08:02, 11/02/2011

Sức sống nơi đảo xa

 Đến với Trường Sa hôm nay, điều đọng lại trong chúng tôi là hình ảnh những em nhỏ tung tăng đùa vui trong cái nắng và gió của vùng biển đảo. Những tiếng cười rộn rã rất đỗi hồn nhiên, trong trẻo của các em như tiếp thêm nhựa sống cho vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Đến với Trường Sa hôm nay, điều đọng lại trong chúng tôi là hình ảnh những em nhỏ tung tăng đùa vui trong cái nắng và gió của vùng biển đảo. Những tiếng cười rộn rã rất đỗi hồn nhiên, trong trẻo của các em như tiếp thêm nhựa sống cho vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Những em nhỏ ở xã đảo Song Tử Tây đang quay quần trong niềm vui có đồ chơi mới.
Những em nhỏ ở xã đảo Song Tử Tây đang quay quần trong niềm vui có đồ chơi mới.

Một buổi chiều đầu năm mới, chuyến tàu mang số hiệu HQ-996 đưa chúng tôi cập bến xã đảo Song Tử Tây. Trên bến tàu, hàng trăm chiến sĩ bộ đội và người dân Trường Sa đang vẫy tay chào đón những người khách đến từ đất liền. Trong số đó, chúng tôi thật sự xúc động khi bắt gặp những ánh mắt tròn xoe thơ ngây, những nụ cười xinh xắn đang giơ đôi bàn tay nhỏ nhắn làm động tác vẫy chào cùng với mẹ. Đi theo mẹ dọc bờ kè của đảo, bé Hồ Song Tất Minh (con chị Trương Thị Liền - một người dân trên đảo) đã chạy lại níu chân chúng tôi như đã quen tự lúc nào, làm ai nấy trong đoàn công tác cũng cảm thấy ấm lòng. Khi thấy cánh phóng viên giơ máy ảnh chụp hình, bé Minh đã không còn rụt rè như lúc đầu mà mạnh dạng tạo dáng và cười rất tươi. Trên khuôn mặt rạng ngời, chị Trương Thị Liền tự hào khoe: “Bé Minh sinh ra trên xã đảo Song Tử Tây và nhận được nhiều sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ cùng người dân trên điểm đảo. Ngày bé ra đời, mọi người trên đảo đã cùng nhau bàn bạc để tìm đặt cho bé một cái tên vừa đẹp, vừa gắn liền với hòn đảo yêu dấu. Cuối cùng, thống nhất và đặt tên cho bé là Hồ Song Tất Minh”.

Mẹ và bé ở Trường Sa.
Mẹ và bé ở Trường Sa.

Trong khi chúng tôi đang lắng nghe những câu chuyện về cuộc sống của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở đảo, thì ở phía cầu cảng, những tiếng cười, tiếng hò reo vang vọng của những em nhỏ như át cả tiếng sóng biển của đại dương mênh mông: “Vui quá, vui quá! Có đồ chơi mới các bạn ơi...!”. Thì ra, đoàn công tác vừa đưa từ đất liền ra đảo một bộ đu quay và thú nhún với màu sắc rực rỡ. Nhìn thấy nhiều đồ chơi mới, các em nhỏ đã vội chạy đến để được cưỡi lên lưng những chú ngựa và ngồi trên dàn đu quay.... Cả xã đảo như rộn vang trong tiếng cười đùa của trẻ nhỏ. Nán lại xã đảo Song Tử Tây 2, 3 hôm, ngày nào chúng tôi cũng được nhìn thấy các em nhỏ cùng nhau tổ chức những trò chơi... Cả đảo rộn rã trong tiếng cười đùa thơ ngây, hồn nhiên của các em. Buổi tối, ghé thăm nhà anh Huỳnh Viên, chúng tôi bắt gặp cháu Huỳnh Nhật Quang (6 tuổi) đang loay hoay xếp lại chồng đĩa phim hoạt hình của một người dì từ đất liền gửi tặng. Thấy chúng tôi đến chơi, Quang vội khoe: “Con thích xem nhất là phim hoạt hình. Dì con gửi ra rất nhiều đĩa, nào là Siêu nhân, Đôrêmon và có cả Tề thiên đại thánh nữa...”. Tiếp xúc với chúng tôi, anh Viên cho biết: “Từ ngày đảo có điện 24/24 giờ, không chỉ vợ chồng chúng tôi mà những đứa nhỏ trên đảo có thêm phương tiện giải trí sau những buổi học trên lớp”.

Tạm chia tay Song Tử Tây, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến xã đảo Sinh Tồn. Vào đảo, chúng tôi gặp cháu Bùi Hoàng Nhã Kỳ (15 tháng tuổi), con gái của chị Trần Thị Nữ và anh Bùi Đình Khải đang chơi đùa cùng anh trai Đình Quân (6 tuổi). Thấy chúng tôi đến trước nhà, Nhã Kỳ liền chạy vào gọi mẹ. Tuy có vóc dáng nhỏ bé vì sinh thiếu tháng, nhưng Nhã Kỳ lại rất cứng cáp và nhanh hơn so với những đứa trẻ khác cùng độ tuổi. Bắt chuyện với chúng tôi, anh Đình Khải, cha bé Kỳ cho biết: “Những đứa trẻ ở đây đều rất khỏe. Từ ngày gia đình tôi ra đảo đến giờ, cháu chưa một lần bị bệnh vặt”. Theo những người dân trên đảo, trẻ con ở thành phố từ 1 đến 5 tuổi thường rất hay bị các bệnh như: Viêm phổi, đau họng, bệnh cảm, sốt... do ảnh hưởng của các loại khí thải, chất thải độc hại từ khói xe, bụi bẩn; còn đối với các em nhỏ được sinh ra, lớn lên và sống ở vùng đảo Trường Sa này, các căn bệnh ấy dường như không còn nữa. Theo anh Khải, có lẽ sóng gió nơi đảo xa đã rèn luyện cho các em khả năng chống chọi lại bệnh tật. Chính vì vậy, nhiều người dân trên Trường Sa thường nói vui với nhau rằng, trẻ em nơi đảo xa thiệt thòi hơn trẻ em đất liền nên đã được bù đắp bằng sự khỏe mạnh và sức vóc giống như những ngư phủ để Trường Sa luôn căng tràn nhựa sống.

AN NHIÊN