03:02, 09/02/2011

Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

Năm 2011, ngành công nghiệp Khánh Hòa đề ra chỉ tiêu tăng trưởng 13,5% so với năm 2010 về giá trị sản xuất công nghiệp.

Năm 2011, ngành công nghiệp Khánh Hòa đề ra chỉ tiêu tăng trưởng 13,5% so với năm 2010 về giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN). Đây là mức tăng khá cao so với mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 (từ 7,8 - 8%/năm). Để thực hiện được điều này, ngành Công thương tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đưa ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương về đích thành công.

Nhà máy Xi măng Cam Ranh dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2011, đóng góp vào tăng trưởng chung của công nghiệp địa phương.
Nhà máy Xi măng Cam Ranh dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2011, đóng góp vào tăng trưởng chung của công nghiệp địa phương.
Năm 2010, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế của nước ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) SXCN vẫn giữ được mức tăng trưởng khá và có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành công nghiệp tỉnh. Giá trị SXCN trên địa bàn tỉnh vẫn có sự tăng trưởng khá, ước đạt 15.675 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2009; góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa tại địa phương. Đóng góp lớn trong sự tăng trưởng khá của ngành công nghiệp tỉnh năm 2010, phải kể đến các DN Nhà nước địa phương với giá trị SXCN ước đạt 3.859 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2009; các DN có vốn đầu tư nước ngoài có giá trị SXCN ước đạt 4.198 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2009; các DN tư nhân có giá trị SXCN ước đạt 7.265 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2009.

Năm 2011, ngành công nghiệp tỉnh đề ra mục tiêu: giá trị SXCN ước thực hiện 17.786 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2010, mức tăng này cao hơn mức tăng trung bình của cả nước; trong đó ngành công nghiệp khai thác tăng 7%, công nghiệp chế biến tăng 14%, công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt và nước tăng 3%. Các sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp tiếp tục có sự tăng trưởng như: đóng và sửa tàu đạt 4.142 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2010; thuốc lá điếu đạt 820 triệu bao, tăng 3%; nước yến Sanest đạt 4,7 triệu lít, tăng 16%; chế biến hải sản xuất khẩu đạt 65 nghìn tấn, tăng 7%… Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 760 triệu USD, tăng 9,4% so với năm 2010 với các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu như: đóng, sửa chữa tàu, hải sản, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, thuốc lá, dăm gỗ… Năm 2011, ngành công nghiệp đóng tàu sẽ dần hồi phục và có mức tăng trưởng khá, nhiều dự án được đầu tư trên địa bàn sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2011… sẽ là những nhân tố làm tăng thêm giá trị SXCN của tỉnh. Dự kiến mức tăng trưởng 13,5% là có thể hoàn thành được.

Năm 2011, tình hình kinh tế thế giới tuy tiếp tục phục hồi nhưng vẫn chưa bền vững, vẫn tồn tại nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp; các thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản tăng trưởng chậm. Trong khi đó, các yếu tố như: điện sản xuất tiếp tục khó khăn, giá cả nguyên vật liệu có xu hướng tăng gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước… dự báo, hoạt động SXCN trên địa bàn tỉnh sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức.

Theo ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công thương, để thực hiện được các mục tiêu kế hoạch đã đề ra cần tập trung giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh triển khai thực hiện và hoạt động ổn định các dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại như: Nhà máy Xi măng Cam Ranh, Nhà máy Đóng tàu Hyundai Vinashin, Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, Khu dịch vụ dầu khí, Nhà máy lọc dầu Petrolimex, Nhà máy nhiệt điện Sumitomo…; khuyến kích, tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thủy hải sản… nhằm nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản phẩm công nghiệp; áp dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu; chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ cung cấp nguyên liệu, phụ liệu cho các ngành công nghiệp khác để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm; đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; hoàn chỉnh quy hoạch phát triển điện; triển khai có hiệu quả các chương trình khuyến công…

Theo ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, bên cạnh các giải pháp đã đề ra, các DN cần có chiến lược phát triển dài hạn trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường tìm kiếm thị trường, đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm… tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Cơ quan quản lý ngành cần tập trung triển khai thực hiện tốt kế hoạch năm 2011; có giải pháp phù hợp để khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống, công nghiệp nông thôn; đẩy mạnh tuyên truyền các tiềm năng thế mạnh và các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư; tích cực tham gia các hội chợ, triễn lãm chuyên ngành trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường, nắm bắt xu thế tiêu dùng đối với các loại sản phẩm; chú trọng công tác bình ổn thị trường; duy trì thực hiện tốt cải cách hành chính…

Có thể nói, việc thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2011 của ngành công nghiệp sẽ tạo nên động lực to lớn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thức XVI cũng như thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh. Để thực hiện được điều đó, cần triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đã đề ra; bên cạnh đó cần chú trọng giải quyết các vấn đề cấp thiết đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngành công nghiệp như vấn đề thiếu điện sản xuất, ổn định giá cả nguyên vật liệu, thị trường lao động; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính…

BÍCH LA