Hàng ngày, những người mua đồng nát rong ruổi khắp các con phố với tiếng rao quen thuộc. Vì mưu sinh, họ phải xa quê, lên thành phố kiếm sống. Họ luôn phải đối mặt với cuộc sống bấp bênh, cực khổ và cả những đắng cay với nghề này.
Hàng ngày, những người mua đồng nát (NMĐN) rong ruổi khắp các con phố với tiếng rao quen thuộc. Vì mưu sinh, họ phải xa quê, lên thành phố kiếm sống. Họ luôn phải đối mặt với cuộc sống bấp bênh, cực khổ và cả những đắng cay với nghề này.
° Xa quê vào thành phố lập nghiệp
Tại một điểm thu mua đồng nát trên đường Lê Hồng Phong (TP. Nha Trang), các bao đựng phế liệu được xếp chồng lên nhau làm cho căn nhà trở nên chật chội. Ở đây, chúng tôi gặp nhiều NMĐN đến bán phế liệu. Họ đều là những người lao động nghèo từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào Nha Trang kiếm sống bằng nghề đồng nát với nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau: nợ tiền ngân hàng, bệnh tật… Từ hai bàn tay trắng, trình độ học vấn thấp, họ phải làm những việc lao động chân tay như: thu mua phế liệu, lượm ve chai để kiếm sống, tìm cách thay đổi cuộc đời. Chị Trần Thị Lan (34 tuổi, quê ở Bình Định) cho biết: “Trước đây, vợ chồng tôi làm ruộng rất cực khổ mà vẫn không đủ sống. Nghe bạn bè rủ, chúng tôi đi xa làm ăn. Vợ chồng tôi từng đi nhiều nơi, đã làm nhiều nghề rồi “đậu” lại Nha Trang hơn 7 năm nay với nghề thu mua đồng nát. Tuy cuộc sống đã đỡ hơn nhưng vẫn còn bấp bênh”.
Người mua đồng nát trên đường đi mua phế liệu. |
Những con đường trong TP. Nha Trang như: Lê Hồng Phong, Đồng Nai, Nguyễn Thái Học hay khu vực phường Phước Long, Xương Huân là nơi tập trung nhiều NMĐN ở trọ. Họ thuê những phòngïï nhỏ hẹp, rẻ tiền trong các con hẻm với giá từ 300 - 500 nghìn đồng/phòng/tháng (chưa kể tiền điện, nước). Một số người còn rủ 3 - 4 người bạn ở ghép cho đỡ tiền trọ. Những thứ mua được từ phế liệu như: ti vi, quạt điện, đài, lò than… được họ tận dụng làm đồ dùng sinh hoạt gia đình. Vất vả cả ngày nhưng bữa cơm của những NMĐN chỉ đạm bạc với món canh và cá kho. Với họ, như thế cũng là may mắn rồi.
Hầu hết NMĐN là phụ nữ - những người kiên trì, không ngại khó. Dụng cụ của họ là cái cân, những bao tải trên lưng, quang gánh trên vai, sọt móc hai bên chiếc xe đạp cũ cùng vài chục nghìn đồng làm vốn theo nghề. Hàng ngày, trong bộ quần áo và chiếc nón cũ đã ngả màu, NMĐN còng lưng gánh hàng hay đạp xe rong ruổi hơn chục cây số qua các khu dân cư để tìm mua phế liệu. Trưa đến, họ tạt vào những gốc cây, chỗ mát bên đường túm tụm ăn trưa, nghỉ ngơi để chiều lại tiếp tục rong ruổi. Trước khi trời tối, NMĐN phân loại giấy, đồng, nhôm, sắt, nhựa, inox… đem bán ở các “vựa” thu mua phế liệu kiếm lời. Giá mua và bán phế liệu chỉ chênh lệch từ 200 - 500 đồng/kg. Thu nhập một người khoảng 20 đến 50 nghìn đồng/ngày. Những người mua hàng điện tử, điện máy có thu nhập cao hơn, khoảng 100 nghìn đồng/ngày. Công việc vất vả nhưng phần nào cũng giúp NMĐN ổn định cuộc sống và tiết kiệm tiền gửi về quê. Tuy nhiên, giá bán các loại phế liệu lên xuống thất thường theo thị trường nên cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn.
° Vui buồn nghề đồng nát
Niềm vui lớn nhất của những NMĐN là mua được nhiều phế liệu, quang gánh nặng vai. Những hôm mua được ít đồ, quang gánh nhẹ đi nhưng gánh nặng cuộc sống lại tăng lên với nỗi lo toan mưu sinh. Dù ngày nắng hay mưa, trời rét, đường lầy lội, NMĐN vẫn cặm cụi đi mua đồng nát. Chị Trịnh Thị Của (54 tuổi, quê ở Bình Định) kể: “Có hôm trời mưa, tôi không kịp trú, đống giấy trong sọt bị ướt, gánh thêm nặng vai. Đợi mấy ngày trời nắng, tôi mới mang ra phơi, vất vả thế nhưng không kiếm đủ tiền tàu xe về quê. Tết này tôi đành ở lại thành phố làm thêm”.
Rong ruổi suốt ngày trên đường phố, không ít lần, NMĐN bị va quệt, ngã xe hoặc bị sắt, thép đâm rách tay khi mua phế liệu. Cũng không ít lần, họ gặp những chuyện không hay như có người cố ý đổ nước bẩn lẫn vào bịch đựng rác hoặc gặp người bán khó chịu cò kè từng đồng. Bên cạnh đó, NMĐN thường xuyên phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với đồ cũ, bụi, rác bẩn, không có dụng cụ bảo hộ lao động nên dễ mắc các bệnh về mắt, nấm, viêm mũi, ho lao… ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuy phải xa quê để mưu sinh, nhưng khi chúng tôi hỏi về khó khăn, trên gương mặt những NMĐN luôn nở nụ cười tươi. Ở họ, chúng tôi vẫn thấy niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai dẫu khó khăn, vất vả đang còn ở phía trước.
THU TRANG