06:12, 29/12/2010

Thị trường cuối năm: Nhiều áp lực tăng giá

Cục thống kê Khánh Hòa cho biết, tháng 12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn tỉnh tăng 1,79% so với tháng trước và tăng 11,92% so với tháng 12 năm ngoái (bình quân CPI tăng gần 1%/tháng), vượt xa so với chỉ tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra.

Cục Thống kê Khánh Hòa cho biết, tháng 12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn tỉnh tăng 1,79% so với tháng trước và tăng 11,92% so với tháng 12 năm ngoái (bình quân CPI tăng gần 1%/tháng), vượt xa so với chỉ tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra. Cuối năm, sự cộng hưởng của các yếu tố thời tiết, mùa vụ, mặt bằng giá thế giới, nhu cầu sắm Tết… tiếp tục là nguyên nhân gây sức ép tăng giá hàng hóa tiêu dùng.

Hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 40%) trong rổ hàng hóa tiêu dùng - vẫn đứng đầu bảng tăng giá với mức tăng 3,61% so với tháng trước; trong đó, thực phẩm tăng vọt 4,85%, lương thực tăng 3,64%. Cụ thể, thịt heo tăng 7,96%, trứng các loại tăng 5,95%, thủy hải sản tăng 3,29%, rau xanh tăng hơn 15%, trái cây tăng 2,44%, gạo tăng 3,75%, đường tăng 10,43%. So với cùng kỳ năm 2009, CPI của nhóm lương thực đã tăng 25,41%; thực phẩm tăng 20,83%, ăn uống ngoài gia đình tăng 12,55%. Nguyên nhân tăng giá là do tốc độ tái đàn sau dịch heo tai xanh còn chậm, thời tiết không thuận lợi cho đánh bắt hải sản, xuất khẩu gạo tăng, nhiều diện tích rau xanh trong tỉnh bị ngập úng sau lũ vẫn trong quá trình khôi phục, trong khi giá rau nhập từ tỉnh ngoài tăng cao. Giá các loại trái cây, tỏi khô, hành khô, mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu cũng liên tục tăng do hết mùa vụ. Giá đường trong nước tăng mạnh do giá đường thế giới tăng, trong khi vụ thu hoạch mía mới bắt đầu; kéo theo giá nhiều sản phẩm sữa nhích lên từ 3 - 8%; tại nhiều chợ, giá bán lẻ bánh, mứt, kẹo tăng chóng mặt, từ 20 - 100%.

 Giáp Tết, người tiêu dùng lại thấp thỏm nỗi lo tăng giá.

Đứng thứ hai trong bảng tăng giá CPI là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng với mức tăng 1,41% so với tháng trước. Trong tháng, biến động tỷ giá và lãi suất ngân hàng tăng khiến chi phí đầu vào cao hơn, phần khác do các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ công trình vào cuối năm nên lượng thép tiêu thụ tăng, đẩy giá thép tháng 12 tăng 300.000 đồng/tấn. Ảnh hưởng của tỷ giá cũng khiến giá gas tăng 41.000 đồng/bình 13kg từ đầu tháng, có thời điểm lên tới 380.000 đồng/bình. Cuối tháng 12, do chính sách bình ổn giá gas và việc giảm thuế nhập khẩu gas nên giá gas có hạ nhiệt song vẫn ở mức cao: từ 355.000 - 365.000 đồng/bình.

Nhu cầu mua sắm, tích trữ hàng hóa trước Tết Nguyên đán tăng mạnh cũng là nguyên nhân gây tăng giá nhiều mặt hàng như nước ngọt, hàng may mặc… CPI nhóm đồ uống và thuốc lá trong tháng qua tăng 1,09%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,8%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,89%. Các nhóm hàng hóa khác như giao thông; dịch vụ y tế; văn hóa, giải trí và du lịch… tăng nhẹ hoặc không biến động. Tuy nhiên, các nhóm hàng này chỉ chiếm quyền số thấp trong rổ hàng hóa tiêu dùng, không thuộc danh mục bình ổn giá hay đối tượng hàng hóa chịu sự kiểm soát giá bán nên không ảnh hưởng lớn tới CPI chung. So với tháng trước, giá vàng cũng tăng 5,43%, USD tăng 3,65%. Tính chung, chỉ số giá tháng 12 tăng 11,92% so với tháng 12-2009 (bình quân tăng gần 1%/tháng), vượt xa mục tiêu kiềm chế CPI dưới 1 con số.

Tình trạng tăng giá dịp giáp Tết Nguyên đán vẫn là quy luật hàng năm, nhưng tăng bao nhiêu, tăng dần đều hay tăng đột biến thì vẫn còn là ẩn số. Các ngành chức năng nhận định, để bình ổn thị trường, bên cạnh đảm bảo cân đối cung - cầu, cần quyết liệt hơn trong kiểm tra và xử lý  vi phạm về hoạt động thương mại như buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng… Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, đơn vị đang tập trung kiểm tra thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đặc biệt là kiểm tra việc chấp hành Pháp lệnh về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, ép giá, tăng giá quá mức và các thủ đoạn lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá… đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, sắt thép, xi măng, than, đường, sữa… Địa bàn kiểm tra là các khu thương mại tập trung, chợ đầu mối, điểm giao nhận, phân tán hàng hóa, các cơ sở kinh doanh, phương tiện vận chuyển hàng hóa, cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm…

V.A