10:03, 13/03/2011

Nhiều tính năng vượt trội

Những phiền toái, bất cập trong việc chế biến, tiêu thụ mì khiến ông Võ Văn Sanh, một nông dân ở xã Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) nghĩ ngay đến việc cải tiến chiếc máy xắt mì cũ.

Những phiền toái, bất cập trong việc chế biến, tiêu thụ mì khiến ông Võ Văn Sanh, một nông dân ở xã Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) nghĩ ngay đến việc cải tiến chiếc máy xắt mì (MXM) cũ. Sau nhiều năm mày mò, nghiên cứu, chiếc MXM do ông cải tiến ngày càng tỏ ra hữu hiệu, không những gọn nhẹ, năng suất tăng mà thông qua đó, việc bao tiêu sản phẩm cho người dân trong vùng ngày càng thuận lợi.

Hòa chung niềm vui khi mì được giá, bà con trồng mì ở Xuân Sơn (Vạn NInh) càng thấy rõ lợi ích thiết thực mà chiếc MXM cải tiến của ông Võ Văn Sanh đem lại. Ông Sanh bộc bạch: Ông vốn gốc người Quảng Ngãi, đến Xuân Sơn lập nghiệp. Những năm đầu, mía được xem là cây trồng chủ lực. Thời kỳ này trồng mía không có lãi bởi chưa có nhà máy đường thu mua, người dân phải bán mía cho chủ lò che, thu nhập bấp bênh. Chính vì thế, ông đành về quê cũ tìm phương kế mới. Lúc này quê ông đang thịnh hành nghề trồng mì, chế biến bằng máy xắt. Biết đây là cơ hội mới cho Xuân Sơn (cũng là vùng trồng mì thích hợp) nên ông “tậu” ngay một chiếc đưa về.

Thu mua mì củ, xắt lát, phơi khô cung cấp cho mối quen, ông Sanh cảm thấy chiếc máy cũ hình như chưa đạt yêu cầu. Lưỡi dao “đóng” dày (3 dao đặt lệch) nhưng mâm dao lại có đường kính nhỏ nên lát mì thường nát vụn, khách không thích; puli máy lớn nên vòng tua bị chậm khiến máy hoạt động quá tải, cần động cơ công suất lớn làm tiêu hao nhiều nhiên liệu; khung máy cố định khó di chuyển nên phải huy động nhiều công vận chuyển nguyên liệu đem đến sân phơi… Những điều đó thôi thúc ông Sanh cải tiến chiếc máy cũ để hoạt động hiệu quả hơn.

 Chiếc máy xắt mì cải tiến của ông Sanh có nhiều ưu thế vượt trội.
Sau nhiều năm vừa làm, vừa cải tiến, đến nay ông Sanh đã cơ bản khắc phục được những nhược điểm của chiếc MXM cũ. Những năm “lăn lộn” với lò đường kết tinh, nghề tuốt lúa, ông Sanh rút ra được nhiều kinh nghiệm về cơ khí, chế tạo. Đầu tiên, ông mạnh dạn thay puli 6 (6cm) bằng puli nhỏ hơn (puli 4) để tăng vòng tua, tiết kiệm nhiên liệu. Để có lát mì đúng quy cách, không nát vụn, đáp ứng yêu cầu của các công ty thu mua, ông cải tiến mâm dao từ 3 còn 2 dao, tăng đường kính mâm từ 60cm lên 80cm. Năm 2008, các cải tiến này của ông cho thấy nhiều hiệu quả nhưng việc khuân vác máy, vận chuyển nguyên liệu tập kết vẫn còn trở ngại do chiếc máy chỉ hoạt động tại chỗ. Ông nhờ người con rể đang làm thợ sắt mua bánh xe cải tiến lắp vào, nhờ đó chiếc máy có thể di chuyển thuận tiện bất cứ nơi nào.

Sau cải tiến, chiếc MXM tỏ ra nhiều tính năng ưu việt. Năng suất máy tăng từ 6 tấn/ngày lên 8 tấn/ngày và chỉ cần 4 công lao động theo máy (1 người tiếp nguyên liệu, 2 người thu nhặt mì lát, 1 người đem phơi) trong khi trước kia cần đến 6 công. Máy hoạt động gọn, nhẹ, hiệu quả cao nên ít tốn nhiên liệu (trước đây xắt 3 tấn mì tốn 1 lít dầu, nay tăng lên 5 tấn tốn 1 lít dầu). Chất lượng mì xắt đều, đẹp, ít vụn và phơi nhanh khô, khách hàng ưa chuộng. Mì xắt ra tận dụng cả vỏ nên không xả rác, gây hại môi trường. Giá thành sản xuất 1 máy cũng rẻ hơn, chỉ tốn 12 triệu đồng (trước kia đầu tư 15 triệu đồng). Hiệu quả từ chiếc máy cải tiến mang lại đã làm nức lòng nhiều nông dân, thợ cơ khí các nơi về tham quan, học tập, làm theo.

Có chiếc MXM mới, ông Sanh gặp nhiều thuận lợi khi thu mua, chế biến, tiêu thụ mì cho nông dân. Mì đang có giá, hiện giá thu mua mì của ông tại ruộng lên tới 19 ngàn đồng/kg mì tươi. Thu mua mì xong đưa về sân phơi xắt lát, phơi 4 - 5 nắng là có mì thương phẩm, bán cho các công ty đặt hàng. Chính nhờ có chiếc MXM cải tiến mà công việc nhà nông vốn nhiều vất vả đã được cải thiện. Việc chế biến thuận lợi khiến việc thu mua mì cho bà con cũng nhanh hơn. Mỗi năm đơn đặt hàng của ông Sanh lên tới vài trăm tấn, là đầu mối tiêu thụ mì chính ở Xuân Sơn. Với giải pháp cải tiến kỹ thuật MXM, ông Sanh đã đăng ký tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VI (2010 - 2011).

H.A