02:12, 28/12/2010

Phòng tránh bệnh xơ gan

Theo nghiên cứu của Thạc sĩ - bác sĩ Lưu Minh Hường, Trưởng khoa Nội tổng hợp thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa: 90,21% bệnh nhân xơ gan là nam giới; 38,5% ở độ tuổi từ 45 - 55; 33,5% có tiền sử nghiện rượu.

Theo nghiên cứu của Thạc sĩ - bác sĩ Lưu Minh Hường, Trưởng khoa Nội tổng hợp thần kinh Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa: 90,21% bệnh nhân (BN) xơ gan là nam giới; 38,5% ở độ tuổi từ 45 - 55; 33,5% có tiền sử nghiện rượu. Và khi mắc bệnh, 60,1% có triệu chứng vàng da, mắt. Nghiên cứu trên được bác sĩ Hường thực hiện trên 143 BN xơ gan điều trị tại BVĐK tỉnh từ tháng 1-2008 đến tháng 9-2010.

Xơ gan là một bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra (do rượu, vi rút, xơ gan mật, hóa chất, thuốc, thiểu dưỡng, ký sinh trùng…), nhưng có chung bệnh cảnh lâm sàng và cận lâm sàng xuất phát từ một tổn thương cơ thể bệnh học bởi 3 yếu tố chính: Thoái hóa hoại tử nhu mô gan; xơ hóa tổ chức liên kết phát triển quanh tiểu thùy chèn ép nhu mô gan; tái tạo tế bào gan thành những nốt tái sinh. Ba yếu tố trên làm đảo lộn cấu trúc của tiểu thùy gan, trong đó quan trọng nhất là các phân nhánh của hệ thống mô và các tĩnh mạch trung tâm. Ở Việt Nam, xơ gan là một bệnh cảnh thường gặp, có tiên lượng xấu và tỷ lệ tử vong khá cao.

Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Nội tổng hợp thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Dấu hiệu nổi bật của xơ gan là phù. Lúc đầu phù hai chi dưới, về sau gan suy nhiều có thể bị phù toàn thân. Ngoài ra, xơ gan cũng ảnh hưởng đến chức năng nội tiết của cơ thể. Ở nam giới là tình trạng giảm ham muốn tình dục, teo tinh hoàn, vú to ra. Đối với nữ, đó là tình trạng rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh. Tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa thường biểu hiện bằng hiện tượng tuần hoàn bàng hệ. Lúc đầu chỉ là các tĩnh mạch nổi lờ mờ ở vùng mũi ức và hạ sườn phải, sau đó phát triển rõ dần, có khi nhìn thấy từng búi tĩnh mạch nổi lên. Lúc này BN có thể bị trĩ nội, trĩ ngoại, xuất huyết tiêu hóa do vỡ các tĩnh mạch ở thực quản và dạ dày. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa làm cho BN bị cổ trướng, bụng BN trương phình. Chọc hút dịch cổ trướng thường có màu vàng, nếu có màu hồng thì xơ gan có thể bị ung thư hóa. Khi đã có những biểu hiện của giai đoạn muộn thì gan không còn cơ hội phục hồi, bệnh rất ít tiên lượng điều trị. Có đến 60% BN tử vong trong năm đầu tiên, trên 80% tử vong trong 2 năm và chỉ có 6% BN sống qua 3 năm.

Các biến chứng của xơ gan gồm: Chảy máu tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản. Đây là một biến chứng hay gặp, rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng BN. Do chảy máu nặng, BN bị thiếu máu cấp tính gây sốc, thiếu máu càng làm suy gan nặng hơn, dẫn đến hôn mê gan. Cổ trướng: Do tăng áp lực tĩnh mạch cửa và suy gan làm cho các đợt viêm càng nặng và khó chữa. Rối loạn não - gan dẫn đến hôn mê gan: BN rối loạn ý thức, nhân cách, trí nhớ. Hội chứng gan - thận: Do trong xơ gan, sự tuần hoàn nuôi dưỡng thận giảm sút dẫn đến suy thận, suy gan. Các nguy cơ nhiễm khuẩn: Viêm phúc mạc tự phát do nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, lao phổi. Lách to và cường lách dẫn đến hạ hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Rối loạn về đông máu do giảm sản xuất fibrinogen, prothrombin… Những bệnh hay đi cùng xơ gan: Loét dạ dày, hành tá tràng, sỏi mật, ung thư gan trên nền xơ gan.

Xơ gan là bệnh không hồi phục được, việc điều trị rất khó khăn. Hiện nay, người ta đang áp dụng biện pháp ghép gan, tuy nhiên biện pháp này rất tốn kém, yêu cầu kỹ thuật hiện đại. Ở nước ta, kỹ thuật ghép gan mới đang là những bước đi ban đầu. Vì vậy, biện pháp tốt nhất là phòng bệnh. Theo bác sĩ Hường, mọi người cần thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của các bệnh viêm gan do vi rút (không quan hệ tình dục bừa bãi, không dùng chung bơm kim tiêm…), cần tiêm phòng vắc xin viêm gan, đặc biệt là vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, cần điều trị triệt để các bệnh có thể gây xơ gan như suy tim, viêm gan, sỏi mật…; hạn chế uống rượu, vì rượu cũng là một trong những thủ phạm gây xơ gan.

NGỌC KHÁNH