát huy những kết quả đạt được, trong chiến dịch tuyên truyền đợt I - năm 2011, từ ngày 1 đến 30-4, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tiếp tục triển khai tại 43 xã, phường thuộc 7 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh. Trong thời gian diễn ra chiến dịch, mỗi địa phương phải đảm bảo thực hiện ít nhất 65% chỉ tiêu triệt sản; 75% chỉ tiêu đặt dụng cụ tử cung và 60% chỉ tiêu cấy tránh thai so với kế hoạch năm. Cụ thể, gói dịch vụ KHHGĐ, toàn chiến dịch sẽ có khoảng 76 người thực hiện triệt sản; 1,5 nghìn người đặt dụng cụ tử cung; 2,1 nghìn người tiêm tránh thai; 151 người cấy tránh thai; 8,4 nghìn người uống viên tránh thai và 6,5 nghìn người sử dụng bao cao su. Gói dịch vụ phòng, chống viêm nhiễm đường sinh dục sẽ có khoảng trên 13 nghìn người khám phụ khoa; 7,8 nghìn người điều trị phụ khoa; 3,3 nghìn người soi tươi và 2,5 nghìn người làm phiến đồ âm đạo. Ngoài ra, chiến dịch còn phải đảm bảo duy trì trên 90% số người đang sử dụng các BPTT năm 2010; tăng 10% số mới sử dụng các BPTT; đảm bảo cung cấp thông tin tư vấn và nâng cao hiểu biết về chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho trên 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và điều trị phụ khoa thông thường cho trên 90% đối tượng đăng ký sử dụng biện pháp KHHGĐ phát hiện mắc bệnh phụ khoa trong thời gian diễn ra chiến dịch.

Bà Hồ Thị Thi - Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: Hiện nay, Khánh Hòa có tổng tỷ suất sinh là 2,04 con/1 phụ nữ, gần đạt mức sinh thay thế; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm đáng kể, hàng năm có gần 400 thôn, tổ dân phố không có người sinh con thứ 3 trở lên; tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ em tiếp tục giảm. Tuy nhiên, mức giảm sinh không đồng đều và chưa ổn định ở các địa phương; số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hàng năm tăng lên rất cao, tiềm tàng khả năng sinh đẻ lớn; xuất hiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng rõ nét và có xu hướng tăng cao ở một số địa phương… Vì thế, công tác DS-KHHGĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi mỗi cán bộ DS-KHHGĐ cơ sở phải luôn nỗ lực, kiên trì tuyên truyền đến người dân ngoài việc giảm sinh, cần phải nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, chăm sóc tốt sức khỏe bà mẹ và trẻ em, không được lựa chọn giới tính thai nhi… Có như vậy mới mong đạt được những chỉ tiêu mà kế hoạch chiến dịch tuyên truyền đợt I đề ra nói riêng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu chiến lược DS, SKSS giai đoạn 2011 - 2020 nói chung.

MINH THIẾT