04:02, 22/02/2011

Nâng cao quyền lựa chọn và chất lượng phục vụ khách hàng

Chương trình tiếp thị bao cao su được Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Khánh Hòa triển khai hơn 1 năm nay, đã mang lại hiệu quả cao. Điều này cho thấy, người dân đã có ý thức tự nguyện lựa chọn phương tiện tránh thai theo ý muốn.

Chương trình tiếp thị bao cao su (BCS) được Hội Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh Khánh Hòa triển khai hơn 1 năm nay, đã mang lại hiệu quả cao. Điều này cho thấy, người dân đã có ý thức tự nguyện lựa chọn phương tiện tránh thai (PTTT) theo ý muốn. Vì thế, xã hội hóa (XHH) các PTTT là một việc nên làm.

Những năm qua, việc tuyên truyền rộng rãi các PTTT hiện đại đến với người dân của Chi cục Dân số (DS) -KHHGĐ đã góp một phần không nhỏ vào việc nâng cao sự hiểu biết của người dân về cách sử dụng và lựa chọn các PTTT theo ý muốn. Đặc biệt, nhận thức của người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa về PTTT được nâng lên đáng kể. Thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ cho thấy, tỷ lệ khách hàng sử dụng các PTTT hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Năm 2010, tổng giá trị các PTTT Chi cục đã cung cấp cho khách hàng là 1,2 tỷ đồng. Trong các PTTT hiện đại, người dân chấp nhận nhiều nhất là viên tránh thai, BCS, thuốc tiêm tránh thai, thuốc cấy tránh thai. Sử dụng viên tránh thai nhiều nhất là người dân TP. Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa; trong khi đó người dân huyện Diên Khánh, Cam Lâm và Vạn Ninh… sử dụng BCS nhiều nhất.

Một chương trình tập huấn về tiếp thị bao cao su
Trước nhu cầu sử dụng ngày càng rộng rãi các PTTT của người dân, việc đáp ứng tốt các PTTT dựa trên cơ sở nhu cầu lựa chọn của khách hàng để đảm bảo tính an toàn và thuận tiện khi sử dụng là điều nên làm. Tuy nhiên thực tế nhiều năm qua, với chương trình cấp PTTT miễn phí, nhiều cặp vợ chồng có trình độ hiểu biết kém về PTTT thường được người hướng dẫn sử dụng tư vấn cho loại nào thì sử dụng loại đó, đôi khi dẫn đến tình trạng chưa được hài lòng khi sử dụng. Mặt khác, khách hàng vẫn thường bị động trong chuyện lựa chọn PTTT khi sự hiểu biết còn hạn chế, dẫn đến thiệt thòi.

Bà Hồ Thị Thi - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: Những năm qua, các PTTT cung cấp cho khách hàng đều thực hiện miễn phí theo chương trình mục tiêu quốc gia. Riêng PTTT bằng BCS, ngoài cấp miễn phí mới chỉ thực hiện XHH hơn 1 năm nay do Hội KHHGĐ thực hiện và đã được người dân đón nhận. Theo thống kê của Hội KHHGĐ tỉnh, trong quý III và quý IV/2009, bán được 23.224 BCS Yes, 46.580 BCS Hello. Trong năm 2010, tiếp thị được 52.073 BCS Yes và 93.446 BCS Hello. Từ năm 2009 đến 2010 bán tổng cộng hơn 215 nghìn BCS. Như vậy, qua quá trình tiếp thị cho thấy, nhu cầu sử dụng PTTT bằng BCS ngày càng tăng cao. Tâm lý e ngại mua BCS tại các điểm công cộng của khách hàng đang dần chuyển đổi. Điều này cho thấy XHH các PTTT để tăng tính lựa chọn cho khách hàng là một hướng đi phù hợp khi nhu cầu sử dụng các PTTT ngày càng tăng, trong khi ngân sách Nhà nước và viện trợ quốc tế có hạn.

Tuy nhiên, để công tác XHH PTTT đạt hiệu quả cần phải đầu tư hơn nữa cho công tác truyên truyền để người dân được tiếp cận thông tin, tìm hiểu và sử dụng PTTT đúng cách, phù hợp. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng các PTTT; đảm bảo cung cấp hậu cần, phân phối dựa trên nhu cầu cộng đồng; đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên DS-KHHGĐ ở cơ sở nhằm làm tốt công tác tư vấn, sử dụng các PTTT hiệu quả khi người dân cần.

Như vậy, thực hiện XHH các PTTT là việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng phục vụ và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng các PTTT, qua đó giúp họ chủ động và tự nguyện lựa chọn PTTT theo ý muốn. Có như thế mới tránh được tình trạng sinh dày, sinh nhiều và giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em.

M.T