Xuất huyết (chảy máu) tiêu hóa là một báo hiệu tổn thương quan trọng trong đường tiêu hóa, có thể chảy máu từ thực quản, dạ dày - tá tràng, mật, ruột non, ruột già đến hậu môn. Tùy mức độ tổn thương, tình trạng chảy máu có thể diễn ra nhẹ, rỉ rả đến ồ ạt, gây tử vong nhanh chóng do hết máu trong cơ thể.
Xuất huyết (chảy máu) tiêu hóa (XHTH) là một báo hiệu tổn thương quan trọng trong đường tiêu hóa, có thể chảy máu từ thực quản, dạ dày - tá tràng, mật, ruột non, ruột già đến hậu môn. Tùy mức độ tổn thương, tình trạng chảy máu có thể diễn ra nhẹ, rỉ rả đến ồ ạt, gây tử vong nhanh chóng do hết máu trong cơ thể.
Thực tế cho thấy, không ít bệnh nhân (BN) do thiếu kiến thức nên bị chảy máu tiêu hóa mà không biết. Cụ ông Đ.V.N, 78 tuổi ở phường Tân Lập (Nha Trang) là một ví dụ. Cách đây không lâu, cụ N. có cảm giác mỏi tay, chân bên trái, phía đùi trái thỉnh thoảng có cảm giác tê tê. Nghi nhờ mình bị bệnh tim mạch, cụ đến khám ở phòng mạch tư. Sau khi đo điện tim, huyết áp, bác sĩ (BS) kết luận cụ không bị bệnh tim mạch, nhưng để dự phòng, BS khuyên cụ nên uống mỗi ngày 1 viên aspirin vào buổi chiều. Cụ N. thực hiện đúng theo lời khuyên của BS. Khoảng 1 tuần sau, tình cờ con cháu phát hiện cụ N. ngã trong nhà tắm. Cụ cho biết mấy ngày nay thường có cảm giác choáng váng, xây xẩm mặt mày. Nghi cụ bị rối loạn tiền đình, con cháu khuyên cụ nằm nghỉ và uống thuốc bổ. Lúc này, cụ N. cho biết cụ còn bị rối loạn tiêu hóa, đi tiêu phân đen. Do đây là tình trạng cụ N. hay mắc (rối loạn tiêu hóa) nên con cháu khuyên cụ tiếp tục uống men tiêu hóa như những lần trước. Nghỉ ngơi 2 ngày, bệnh của cụ N. không đỡ, ngược lại cụ càng lúc càng mệt, đi đứng không vững, da trắng bệch, đi cầu nhiều lần phân đen. Lúc này người nhà mới đưa cụ đi khám thì được BS yêu cầu nhập viện gấp vì cụ đã bị mất máu khá nhiều. Tại bệnh viện, cụ được điều trị tích cực, truyền 2 đơn vị máu… Sau gần 2 tuần điều trị, cụ N. xuất viện với chẩn đoán “XHTH nghi do thuốc”. Lúc này cụ N. mới biết thì ra tác dụng phụ của thuốc aspirin chính là gây loét bao tử, trong khi cụ vốn có tiền sử đau bao tử.
Bác sĩ Lưu Minh Hường đang khám cho bệnh nhân. |
Một trường hợp khác là anh K. ở xã Vĩnh Thạnh (Nha Trang). Tuy không dám khẳng định mình bị XHTH do dùng thuốc, nhưng anh cho biết lúc đầu anh bị viêm tai, đau đầu. Sau khi mua thuốc chữa viêm tai, đau đầu ở hiệu thuốc uống khoảng 1 tuần, anh bị đau bụng dữ dội rồi nôn ra máu. Lúc đó, gia đình vội đưa anh đến bệnh viện. Hiện sức khỏe anh K. đã hồi phục. Chia sẻ “kinh nghiệm” chữa bệnh của mình, anh K. chân thành: “Không nên tự ý mua thuốc chữa bệnh. Khi có bệnh nên đến cơ sở y tế để được điều trị càng sớm càng tốt”.
