04:02, 15/02/2011

Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định: Tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yếu cầu phát triển của các ngành, các lĩnh vực…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định: Tăng cường đào tạo (ĐT) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (NNL) để đáp ứng yếu cầu phát triển của các ngành, các lĩnh vực… Vì vậy, củng cố và phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề (CSDN), đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung học chuyên nghiệp (THCN) trên địa bàn; gắn ĐT với nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, có chính sách khuyến khích đẩy mạnh ĐT nghề tại cơ sở sản xuất kinh doanh là những việc làm cấp thiết. Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với các sở, ngành liên quan của tỉnh đã tiến hành rà soát để thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Đây là bước ngoặt để NNL Khánh Hòa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong giai đoạn mới và hội nhập quốc tế.

. Nguồn nhân lực vẫn còn bất cập

Khánh Hòa có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp, cảng biển quốc tế, cảng hàng không, sản xuất nông - lâm - thủy sản xuất khẩu. Thời gian qua, kinh tế địa phương có sự chuyển dịch mạnh mẽ, phát huy được các thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, KT-XH địa phương vẫn còn một số mặt hạn chế, trong đó có công tác phát triển nhân lực. Điển hình như: mạng lưới cơ sở ĐT chưa được quy hoạch đồng bộ, một số cơ sở ĐT chưa đáp ứng yêu cầu về quy mô, năng lực, chất lượng; cơ cấu ĐT còn bất hợp lý, thiếu lao động (LĐ) lành nghề để phục vụ nhu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn; một số ngành nghề có nhu cầu LĐ cao nhưng tỉnh chưa có cơ sở ĐT hoặc chưa có chương trình ĐT…

Người lao động đã qua đào tạo nghề đang là mối quan tâm của các ngành chức năng địa phương trong việc tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. (Trong ảnh: Đào tạo nghề đan mây - tre - lá ở Vạn Ninh).  
Người lao động đã qua đào tạo nghề đang là mối quan tâm của các ngành chức năng địa phương trong việc tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. (Trong ảnh: Đào tạo nghề đan mây - tre - lá ở Vạn Ninh).
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, giai đoạn 2000 - 2009, nhìn chung, chuyên môn kỹ thuật của lực lượng LĐ tỉnh tăng lên rõ rệt ở các cấp trình độ (cao hơn mức trung bình chung của vùng và cả nước). LĐ chưa qua ĐT giảm từ 84,79% (năm 2000) xuống còn 51,45% (năm 2009); tỷ lệ LĐ qua ĐT tăng từ 15,21 (năm 2000) lên 48,55% (năm 2009). Trong giai đoạn này, LĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng bình quân 3,2%năm. Tuy nhiên, cơ cấu ĐT LĐ của tỉnh còn bất hợp lý và chậm thay đổi. Năm 2009, tỷ lệ LĐ là: 1 trình độ CĐ, ĐH - 0,6 THCN - 0,48 công nhân kỹ thuật. Trong khi đó, bảng mẫu quốc tế về cấu trúc LĐ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc thì tỷ lệ này là: 1 trình độ CĐ, ĐH - 4 THCN - 10 CNKT. Điều đó cho thấy, Khánh Hòa đang ở trong tình trạng thiếu hụt đội ngũ công nhân kỹ thuật đã qua ĐT, trong khi số lượng LĐ chưa qua ĐT rất lớn (hơn 50% tổng lực lượng LĐ).

Do tình trạng NNL kém chất lượng nên nhiều LĐ chỉ có thể phục vụ chủ yếu cho các ngành nghề có nhu cầu tạo ra giá trị gia tăng thấp. Chất lượng NNL thấp và không được ĐT bài bản đã khiến cho người LĐ địa phương phải chịu thua thiệt và nhường lại các vị trí có thu nhập cao cho người nước ngoài…

. Hướng đi mới cho đào tạo nhân lực

Nhận định giai đoạn 2011 - 2020, thị trường LĐ của tỉnh sẽ có những chuyển dịch lớn giữa các khu kinh tế, các địa bàn, ngành nghề và doanh nghiệp. Trong bối cảnh hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ về công tác ĐT, việc phát triển nhân lực tiếp tục được phát huy. Đây là điều kiện để người LĐ Khánh Hòa có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế một khi các hình thức liên kết ĐT hoặc chính sách thu hút các cơ sở ĐT nước ngoài có uy tín đặt chi nhánh tại địa phương.

Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã rà soát để thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2020. Trong đó, mục tiêu phát triển nhân lực đảm bảo đủ số lượng, có cơ cấu phù hợp, có trình độ chuyên môn cao, thành thạo kỹ năng, tác phong chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo để phục vụ tốt yêu cầu phát triển tỉnh trở thành trung tâm KT-XH khu vực duyên hải Nam Trung bộ, và là một trong những trung tâm ĐT và cung cấp NNL chất lượng cao cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Theo định hướng phát triển đến năm 2015, tỉnh sẽ quy hoạch, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, THCN, CSDN phục vụ nhu cầu phát triển NNL trên địa bàn tỉnh, đảm bảo NNL đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH tỉnh, trong đó có 62,5% LĐ qua ĐT và 47,5% LĐ qua ĐT nghề. Giai đoạn đến năm 2020, tỉnh tiếp tục quy hoạch, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, THCN, CSDN; tạo được bước đột phá về chất lượng trong ĐT nhân lực ở các trường ĐH, CĐ, THCN và CSDN đạt trình độ, chất lượng tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á; đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh có 75% LĐ qua ĐT, trong đó có 60% LĐ qua ĐT nghề…

Chất lượng NNL ngày càng đóng vai trò quyết định trong phát triển KT-XH theo hướng bền vững. Trong khi đó, hiện nay, thị trường LĐ vẫn đang phát triển theo quy luật cung - cầu. Vì vậy, các giải pháp nâng cao chất lượng NNL của tỉnh cũng cần phải tính đến các giải pháp phát triển thị trường LĐ. Bởi lẽ, đến thời điểm này, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu LĐ vẫn diễn ra chưa tương xứng. Điển hình như: quy mô và số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhỏ, tỷ lệ LĐ làm việc trong khu vực nông nghiệp còn khá lớn, chất lượng LĐ làm việc ở khu vực phi nông nghiệp chưa cao, hệ thống ĐT - dạy nghề chưa thật sự trở thành trụ cột trong việc cải thiện, nâng cao CL của lực lượng LĐ.

ĐẠI HẢI