03:02, 10/02/2011

Cân nhắc khi chọn ngành

Đầu tháng 3 hàng năm là thời điểm các thí sinh bắt đầu chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học và cao đẳng. Chính vì vậy, việc cân nhắc chọn ngành, chọn trường đang là nỗi trăn trở của nhiều thí sinh.

Đầu tháng 3 hàng năm là thời điểm các thí sinh (TS) bắt đầu chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ). Chính vì vậy, việc cân nhắc chọn ngành, chọn trường đang là nỗi trăn trở của nhiều TS.

Các thí sinh đang làm bài thi trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010 tại Trường Đại học Nha Trang.
Các thí sinh đang làm bài thi trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010 tại Trường Đại học Nha Trang.

     Tại chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2011 do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), Báo Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT Khánh Hòa, Tỉnh đoàn Khánh Hòa phối hợp tổ chức tại Trường Trung học Phổ thông (THPT) Ngô Gia Tự (TP. Cam Ranh) mới đây, những câu hỏi đặt ra cho ban tư vấn đã thể hiện sự trăn trở, khó khăn trong việc chọn ngành, chọn trường của hầu hết TS. Thông qua các câu hỏi có thể nhận thấy, nỗi trăn trở rất thực tế của TS là: Ngành nào đang hấp dẫn, ngành nào đang “hái” ra tiền và ngành nào bảo đảm ra trường không thất nghiệp?

Nhìn lại kỳ tuyển sinh năm 2010, cả nước có hơn 100.000 chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, có nghĩa khoảng chừng đó TS không học đúng ngành mà mình yêu thích. Đó là chưa kể đến số lượng TS đậu NV1 vào những ngành mình thích nhưng không phù hợp với khả năng hoặc do chạy theo trào lưu, không am hiểu về ngành mình đã chọn lựa… Theo số liệu thống kê của Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai - Phó Trưởng Ban ĐH và sau ĐH Trường ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, năm 2010, trong số 488 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ trong cả nước có đến 360 cơ sở đào tạo ngành Quản trị kinh doanh, 298 cơ sở mở ngành Kế toán, 297 cơ sở có ngành Công nghệ thông tin (CNTT), 269 cơ sở đào tạo ngành Ngoại ngữ (NN), 193 cơ sở có ngành Tài chính - Ngân hàng (NH)… Trong những khối ngành trên, ngành Tài chính - NH đang bão hòa, còn ngành CNTT, NN không còn… hấp dẫn. Cụ thể, trong kỳ tuyển sinh năm 2010, có rất ít trường khối ngành Kinh tế, NH… xét tuyển NV2 vì có đông TS dự thi và nhập học. Ngược lại, khá nhiều trường buộc phải tuyển NV2 ngành CNTT mới mong tuyển đủ chỉ tiêu. Riêng khối ngành NN, ngoại trừ tiếng Anh vẫn có TS lựa chọn, những ngành như: tiếng Trung, tiếng Nhật… đều khó tuyển sinh. Theo Vietnamworks - nhà cung cấp các dịch vụ tuyển dụng trực tuyến, hiện nay, nhân lực cung cấp cho ngành NH đang đứng đầu, tiếp theo là Kế toán - Kiểm toán. Thế nhưng, nhu cầu của ngành NH lại đang giảm 14%. Nghĩa là trong khi nhu cầu của các NH, doanh nghiệp ngành Kế toán - Kiểm toán đang chững lại hoặc giảm xuống thì số lượng sinh viên (SV) ra trường có nhu cầu tìm việc ở 2 ngành này lại ngày càng tăng. Vietnamworks dự báo SV các nhóm ngành Kinh tế, NH sẽ rất khó khăn khi tìm việc trong vòng 4 - 5 năm nữa. Các lĩnh vực này sẽ chỉ tuyển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, TS nên cân nhắc trong việc lựa chọn ngành nghề đăng ký dự thi ở mùa tuyển sinh sắp tới.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tâm sự: “Hiện nay, TS thường chọn khối thi theo phong trào. Nhiều em học khá khối C hơn nhưng vẫn chọn khối A theo các bạn. Thấy ngành nào “nóng” là cứ thế đổ xô đăng ký. Nghề nghiệp lâu dài của con người không gắn liền với ngành nghề “nóng”. Điều căn cơ khi chọn ngành phải xuất phát từ tố chất, thậm chí một số ngành nghề đặc biệt còn đòi hỏi năng khiếu. Chính vì vậy, tôi khuyên các bạn đừng bao giờ lựa chọn ngành theo số đông mà phải dựa vào sở trường của mình”. Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, cơ hội việc làm nhiều nhất sẽ thuộc về những SV khá giỏi. Ngành nào cũng có việc làm nếu các em học tốt. Cân nhắc để chọn cho mình một ngành nghề phù hợp sẽ tạo nền tảng thành công trong tương lai. 

Với câu hỏi làm sao chọn đúng ngành nghề phù hợp? Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai trả lời: Để chọn ngành phù hợp, các em có thể ghi ra tất cả những ngành, những trường mình quan tâm. Sau đó, tìm hiểu về các ngành học đó, khối thi vào ngành mình yêu thích là khối nào. Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu những tố chất cần thiết cho ngành nghề mình chọn. Nếu các em thích nhiều ngành nhưng chưa biết chọn ngành nào thì nên tham khảo ý kiến cha mẹ, thầy cô để có thêm thông tin chọn lựa đúng ngành nghề phù hợp với mình. Đừng bao giờ chọn nghề nghiệp cho mình nhằm mục đích để làm hài lòng ai đó hoặc đáp ứng một vấn đề nào đó mang tính chất ngắn hạn.

Ông Vũ Tiến Cát - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Khánh Hòa cho biết, Bộ GD-ĐT chưa tổ chức hội nghị tuyển sinh, nhưng thông thường đầu tháng 3 hàng năm là thời điểm các TS bắt đầu chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH và CĐ. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các em phải cân nhắc chọn ngành, chọn trường thật kỹ càng, phù hợp với năng lực và sở trường của bản thân.

Ông Vũ Tiến Cát - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Khánh Hòa cho biết: Hiện nay, ở Khánh Hòa vẫn còn thiếu giáo viên các ngành. Năm 2012, Khánh Hòa phổ cập giáo dục mầm non nên sẽ thiếu nhiều giáo viên mầm non. Hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thiếu khá nhiều giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và THPT cũng chưa đủ. Hiện nay, Khánh Hòa có nhiều trường trung cấp, CĐ nghề nên nhu cầu giáo viên kỹ thuật rất lớn.

THU HIỀN