08:02, 09/02/2011

Quyến rũ… hương trầm

Từ ngàn xưa, trầm kỳ là phẩm vật quý, vật “gia bảo” của trăm họ; là lễ vật tiến vua, cống nạp bang quốc.

Từ ngàn xưa, trầm kỳ là phẩm vật quý, vật “gia bảo” của trăm họ; là lễ vật tiến vua, cống nạp bang quốc. Trầm kỳ được dùng làm thuốc chữa bệnh, nước hoa, mỹ phẩm cao cấp… Quan niệm Á Đông còn cho rằng: Trầm kỳ tạo sức hấp dẫn người khác phái, xua đuổi tà ma… Mùi hương trầm tỏa ra làm mê đắm lòng người, đưa con người giao hòa với trời đất, hướng về cái thiện. Bởi vậy, ngày càng có nhiều sản phẩm tạo ra từ trầm kỳ…

Du khách tìm hiểu về trầm (Trong ảnh: cây trầm, một sản phẩm mỹ nghệ độc đáo).
Du khách tìm hiểu về trầm (Trong ảnh: cây trầm, một sản phẩm mỹ nghệ độc đáo).
MA LỰC HƯƠNG TRẦM

Ngay từ ngàn xưa, trong tâm linh người Việt, trầm hương là báu vật của trời đất ban tặng, chứa đựng nguồn năng lượng vô biên có thể mang theo bên mình làm bùa hộ mệnh, hóa giải tà khí. Trong ngày Tết hay những dịp đại lễ, người ta thường đốt hương trầm, đưa con người giao hòa với trời đất, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên. Bởi vậy, ngay từ xa xưa, dân gian đã có câu: Xuân về thắm đủ trăm hoa/Mùi trầm hương thiếu vẫn là chưa Xuân.

Khi ngửi mùi hương trầm, tâm hồn con người cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng, quên mọi âu lo, phiền muộn, lòng hướng về điều thiện, điều tốt lành. Hương trầm luân chuyển vào máu, làm điều hòa nhịp tim, bổ thận khí, tạo giấc ngủ sâu, phòng trừ nhiều bệnh như: tai biến mạch máu não, đau bụng, hen suyễn…

Trầm kỳ có mùi thơm hơi hắc, nhưng mùi thơm của trầm kỳ không thể lẫn lộn với bất kỳ hương thơm nào khác. Mùi thơm của kỳ còn đặc biệt hơn. Những chế phẩm tạo ra từ kỳ có mùi thơm gần như vĩnh cửu. Bởi vậy, những đồ trang sức làm từ kỳ, dù có đeo vài chục năm vẫn còn tỏa hương thơm. Theo nhiều lương y có kinh nghiệm, lấy tinh dầu của trầm kỳ phối với tinh dầu xạ hương (lấy từ túi thơm của con cầy hương) sẽ tạo ra mùi hương rất đặc biệt, có thể quyến rũ người khác phái. Nếu tỷ lệ tinh dầu trầm kỳ chiếm 85% thì dùng cho nam, vì hương thơm này cực kỳ hấp dẫn phái nữ; ngược lại, tỷ lệ trầm kỳ 15% sẽ có sức thu hút phái nam.

Trầm và kỳ đều được lấy từ lõi cây dó có tích tụ tinh dầu. Muốn phân biệt hai thứ ấy cần phải xem tính chất, khí vị của chúng. Gỗ kỳ nam nặng và nhuyễn, có đủ vị cay, chua, đắng, ngọt, thơm. Khi đốt cho ngọn lửa xanh, bay thẳng lên cao, tồn lưu trong không khí rất lâu. Gỗ trầm thì hương nhẹ hơn, có vị cay, hơi đắng, mùi thơm. Đốt trầm nhả khói hình vòng và nhanh chóng tan biến vào không gian.

