04:03, 07/03/2011

Bệnh thủy đậu đang vào mùa

Theo bác sĩ (BS) Phan Thế Long (Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa), bệnh thủy đậu thường rộ lên từ khoảng tháng 3 đến tháng 5 hàng năm.

Theo bác sĩ (BS) Phan Thế Long (Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa), bệnh thủy đậu thường rộ lên từ khoảng tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Hiện nay mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận khoảng 10 trường hợp đến khám bệnh thủy đậu, trong đó có 5 - 6 ca phải nhập viện điều trị, đa phần là bệnh nặng. Còn theo BS Đặng Quý Sơn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Ninh Hòa, số trường hợp mắc bệnh thủy đậu đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ninh Hòa những ngày này cũng tăng đáng kể.

Thủy đậu hay còn gọi là bệnh trái rạ là một bệnh lây nhiễm lành tính, rất thường gặp, do vi-rút Varicella Zoster gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi nơi, mọi lứa tuổi, trẻ em mắc nhiều hơn người lớn và thường nhẹ hơn người lớn, lứa tuổi trẻ em thường mắc bệnh khoảng từ 2 - 10 tuổi.

Thủy đậu là một bệnh dễ lây, dễ bùng phát thành dịch. Bệnh lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua các nốt ban ngứa hoặc các nốt phỏng nước ở da hoặc do hít phải dịch tiết mũi họng của người bệnh có trong không khí (do người bệnh ho hoặc hắt hơi). Người bị bệnh thủy đậu có khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác từ 1 - 2 ngày trước khi phát ban cho đến khi các nốt phỏng nước khô đóng vảy hoàn toàn. Thông thường bệnh xuất hiện sau khoảng từ 10 - 20 ngày trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh thủy đậu nếu trẻ chưa được chủng ngừa. Tuy vậy cũng có những trẻ không mắc bệnh sau khi tiếp xúc với người bệnh.

Theo BS Nguyễn Ngọc Huy (Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bệnh thủy đậu có thời kỳ ủ bệnh khá dài, khoảng 14 - 16 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây. Trong thời kỳ này bệnh nhân (BN) không có biểu hiện bệnh lý nào. Đến thời kỳ phát bệnh, bệnh thường bắt đầu bằng một mụn đỏ, nhưng sau đó nhiều mụn sẽ phát rất nhanh, kèm theo sốt, ho, chảy mũi, mỏi mệt. Các mụn đỏ bắt đầu nổi trên ngực và sau lưng rồi lan lên mặt, đầu, tay chân, thậm chí mọc ở cả niêm mạc miệng, mũi, tai và bộ phận sinh dục. Các mụn này tiếp tục lan ra trong 3 - 4 ngày và rất ngứa. Chỉ sau vài giờ các nốt ban tiến triển thành các nốt phỏng nước, bên trong chứa chất dịch trong suốt và sau vài ngày chất nước trở nên đục. Các nốt phỏng nước vỡ ra, khô lại thành vảy và bong vảy sau 5 - 10 ngày. Các mụn nước sẽ lành theo giai đoạn khác nhau, có mụn lành nhanh hơn những mụn khác; có trẻ bệnh nhẹ với chỉ vài mụn nước nhưng cũng có trẻ bệnh nặng với hàng trăm mụn nước. Khác với bệnh đậu mùa, các vảy này không để lại sẹo vĩnh viễn nếu không bị nhiễm trùng da thứ phát.

 BS Long đang khám cho trẻ mắc bệnh thủy đậu

“Thủy đậu là một bệnh nhẹ, lành tính”, BS Huy cho biết. Bệnh tiến triển khoảng 10 - 15 ngày rồi tự khỏi. Tuy vậy vẫn có một số trường hợp có biến chứng, nhất là ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, thường gặp nhất là nhiễm trùng da và các mô mềm ở trẻ em, viêm phổi ở người lớn. Ngoài ra, còn có thể gặp các biến chứng nhiễm trùng máu, viêm khớp, viêm xương, tủy xương… Phụ nữ mang thai bị thủy đậu trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa của thai kỳ có thể gây lây nhiễm cho bào thai gây nên các khuyết tật bẩm sinh cho thai nhi.

Bệnh thủy đậu thường nhẹ và tự khỏi nên theo các BS, có thể để BN tại nhà để chăm sóc. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng bằng cách: Để BN nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời; vệ sinh mũi họng hàng ngày cho BN bằng dung dịch nước muối sinh lý 9%; thay quần áo và tắm rửa hằng ngày cho trẻ bệnh bằng nước ấm trong phòng tắm, mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng; cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi, gây trầy xước các nốt phỏng nước; dùng dung dịch xanh Milan để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ. Nếu trẻ ngứa nhiều, khó chịu có thể đưa trẻ đi khám. Trường hợp trẻ sốt cao thì dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường theo hướng dẫn của BS. Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả (cam, chanh). Nên tránh những quan điểm và việc làm không đúng như: Kiêng gió, kiêng nước, để trẻ ở trong phòng quá kín, cho trẻ mặc quần áo quá dày, không tắm rửa vệ sinh hàng ngày cho trẻ khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu, trẻ sẽ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước dễ dẫn đến biến chứng nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu; tự ý dùng những loại thuốc uống hoặc thuốc bôi ngoài da khi không có chỉ định của BS; dùng thuốc Aspirin để hạ sốt; sử dụng các loại thuốc mỡ bôi tại chỗ có chứa corticoids.

Để phòng bệnh thủy đậu, theo các BS, điều quan trọng là phải phát hiện bệnh sớm để tránh lây lan cho cộng đồng. Cách ly người bệnh từ lúc bắt đầu phát bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn (người lớn phải nghỉ làm, trẻ nhỏ và học sinh phải nghỉ học). Cho trẻ bệnh ở trong một phòng riêng, có cửa sổ, thoáng mát, có đủ ánh nắng mặt trời. Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng cho người bệnh (khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa, chăn, gối, màn…). Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Khi cần tiếp xúc phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Vệ sinh phòng ở của trẻ bệnh hàng ngày, các đồ vật nhỏ có thể đem phơi nắng. Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh thủy đậu. Hiện nay đang lưu hành 2 loại vắc-xin ngừa thủy đậu: 1 loại tiêm 1 mũi duy nhất cho mọi lứa tuổi; 1 loại tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng cho trẻ trên 12 tuổi và tiêm 1 mũi duy nhất cho trẻ dưới 12 tuổi. Thời gian để vắc-xin bắt đầu có hiệu lực: 3 tuần sau khi tiêm ngừa.

Những đối tượng không nên tiêm phòng vắc xin ngừa thủy đậu, theo BS Nguyễn Ngọc Huy gồm: phụ nữ đang có thai hoặc nghi ngờ có thai; những người dị ứng với thuốc Neomycine; những người có phản ứng với mũi tiêm thứ nhất thì không được tiêm mũi thứ 2 (đối với loại tiêm 2 mũi; BN bị suy giảm miễn dịch, BN đang sử dụng các loại thuốc corticoid (prednisolon, dexamethason…); BN bị bệnh ác tính về máu; BN bị nhiễm trùng cấp tính hoặc đang sốt. “Lưu ý 3 tháng sau khi tiêm ngừa vắc-xin mới được mang thai. Phụ nữ đang mang thai mà bị nhiễm vi-rút thủy đậu hoặc sống trong vùng có dịch thủy đậu nên đến khám tại các bệnh viện phụ sản để được tư vấn, theo dõi và điều trị thích hợp”, BS Huy nhắc.

NGỌC KHÁNH