02:03, 29/03/2011

Chiếc ba lô - bạn đồng hành của người lính

“Tôi vẫn còn nhớ hành trang không thể thiếu của anh bộ đội Cụ Hồ đó là chiếc ba lô. Nó mang lại cho tôi biết bao kỷ niệm mà cho tới tận bây giờ, mỗi khi cầm nó trên tay, tôi không khỏi bồi hồi xúc động”...

“Tôi vẫn còn nhớ hành trang không thể thiếu của anh bộ đội Cụ Hồ đó là chiếc ba lô. Nó mang lại cho tôi biết bao kỷ niệm mà cho tới tận bây giờ, mỗi khi cầm nó trên tay, tôi không khỏi bồi hồi xúc động” - đó là tâm sự mộc mạc của Trung sĩ Lê Ngọc Đặng - Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6, Tiểu đoàn 460, Trung đoàn 974, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa.

Năm 18 tuổi, vừa rời ghế nhà trường, Lê Ngọc Đặng quyết định đi bộ đội để được thỏa nguyện mơ ước của mình. Ngày Lê Ngọc Đặng nhập ngũ, ngoài bộ quân phục xanh biếc thơm mùi vải mới, anh còn được phát một chiếc ba lô xinh xắn, đủ rộng để đựng đồ cá nhân thường ngày. Trung sĩ Lê Ngọc Đặng tâm sự: “Tính mẹ tôi cẩn thận, lại thương con, nên trước ngày lên đường nhập ngũ, ba lô của tôi được mẹ xếp đồ căng phồng và nặng trịch. Tiễn tôi lên xe về đơn vị, nước mắt mẹ lưng tròng nhưng vẫn kịp nói với theo: “Mẹ đã gói đĩa xôi bỏ vào trong ba lô, trên đường đi nếu đói thì lấy ra ăn, con nhé”. Mấy đứa bạn đi cùng xe nghe thấy thế bật cười, còn tôi lặng người đi chẳng nói được gì, chỉ biết nhìn theo dòng người tiễn đưa cho tới khi khuất hẳn… Vào quân ngũ, mỗi ngày, chiếc ba lô lại thêm gắn bó với chúng tôi. Nó chứa đựng biết bao kỷ niệm của đời lính, có thể là những cánh thư hồng của người con gái nơi hậu phương xa xôi đang chờ tôi trở về, là lá thư đậm nghĩa tình của em nhỏ thấm đẫm cảm xúc kể về nỗi nhớ khi anh xa quê, cũng có khi là chiếc khăn tay mẹ thường ủ cơm trưa cho tôi ngày còn cắp sách tới trường, chiếc áo len ấm bàn tay hiền dịu của chị… Tất cả những kỷ niệm ấy luôn thường trực trong tôi”. 

Chiếc ba lô luôn là bạn đồng hành với những người lính trong suốt những ngày dài hành quân dã ngoại.
Trung sĩ Lê Ngọc Đặng tâm sự: Kỷ niệm làm tôi nhớ nhất đó là những buổi hành quân dã ngoại. Mỗi lần hành quân, chúng tôi lại phải dọn hết đồ đạc cá nhân vào trong ba lô và còn phải mang thêm nhiều thứ mà đơn vị quy định. Tôi vốn nhỏ con, nhưng khi hành quân dã ngoại lại phải vác trên vai chiếc ba lô nặng hơn mọi người, vì vốn dĩ đồ đạc cá nhân của tôi được mẹ trang bị khá nhiều. Thế nên những ngày đầu hành quân với tôi thật khó khăn. Khi hành quân trở về, hai vai tôi cứ sưng tấy lên. Chai dầu nhỏ mẹ để trong ba lô lúc này lại phát huy tác dụng. Thời gian cứ dần trôi, tôi đã thích nghi được với điều đó. Từ chỗ gầy gò, sau mấy tháng luyện tập hành quân dã ngoại, chân tay tôi rắn chắc hẳn. Tôi tăng mấy cân liền; và khi đã quen với môi trường lính, tôi lại mong được đi quãng đường dài hơn nữa để có dịp rèn luyện sức khỏe. Những đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận để lại thật nhiều cảm xúc trong tôi. Về giúp những người dân gặp khó khăn, chúng tôi như được trở về với chính gia đình mình. Bằng những tình cảm mộc mạc, quý mến của bà con, dù nắng mưa, vất vả, trong lòng chúng tôi vẫn chan chứa niềm vui. Những phút giải lao khi hành quân dài ngày như vậy, mỗi lần được tựa lưng trên chiếc ba lô để đọc thư nhà hoặc tranh thủ viết vội những dòng cảm xúc vào cuốn sổ nhỏ đã trở thành một thói quen và là niềm vui của những người lính. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chiếc ba lô vẫn đồng hành với chúng tôi trên từng bước đường. Dẫu có nắng gió, mưa giông làm cho ba lô bạc màu thì nó vẫn không rời xa chúng tôi.

Hết thời gian làm nghĩa vụ quân sự, Trung sĩ Lê Ngọc Đặng được ở lại đơn vị thêm nửa năm công tác. Những lúc rảnh rỗi, Trung sĩ Lê Ngọc Đặng vẫn thường say sưa kể cho chiến sĩ mới nghe về những kỷ niệm như thế. Cho đến tận bây giờ, chiếc ba lô ngày nào vẫn được Trung sĩ Lê Ngọc Đặng lưu giữ như một kỷ vật thiêng liêng của đời lính. Nó chứa đựng những cảm xúc thật đặc biệt mà có lẽ chỉ có anh bộ đội Cụ Hồ như anh mới hiểu hết được.

MẠNH HÙNG