11:02, 22/02/2011

Đầu năm, muối… “lạt”

Vào thời điểm này mọi năm, trên những cánh đồng muối ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), diêm dân đã thu hoạch vụ muối mới. Thế nhưng hiện nay, người dân mới bắt đầu uể oải ra đồng. Muối rớt giá đã làm cho nhiều diêm dân rơi vào cảnh làm cũng không có ăn.

Vào thời điểm này mọi năm, trên những cánh đồng muối ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), diêm dân đã thu hoạch vụ muối mới. Thế nhưng hiện nay, người dân mới bắt đầu uể oải ra đồng. Muối rớt giá đã làm cho nhiều diêm dân rơi vào cảnh làm cũng không có ăn.

Rằm tháng Giêng, trên những cánh đồng muối rộng tít tắp thuộc phường Ninh Diêm, mới chỉ lác đác diêm dân đắp bờ, sửa ruộng, chưa có ruộng muối nào đến ngày thu hoạch. Trong khi đó, muối sản xuất từ năm trước tồn đọng chất thành đống cao như núi. Diêm dân Lê Kim Đức ở thôn Thành Danh, xã viên Hợp tác xã Muối 1-5 cho biết: “Lẽ ra, muối phải vào vụ từ đầu tháng 11 âm lịch năm 2010, đến đầu tháng Giêng năm 2011 thì nông dân bắt đầu cào. Nhưng do giá muối quá rẻ, chỉ có 400 đồng/kg, càng làm càng lỗ, nên nhiều người uể oải chưa muốn làm vụ mới”. Diêm dân Trần Văn Bi cũng tỏ vẻ chán nản: “Muối là nghề truyền thống xưa nay, ông bà để lại, nhưng thanh niên trai trẻ bây giờ đã bỏ nghề đi làm công nhân, làm thợ hết. Làm muối đâu có ăn, cào lên một đống rồi để miết bán không chạy, bán được tính ra chỉ đủ tiền công cào, công gánh, tiền đâu nuôi vợ con!”.

Chính vì vậy mà 50ha ruộng sản xuất muối của diêm dân Ninh Diêm mới chỉ có khoảng 70% diện tích bắt đầu vào vụ. Một số nông dân chán nản với nghề muối đã chuyển đổi ruộng từ làm muối sang nuôi tôm. Số diện tích chuyển đổi đã lên đến gần 10ha. Một nông dân có ruộng muối chuyển sang nuôi tôm than: “Mình chuyển đổi tự phát làm liều nuôi tôm may ra hy vọng có lãi, chứ cứ chờ muối được giá trở lại sốt ruột lắm, lại tốn tiền mua bạt phủ. Còn nếu bán giá thấp thế này thì 1kg muối chưa đủ mua 1 bó rau”. Ông Lê Minh An - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Ninh Diêm cho biết: Hiện nay, toàn xã tồn khoảng 1.000 tấn muối, khi chưa vào vụ mà giá chỉ 400 đồng, bà con sợ vào vụ giá tiếp tục rớt xuống sẽ lỗ nặng. Năm 2010, xã không bán được tấn muối nào theo chương trình mua muối tạm trữ của Chính phủ, đời sống bà con diêm dân hiện đang rất khó khăn”.

Cũng như diêm dân ở Ninh Diêm, diêm dân ở các vùng sản xuất muối khác thuộc thị xã Ninh Hòa như Ninh Hải, Ninh Thủy cũng gặp khó khăn không kém. Vụ muối mới đã bắt đầu, nhưng toàn thị xã Ninh Hòa tồn đọng trên 3.000 tấn từ năm cũ. Khoảng 600 hộ dân sản xuất muối đang lâm vào cảnh làm cũng không có lãi để trang trải cuộc sống. Ông Trần Công Hoán, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết: Nghề muối vẫn là thu nhập chính của diêm dân các phường Ninh Diêm, Ninh Hải, Ninh Thủy. Nhưng với giá muối thấp như hiện nay nông dân khó có thể sống dựa vào nghề muối. Nếu sản xuất để nông dân có lãi, tính ra trung bình mỗi kg muối phải đạt giá từ 800 - 900 đồng. Do đó, diêm dân đang rất lúng túng vì muối cũ bán chưa hết, muối mới sản xuất lo bán không ai mua, chỉ còn biết trông chờ vào chính sách bình ổn giá của Nhà nước và sự tạo điều kiện cho vay vốn từ các ngân hàng. Ông Lê Minh An - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Ninh Diêm cũng mong muốn: “Rất mong Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách mua muối tạm trữ để bình ổn giá cho diêm dân nhưng tổ chức chặt chẽ hơn để người dân được hưởng lợi”.

Muối năm cũ tồn đọng, nông dân chưa mặn mà vụ mới vì giá thấp.
Hiện nay, đa số nông dân Ninh Hòa còn sản xuất muối theo phương pháp thủ công nên chất lượng muối còn thấp, bán ít chạy. Nhưng theo ông Hoán, nếu sản xuất muối theo công nghệ phủ bạt như mong muốn của nhiều diêm dân để nâng cao chất lượng muối thì diêm dân Ninh Hòa sẽ gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Trong khi đó, diêm dân không có sổ đỏ để thế chấp vay vốn ngân hàng. Mặt khác, sản xuất muối theo công nghệ phủ bạt đòi hỏi ruộng muối phải có diện tích rộng lớn. Đây cũng là một cái khó cho diêm dân, khiến họ cứ rơi vào vòng luẩn quẩn, chưa thể ứng dụng sản xuất muối theo các phương pháp mới.

Nghề muối ở Ninh Hòa cũng như dọc dải đất miền Trung cực nhọc, vất vả, lại bị động, phụ thuộc vào giá cả thị trường nên đời sống diêm dân luôn bấp bênh. Người dân đang rất cần sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa của Nhà nước.

M.T