11:01, 02/01/2011

Hạn chế đáng kể tình trạng trẻ lang thang

Năm 2005, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 248 trẻ em lang thang, nhưng đến năm 2010 chỉ còn 38  trẻ em lang thang được can thiệp hồi gia. Đây là một nỗ lực lớn của các cấp chính quyền trong công tác quản lý  trẻ em lang thang.

Năm 2005, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 248 trẻ em lang thang (TELT), nhưng đến năm 2010 chỉ còn 38 TELT được can thiệp hồi gia. Đây là một nỗ lực lớn của các cấp chính quyền trong công tác quản lý TELT.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2005, trên địa bàn tỉnh có 248 TELT, trong đó có 116 trẻ em ở các tỉnh khác đến, số còn lại là trẻ em trong tỉnh có gia đình, ban ngày lang thang kiếm sống bằng các nghề bán vé số, bánh kẹo, đậu phụng, nhặt phế liệu, bới rác…, tối về nhà.

Trước tình hình có nhiều TELT trên địa bàn, từ năm 2005, các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động can thiệp, trợ giúp TELT rộng rãi đến từng xã, phường, thị trấn và kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực để trợ giúp TELT. Cụ thể: năm 2005, Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh (cũ) đã kêu gọi các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ cho các em ở các cơ sở nhà mở, mái ấm có nơi ăn, chốn ngủ an toàn và có điều kiện liên lạc với gia đình. Trong năm, 100 lượt em được giúp đỡ và 30 em trở về với gia đình. Song song hoạt động này, Dự án Hỗ trợ TELT do Ủy ban châu Âu tài trợ được triển khai vào đầu năm 2005 ở 3 phường trọng điểm có nhiều TELT là Vĩnh Phước, Ngọc Hiệp và Phương Sơn - TP. Nha Trang. Đến tháng 4-2006, Dự án này tiếp tục mở rộng ra xã Phước Đồng và phường Vĩnh Nguyên. Qua gần 3 năm thực hiện, Dự án đã tác động đến hơn 700 TELT, trẻ em có nguy cơ lang thang, trong đó có 443 trẻ được hỗ trợ giáo dục bằng nhiều hình thức, nhiều trẻ từ chỗ chưa từng được đi học đã có cơ hội đến trường, 121 trẻ được hỗ trợ học nghề, 258 hộ có TELT và có nguy cơ lang thang được vay vốn để phát triển kinh tế... Bên cạnh đó, năm 2007 - 2008, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã hỗ trợ triển khai Dự án “Sáng kiến giáo dục” ở xã Vạn Thắng - Vạn Ninh và xã Ninh Hải - Ninh Hòa. Đây là hai xã vùng biển nhiều trẻ em có nguy cơ bỏ học, lang thang kiếm sống. Qua đó, có 120 em được hỗ trợ dụng cụ, phương tiện học tập, hơn 200 hộ gia đình được vay vốn sản xuất, mua bán nhỏ nhằm đảm bảo điều kiện cho con em đến trường...

Nhiều gia đình có trẻ em có nguy cơ lang thang được hỗ trợ học nghề thay thế.
Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH còn phối hợp với các cơ quan ngoài tỉnh trợ giúp và đưa nhiều TELT hồi gia. Năm 2009, Sở phối hợp với các tỉnh Bình Phước, Phú Yên, Ninh Thuận đưa TELT xin ăn về lại địa phương; tạo điều kiện đưa 10 TELT từ Phú Yên vào Nha Trang bán vé số trở về gia đình; khảo sát và cung cấp danh sách 35 trẻ em Phú Yên vào Nha Trang bán vé số trong dịp Hè và tạo điều kiện hỗ trợ để các em không tiếp tục đi bán vé số vào những năm sau. Trong khoảng thời gian này, Dự án “Bảo vệ trẻ em” tại TP. Nha Trang do UNICEF tài trợ cũng được triển khai và đã thúc đẩy các hoạt động liên quan đến thực hiện quyền trẻ em như: Phổ biến kiến thức cho các bậc cha mẹ trong việc thực hiện quyền trẻ em, trang bị kiến thức cho TELT kiếm sống biết cách tự bảo vệ mình, tạo điều kiện cho các em được vui chơi, giải trí. Có khoảng 200 em được thụ hưởng các chương trình trên...

Nhờ những hoạt động can thiệp thiết thực trên, TELT, trẻ em thuộc các gia đình khó khăn có nguy cơ lang thang giảm hẳn. Năm 2009, điều tra trên địa bàn 137 xã, phường, thị trấn cho thấy, toàn tỉnh chỉ còn 4 trẻ em lao động xa gia đình, 1.581 trẻ em có nguy cơ lang thang và 11 TELT từ các tỉnh khác đến. Năm 2010, có 38 lượt TELT xin ăn cũng đã được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để hỗ trợ và tạo điều kiện hồi gia. Kể từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh không phát sinh TELT. Tỷ lệ TELT qua 5 năm đã giảm gần 97%.

Tuy số TELT trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ nhưng số lượng trẻ em có nguy cơ lang thang vẫn còn nhiều. Đáng mừng là từ tháng 6-2009 đến nay, Dự án Hỗ trợ TELT tiếp tục được triển khai tại 4 xã, phường là Vĩnh Phước, Vĩnh Hải, Phước Đồng (Nha Trang) và xã Diên Xuân (Diên Khánh). Có khoảng 638 trẻ em có nguy cơ lang thang được thụ hưởng từ các chương trình dự án thông qua các hình thức hỗ trợ như mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, hỗ trợ giáo dục, học nghề, gia đình các em được vay vốn phát triển sản xuất...

Hy vọng, trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ không còn trẻ em phải lang thang kiếm sống.

M.T