11:01, 02/01/2011

Còn nhiều trở ngại

Hiện nay, với sự bùng nổ của rất nhiều loại hình quảng cáo, những vướng mắc trong quan niệm; trong xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo, công tác quản lý hoạt động quảng cáo đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Hiện nay, với sự bùng nổ của rất nhiều loại hình quảng cáo (QC), những vướng mắc trong quan niệm; trong xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về QC, công tác quản lý hoạt động QC đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Từ năm 2001, Pháp lệnh (PL) QC đã được ban hành và đi vào hoạt động. Cùng với đó là các Nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện PLQC. Nhờ đó, hoạt động QC trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào ổn định. Hoạt động QC ngày càng đa dạng, phong phú về số lượng và chất lượng. Qua đó, góp phần giới thiệu đến cộng đồng những sản phẩm, dịch vụ tốt, chất lượng. Các hình thức QC bảo đảm được tính thẩm mỹ, hiện đại, những hình ảnh QC không phù hợp với tâm lý, phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa Việt Nam được kiểm soát chặt chẽ; nội dung QC trung thực. Hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các đơn vị QC được hạn chế.

: Công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh vẫn còn vướng mắc.
Nhưng bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động QC vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Hiện tại, toàn tỉnh có 1 đài phát thanh - truyền hình cấp tỉnh, 4 đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện; 1 báo, 3 tạp chí, 135 trang thông tin điện tử có hoạt động QC. Ngoài ra còn cóù 43 doanh nghiệp (DN) tham gia vào lĩnh vực QC. Năm 2010, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã cấp 1.270 giấy phép QC ngắn hạn và dài hạn; kiểm tra 264 trường hợp, xử phạt hơn 61 triệu đồng, buộc tháo dỡ 28 biển QC vi phạm. Hơn 3 năm qua, quy hoạch (QH) QC đã được tiến hành nhưng qua nhiều lần góp ý, sửa đổi, đến nay vẫn chưa thể ban hành. Lý do chính là QH QC phụ thuộc nhiều vào QH đô thị và QH xây dựng cơ sở hạ tầng. Mỗi QH trên lại thuộc trách nhiệm của một ngành khác nhau. Khi QH đô thị và QH xây dựng cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh thì QH QC cũng rất khó thực hiện. Ngoài ra, tốc độ phát triển đô thị nhanh cũng là một yếu tố khiến QH QC phải sửa đổi nhiều lần và kéo dài thời gian ban hành. Mới đây, tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết: “Hoạt động QC vận hành theo cơ chế thị trường, chính vì vậy, nơi có QH phân bổ QC thì thực tế các DN không có nhu cầu, trong khi nơi được QH với mức độ thấp thì các DN lại có nhu cầu QC với mật độ cao. Thực tế, QH QC không thể thay thế cho các văn bản quy phạm pháp luật, vậy để làm căn cứ đảm bảo thực hiện hiệu quả quản lý QC thì địa phương vẫn cần được tiếp tục hướng dẫn thực hiện QH QC và triển khai các bước xây dựng văn bản tiếp theo”.

Cách nhìn nhận hoạt động QC của nhiều cơ quan, ban ngành liên quan cũng chưa nhất quán. Nhiều nơi còn coi QC là hoạt động thái quá của các DN và cần được ngăn chặn, kìm hãm. Cách nhìn nhận về mỹ quan đô thị trong mối liên hệ với hoạt động QC cũng còn nhiều ý kiến trái ngược. Điều này một phần do các văn bản quy định của Nhà nước về QC chưa nêu rõ tầm quan trọng của hoạt động QC trong cơ chế thị trường; thống nhất nhận thức coi QC là một biện pháp đảm bảo kích cầu. Việc cấp phép QC liên thông giữa nhiều ngành chưa được hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân thực hiện QC nhiều khi còn ách tắc. Việc quy định các DN QC phải tháo dỡ bảng, biển, băng-rôn, phướn QC… khi hết hạn chỉ quản lý triệt để đối với các DN có trụ sở trong tỉnh. Còn đối với các DN ngoài tỉnh, tuy còn vi phạm nhiều nhưng việc xử lý lại không dễ. Cùng với đó, sự bùng nổ nhiều hình thức QC mới như QC trên các trang thông tin điện tử; QC bằng màn hình điện tử đặt ngoài trời ở nơi công cộng; QC chạy chữ dưới chân màn hình ti vi trên đài truyền hình, trên các xe lưu động… đều chưa có quy định cụ thể về việc xin phép, cấp phép.

Thực trạng đó đang đặt ra yêu cầu cấp bách cần sớm xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.

NHÂN TÂM