Theo Thạc sĩ - BS Lưu Minh Hường, Trưởng Khoa Nội tổng hợp thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có nhiều nguyên nhân gây XHTH, nhưng cơ bản nhất vẫn là viêm loét dạ dày tá tràng. Ở thực quản, xơ gan có thể dẫn tới giãn tĩnh mạch thực quản, khi giãn quá mức, tĩnh mạch vỡ ra gây xuất huyết ồ ạt rất nguy hiểm. Bệnh lý viêm thực quản do trào ngược dịch dạ dày lên thực quản, trong hội chứng Mallory-Weiss do BN nôn, nôn khan hoặc ho kéo dài dẫn tới viêm thực quản cũng có thể gây xuất huyết. Ở dạ dày, các nguyên nhân gây viêm loét dạ dày như rượu, xoắn khuẩn Helicobacter pylori, aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau, stress… hoặc các bệnh lý ác tính như ung thư dạ dày đều có thể gây XHTH. Ở ruột, loét hành tá tràng thường là nguyên nhân gây xuất huyết. Chảy máu còn có thể do trĩ, bệnh polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, các bệnh lý khác như viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn. Ngoài ra, các nguyên nhân khác như: dị dạng mạch máu, bệnh máu, chảy máu đường mật… cũng có thể gây XHTH.
Triệu chứng của XHTH cũng dễ nhận biết. Tùy thuộc vào nguyên nhân, vị trí chảy máu và mức độ mất máu, XHTH thường có dấu hiệu sau: nôn ra máu. Đây là triệu chứng thường gặp do chảy máu dạ dày, tá tràng. BN có thể nôn ra máu đen lẫn cục hoặc thức ăn. Chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản thường nôn ra máu ồ ạt, máu đỏ tươi, số lượng nhiều, thường nặng và tỷ lệ tử vong cao. Đi phân ngoài đen hoặc có máu: Phân đen như bã cà phê, mùi khẳm, thường lỏng; phân có máu tươi có thể do chảy máu nhiều như trong vỡ giãn tĩnh mạch thực quản hoặc chảy máu ở đoạn thấp của đường tiêu hóa. Các triệu chứng do mất máu: Mất máu kéo dài làm ảnh hưởng tới toàn trạng, BN thường xanh xao, niêm mạc nhạt, yếu mệt, hoa mắt, chóng mặt; trường hợp mất máu mức độ nặng thường kèm theo triệu chứng sốc: da xanh tái, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp hạ, tiểu ít, khó thở, có thể co giật…; xét nghiệm cận lâm sàng có biểu hiện thiếu máu; nội soi có thể có viêm loát dạ dày, bệnh lý về gan mật hoặc những bệnh cảnh toàn thể như suy tủy, giảm tiểu cầu…
Một vấn đề đáng quan tâm là hiện nay đa số BN tới viện vì các triệu chứng nôn ra máu và đi ngoài phân đen. Lúc này thường là BN đã mất máu ở mức độ vừa tới nặng, thậm chí nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng cấp cứu. Vì thế, theo BS Lưu Minh Hường, ngay cả khi không có bằng chứng xuất huyết mà chỉ có các triệu chứng như: đau bụng vùng thượng vị, đầy bụng khó tiêu hoặc đau bụng khi dùng các thuốc có hại cho dạ dày, BN xanh xao, hoa mắt, chóng mặt… cũng cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cũng theo BS Hường, để phòng ngừa XHTH, khi sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh cần có chỉ định của BS chuyên khoa nhằm tránh xuất huyết do thuốc. Đối với bệnh cảnh xơ gan, bệnh này thường do rượu, vi rút gây nên nên BN cần làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân viêm gan vi rút và chích ngừa viêm gan, đồng thời hạn chế rượu bia, thuốc lá; không dùng các thuốc và thức ăn có hại cho dạ dày, nên tăng cường chất xơ và rau quả. Khi bị xuất huyết cần dùng các thức ăn mềm và ăn thành nhiều bữa trong ngày.
NGỌC KHÁNH