03:12, 18/12/2010

Giảm số vụ tai nạn và số người chết

Nhằm kiềm chế và giảm tai nạn giao thông, ngay từ đầu năm 2010, lực lượng Cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đồng bộ và toàn diện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Nhằm kiềm chế và giảm tai nạn giao thông (TNGT), ngay từ đầu năm 2010, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đồng bộ và toàn diện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Đặc biệt, lực lượng này đã tổ chức các đợt cao điểm tổng kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tăng cường huy động sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện và xử lý vi phạm đạt hiệu quả cao… Nhờ thế, tình hình TNGT đường bộ năm 2010 (từ 1-12-2009 đến 31-11-2010) trên địa bàn tỉnh giảm cả về số vụ và số người chết so với năm 2009.

Theo báo cáo của Phòng CSGT Công an tỉnh, năm 2010, toàn tỉnh xảy ra 158 vụ TNGT đường bộ, làm 171 người chết, 34 người bị thương, thiệt hại tài sản gần 670 triệu đồng. So với năm 2009, số vụ TNGT giảm 8 vụ, số người chết giảm 15 người. Nguyên nhân các vụ TNGT chủ yếu do ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn thấp và chủ quan với hiểm họa về TNGT. Đa số các hành vi vi phạm trực tiếp gây ra TNGT vẫn tập trung nhiều nhất ở nhóm người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ; vi phạm quy tắc tránh vượt; đi không đúng làn đường, phần đường quy định; không chú ý quan sát; điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia… Bên cạnh đó, tình hình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu gia tăng và khả năng lưu thông của phương tiện; chính quyền địa phương ở nhiều nơi, nhất là cấp cơ sở chưa quan tâm thường xuyên đến công tác bảo đảm TTATGT và công tác phối hợp kiểm điểm, giáo dục người có hành vi vi phạm TTATGT. Trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô khách cũng tồn tại yếu kém, nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nhỏ, chất lượng thấp; các công ty du lịch lữ hành thực hiện hợp đồng khoán cho lái xe, chạy theo lợi nhuận, dẫn đến tranh giành khách. Người điều khiển xe mô tô không qua đào tạo, không có giấy phép lái xe (chiếm hơn 60% tổng số xe mô tô vi phạm TTATGT) nên kỹ năng lái xe và xử lý tình huống còn hạn chế, tham gia giao thông tùy tiện. Vì vậy, số vụ TNGT do xe mô tô gây ra chiếm đến 65,2%…

Vẫn còn tình trạng xe chở quá tải, quá khổ ngang nhiên lưu thông trên đường. (Ảnh chụp trên Quốc lộ 1, đoạn đi qua địa phận huyện Vạn Ninh).

Trong năm, Phòng CSGT Công an tỉnh tổ chức triển khai thực hiện 9 kế hoạch tuần tra, kiểm soát về bảo đảm TTATGT. Qua đó, đơn vị đã phát hiện và lập biên bản 12.794 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt hành chính 9.627 trường hợp với số tiền hơn 5,5 tỷ đồng; tạm giữ 963 phương tiện các loại; tước giấy phép lái xe 561 trường hợp… Từ các trường hợp vi phạm cho thấy, tình trạng xe khách chở quá số người quy định trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến tương đối phức tạp. Lực lượng CSGT đã phát hiện, lập biên bản xử lý 503 trường hợp vi phạm chở quá số lượng người quy định.

Có thể nói, ngay từ đầu năm 2010, các đơn vị chức năng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm kiềm chế TNGT và bảo đảm TTATGT; trong đó tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của người tham gia giao thông. Cụ thể, các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông và các quy định của pháp luật về TTATGT cho 12.120 lượt cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên và lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chủ yếu đi sâu tuyên truyền các chuyên đề như: các quy tắc giao thông; việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy; không uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện… Mặt khác, các lực lượng còn tổ chức in, cấp phát 5.000 thư bướm, 14 đĩa CD có nội dung tuyên truyền về TTATGT trong dịp Tết; phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức 2 hội thi về ATGT tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn TP. Nha Trang; duy trì công tác tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan cho cán bộ, nhân dân (định kỳ thay ảnh 3 tháng/lần) trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; thay mới nội dung các bảng ảnh tuyên truyền Luật Giao thông trong các trường học… Đồng thời, phối hợp với Ban ATGT, Sở Giao thông vận tải, Công ty Quản lý đường bộ tiến hành khảo sát, kiến nghị khắc phục những bất hợp lý trong tổ chức giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 26. Qua đó, đã kiến nghị lắp đặt sửa chữa, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ; khảo sát, thống nhất các giải pháp đảm bảo ATGT tại các nút giao thông trong đô thị, lắp đặt và thay thế đèn tín hiệu tại các giao lộ… Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân ngày càng được nâng cao.

Nói về phương hướng sắp tới, Thượng tá Phan Long Để - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: “Phòng sẽ tham mưu cho Ban ATGT tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức xã hội đề cao trách nhiệm, triển khai đồng bộ và toàn diện, thường xuyên, liên tục các giải pháp bảo đảm TTATGT; chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ và ngành chức năng đề ra nhiều giải pháp thực hiện nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, Nghị định 34/CP của Chính phủ; phấn đấu kiềm chế và làm giảm cả 3 tiêu chí về TNGT; kiên quyết không để xảy ra tình trạng đua xe trái phép, giải quyết kịp thời các tình huống ùn tắc giao thông; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…”.

CẨM VÂN