Trầm kỳ có công dụng to lớn, giá trị vô biên nên cũng thu hút nhiều người đi tìm trầm. Chuyện “ngậm ngãi tìm trầm” đã được dân gian khuyếch đại, thêu dệt nên nhiều chuyện ly kỳ, hấp dẫn…

HƯƠNG TRẦM “BAY XA”

Từ xa xưa, Khánh Hòa được mệnh danh là “vương quốc” của trầm kỳ. Không những trầm kỳ lấy từ Khánh Hòa là loại tốt nhất, mà Khánh Hòa còn là nơi phát tích của huyền thoại Bà Chúa xứ Trầm. Chắc không lời lẽ nào diễn tả hết về trầm hương xứ Khánh Hòa cũng như câu chuyện Bà Chúa xứ Trầm đã đi vào tâm linh người Việt.

Tuy là quê hương của trầm kỳ nhưng không phải lúc nào cũng tìm được trầm kỳ; bởi vậy, trầm kỳ rất hiếm (có hiếm mới quý). Ở Khánh Hòa, trầm kỳ được thu mua chủ yếu từ người dân. Chính vì vậy, nghề chế tác các sản phẩm từ trầm kỳ cũng rất ít. Huyện Vạn Ninh được xem là nơi duy nhất có nghề chế biến trầm, nhưng cũng chỉ là “gọt, đẽo, phân loại”, chưa có những mặt hàng mỹ nghệ tinh xảo. Gần đây, Công ty ATC - Trầm hương Khánh Hòa (Văn phòng chính tại 5C Lý Tự Trọng, TP. Nha Trang) cố gắng đem những sản phẩm từ trầm hương đến với công chúng và khách du lịch. Là một người “yêu trầm”, gắn bó với trầm ngay từ những năm công tác trong nghề báo ở Tây Nguyên, anh Nguyễn Văn Tưởng đã nảy ra ý tưởng chế biến sản phẩm từ trầm kỳ, xem đó như cách chuyển tải hình ảnh của Xứ Trầm Hương ra bạn bè quốc tế. Các sản phẩm của ATC tập trung vào 2 nhóm chính: chữa bệnh và tâm linh. Ngoài các loại trầm đốt (trầm xe, trầm thắp…), ATC còn sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ cao cấp như: cây trầm, tượng, quạt, vòng, chuỗi đeo tay… Theo anh Tưởng, các sản phẩm từ trầm kỳ không nhiều nhưng đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật chế tác công phu, hoàn hảo mới tạo ra sản phẩm phát huy được công dụng của trầm hương. Đơn cử như việc sản xuất trầm đốt, phải đi qua nhiều công đoạn phức tạp. Trầm phải xay nhuyễn đạt độ mịn nhất định trong điều kiện nhiệt độ hợp lý, sau đó được ủ trong một thời gian, rồi dùng keo của cây bời lời liên kết chúng lại. Chế biến thế nào để khi đốt, nhang không cháy nhanh, cũng không quá chậm, không bị tắc (điều kiêng kỵ). Hay như sản xuất trầm tóc đá, phải đạt độ cứng nhất định, sử dụng công nghệ nhiệt hợp lý (không cong vênh khi luộc, ít co dãn vì nhiệt), hấp ở một nhiệt độ nhất định, rồi mới đánh bóng… Thế nhưng, việc chiết xuất tinh dầu trầm còn tỉ mỉ hơn; tuy chưa có điều kiện áp dụng công nghệ cao nhưng việc chiết xuất này cũng thể hiện sự công phu chưa từng thấy. Muốn chiết xuất 1 lít tinh dầu trầm phải sử dụng hơn 4 tấn cây dó có trầm. Máy nghiền sẽ chẻ nhỏ cây dó, nguyên liệu được ủ ngâm trong nước 20 ngày, sau đó đem phơi rồi hấp cách thủy (ở nhiệt độ thích hợp), tinh dầu chảy ra được chưng cất qua nồi hơi… Sản phẩm từ trầm của ATC đang được bày bán nhiều nơi ở TP. Nha Trang (Hòn Chồng, Tháp Bà Ponaga, phố đi bộ, đường Lý Tự Trọng…). Một số đơn vị nhận làm đại lý cho Công ty này như: Vinpearl, Yangbay… Công ty cũng đã ký hợp đồng với Dược Đà Lạt để sản xuất thuốc chữa bệnh từ trầm.

QUANG VIÊN