Qua 3 năm triển khai các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã có những chuyển biến tích cực, nhiều vụ bạo lực gia đình được hòa giải thành công, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở.
Qua 3 năm triển khai các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, công tác PCBLGĐ đã có những chuyển biến tích cực, nhiều vụ BLGĐ được hòa giải thành công, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở.
Từ năm 2008, theo kế hoạch của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, mỗi xã, phường, thị trấn phải xây dựng ít nhất một mô hình điểm can thiệp PCBLGĐ. Cụ thể là Câu lạc bộ (CLB) Gia đình phát triển bền vững (PTBV) và nhóm PCBLGĐ. Theo đó, các CLB Gia đình PTBV và nhóm PCBLGĐ ở các địa phương lần lượt được thành lập và đi vào hoạt động. Đến tháng 10-2010, toàn tỉnh đã thành lập 215 CLB Gia đình PTBV và 378 nhóm PCBLGĐ trên địa bàn 137 xã, phường. Trong quá trình hoạt động, các CLB Gia đình PTBV và nhóm PCBLGĐ có nhiệm vụ khảo sát và nắm bắt tình hình xảy ra BLGĐ tại cộng đồng dân cư, nhất là những khu dân cư tập trung nhiều lao động nghèo, bị tác động bởi khó khăn về kinh tế, không có nghề nghiệp ổn định và trình độ dân trí thấp… nhằm can thiệp, hòa giải kịp thời. Bên cạnh đó, thành viên tham gia PCBLGĐ còn thông qua các buổi hòa giải để tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật đến với người dân như: Luật Hôn nhân gia đình, Luật PCBLGĐ, Luật Bình đẳng giới…
Phòng, chống bạo lực gia đình không phải là việc riêng của mỗi nhà (Ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai thực hiện CLB Gia đình PTBV và nhóm PCBLGĐ vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo về tổ chức, nhân sự làm công tác gia đình; chế độ bồi dưỡng cho người làm công tác gia đình và kinh phí dành cho hoạt động sự nghiệp gia đình cũng chưa được quy định cụ thể. Vì vậy, các mô hình PCBLGĐ chưa phát huy hết hiệu quả.
Thời gian tới, để đảm bảo tính bền vững cho các mô hình PCBLGĐ hoạt động, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể việc thực hiện đồng bộ, thống nhất các mô hình PCBLGĐ trên toàn quốc về kinh phí, điều kiện hoạt động. Mặt khác, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để nhân rộng các mô hình PCBLGĐ có gắn với các hoạt động tín dụng, tiết kiệm và phát triển kinh tế gia đình; gắn với phong trào xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa… Phấn đấu đến năm 2015, 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh hoàn thành việc triển khai và nhân rộng mô hình PCBLGĐ ở tất cả các địa bàn dân cư; mỗi làng, tổ dân phố văn hóa có ít nhất từ 1 đến 2 CLB Gia đình PTBV, từ 1 đến 2 nhóm PCBLGĐ…
Với kế hoạch duy trì và nhân rộng mô hình PCBLGĐ như vậy, hy vọng, thời gian tới, tình trạng BLGĐ trên địa bàn tỉnh sẽ giảm, góp phần xây dựng lối sống văn hóa ở cơ sở.
M.T